Chúng ta

Bí kíp giao tiếp 5 ngoại ngữ của nữ sinh ĐH FPT

Thứ sáu, 17/6/2016 | 09:15 GMT+7

Phạm Thị Ngọc Châu, cựu sinh viên ĐH FPT, chuẩn bị lên đường sang Pháp học thạc sĩ chia sẻ những bí kíp học ngoại ngữ và giao tiếp thành thạo 5 thứ tiếng. 

Châu vừa tốt nghiệp ngành Tài chính Ngân hàng ĐH FPT vào tháng 1 vừa qua. Tháng 8 tới, nữ sinh sẽ sang Pháp học lên thạc sĩ tại trường Inseec, ngành Purchasing & Logistic. Trước đó, vào năm thứ 3 đại học, Châu đã sang quốc gia này trải nghiệm học tập thông qua chương trình trao đổi sinh viên. Ngoài tiếng Anh, Pháp, cô gái có thể giao tiếp được bằng tiếng Trung, Nhật và Hàn.

- Được biết Châu thông thạo 5 ngoại ngữ, bạn bắt đầu tiếp xúc với các ngoại ngữ đó như thế nào?

- Thật ra do tiếng Anh em sử dụng nhiều nên có thể được coi là thông thạo, chứ những ngôn ngữ còn lại em cũng không đến mức “chuyên gia” đâu. Trừ tiếng Anh ra, ngoại ngữ đầu tiên em học có lẽ là tiếng Trung do ông ngoại là nhà nho nên có hứng thú đặc biệt với ngôn ngữ này từ hồi còn tí xíu. Sau này em thích học tiếng Nhật vì khoái manga, anime và đặc biệt là văn hóa của xứ sở này. Còn tiếng Hàn với Pháp là do chuyện học hành đưa đẩy.

- Chuyện “đưa đẩy” này là thế nào?

- Đi học ở nước người ta mà không biết tiếng thì kỳ quá nên đành đi học. Hồi đó em định đi Hàn nên học tiếng Hàn, nhưng sau không đi nữa. Giờ chỉ xài tiếng này để đọc tin, nghe nhạc và xem phim thôi.

- Bí quyết để có thể học tốt nhiều ngoại ngữ của bạn là gì?

- Đối với em, quan trọng là thực hành và tiếp xúc với nó hằng ngày. Tiếng Anh thì ngày nào cũng dùng đến do FPT dạy bằng tiếng Anh và giáo trình cũng bằng tiếng Anh. Còn tiếng Trung, Nhật, Hàn là do chơi game cần. Đôi khi nghe nhạc, xem phim hay đọc tin tức cũng thường xuyên đụng tới. Còn tiếng Pháp thì do em có bạn là người bản xứ nên "triển" luôn (cười). Nói tóm lại là thực hành mọi lúc mọi nơi như nghe nhạc, xem phim, viết nhật ký hay "tám" chuyện với bạn bè người bản xứ.

chau-1-6147-1465463598.jpg

Phạm Thị Ngọc Châu tại La Roseraie, Pháp. Ảnh: NVCC

- Trong tiếng nước ngoài, theo bạn kỹ năng nào là quan trọng nhất?

- Em thấy cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc và viết) đều quan trọng. Nếu mình đọc được mà không nói hay không nghe cũng không viết được, cũng giống như bị khuyết tật vậy. Không nghe được sao hiểu người ta nói gì để nói. Không viết được thì khó diễn đạt được ý mình hoàn chỉnh, có khi lại khiến người khác hiểu lầm. Vì vậy kỹ năng nào cũng cần được trau dồi.

- Tình trạng loạn ngôn ngữ xảy ra như thế nào khi trong đầu bạn có quá nhiều ngoại ngữ?

- Thông thường khi có dịp xài một ngôn ngữ thì em sẽ quên hết những ngoại ngữ kia đi. Chỉ duy nhất có lần em lộn giữa tiếng Anh và tiếng Pháp. Đó là khi ở trong đầu em cứ nghĩ mãi từ đó bằng tiếng Pháp mà quên mất từ tiếng Anh là như thế nào. Còn hầu như chưa khi nào xài nhầm. Tuy nhiên, em sẽ ưu tiên sử dụng tiếng Anh trước. Em sẽ xài tiếng bản địa sau khi xác định được ngôn ngữ người mà mình tiếp xúc sử dụng.

- Bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên các ngoại ngữ ra sao?

- Tiếng Anh là gốc rễ ở FPT nên không có coi như là toi. Khi ra nước ngoài rồi em mới thấm tầm quan trọng của nó. Tiếng Hàn và Pháp là do sự học đưa đẩy. Còn tiếng Trung và Nhật thì do học ở trường nên phải biết và dùng cho giải trí.

- Bạn cũng đã bắt đầu đi làm từ thời sinh viên. Vậy cụ thể là những công việc gì?

- Thật ra cũng không có gì to tát. Em chỉ làm bán thời gian dạng cộng tác viên nghiêng về phần tổ chức sự kiện online. Nói chung em đi làm là để thư giãn đầu óc cũng như học cách tiếp cận khách hàng nhưng thay vì gặp trực tiếp thì thông qua sự kiện mình tổ chức.

- Kinh nghiệm từ công việc giúp gì cho việc học của bạn và ngược lại?

- Chắc có lẽ là áp lực. Deadline bài vở nhiều làm mình dễ stress nhưng khi quen rồi thì khỏe re. Việc làm cũng có áp lực thời gian nên giúp em quản lý thời gian khá tốt để không bị deadline gí. Thông thường em sẽ cộng trước deadline một đến 2 ngày để xem mình còn lỗi gì cần sửa không. Nếu có thì cũng có thời gian để sửa, chứ để đến ngày cuối là tiêu. Còn việc học giúp em có thể nhìn một đống giấy tờ toàn chữ với chữ nhưng không ngán, hay nói cách khác việc đọc tài liệu là chuyện nhỏ. Đọc nhanh, nắm ý chính để làm, vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp mình thư thả hơn được chút với công việc.

chau-2-5944-1465463598.jpg

Châu (áo dài xanh) cùng bạn bè quốc tế trong đợt trao đổi sinh viên từ tháng 9/2013 đến hè năm 2014 tại Pháp. Ảnh: NVCC. 

- Làm sao để vừa đi học vừa đi làm lại có thể đạt thành tích học tập tốt?

- Kinh nghiệm của em là làm vừa sức bản thân, không quá tham công tiếc việc. Việc học vẫn là ưu tiên số một. Em luôn sắp xếp mức độ công việc theo tính quan trọng và khẩn cấp. Mức độ quan trọng và khẩn cấp càng cao thì càng được ưu tiên làm trước. Với lại cần sắp xếp thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi, đầu óc được minh mẫn. Với em, cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái thì mới học tập và làm việc tốt được.

- Sau khi tốt nghiệp, tại sao bạn quyết định không đi làm chính thức ngay mà sang Pháp học thạc sĩ?

- Thay vì đi làm chính thức thì em lại sử dụng một năm (gap year) để trải nghiệm và thư giãn đầu óc. Trong thời gian này em cũng nhận lời làm công tác viên về mảng nội dung web cho trang nhaccuatui.com và tranh thủ làm hồ sơ đi du học, trao dồi thêm ngoại ngữ. Em muốn học xong thạc sĩ mới đi làm chính thức và nếu có đề tài nghiên cứu phù hợp thì sẽ làm lên tiến sĩ luôn.

- Định hướng con đường tương lai của Châu là gì?

- Em sẽ học tại Pháp trong 2 năm và cũng có mong muốn được ở lại. Tuy nhiên, em lại muốn về Việt Nam để mở một công ty chuyên về đồ handmade do chính mình làm chủ. Dù thế nào thì ở tại quê hương và gần gia đình vẫn là thích nhất.

Phạm Thị Ngọc Châu

Cựu sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng - ĐH FPT

Năm sinh: 1992

Các thành tích từng đạt được: Tài năng trẻ tuổi 15 tỉnh Đồng Nai, 2 Huy chương Đồng Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Đồng Nai năm 2007 môn cờ vua, giải khuyến khích học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử năm 2008, Huy chương Đồng Olympic 30/4 môn Lịch sử năm 2009, sinh viên hoạt động tốt phong trào kỳ Fall 2011…

Sở thích: Chơi game, vẽ tranh, đi du lịch, làm đồ handmade, đọc sách.

Quan điểm sống: Không có gì là không thể.

>> 'Bóng hồng' duy nhất của lớp công nghệ thông tin

Yến Nhi thực hiện

Ý kiến

()