Ám ảnh lớn nhất đối với tôi là phí Internet rất cao, và đường điện thoại gia đình có thể bị câu trộm để… truy cập mạng. Khi đó, người ta đưa lên TV cả chuyện cước điện thoại khổng lồ do người dùng không kiểm soát được việc truy cập Internet. Vì Internet lúc đó là đường dial qua điện thoại, nên nhiều khi có những “cuộc gọi quốc tế” bị tính vào hóa đơn mà khổ chủ không lường trước.
Đó là đường Internet VNPT, gọi là có nhưng bọn trẻ chúng tôi, vì những bất tiện của công nghệ, lại bị liệt vào loại “trẻ con không được dùng Internet”.
Bị cấm đoán như vậy, nên khỏi phải nói tôi sung sướng thế nào khi biết đến những cửa hàng Internet, ở đó người ta cho thuê máy tính kết nối mạng. Giá một giờ thuê khoảng 20.000-27.000 đồng (so với một gói xôi ăn sáng khi đó là 1.000 đồng). Học sinh, sinh viên chúng tôi thuê máy với nhu cầu nhiều nhất là check mail, chat và… chat.
Đắt đỏ, nhưng dù sao chúng tôi cũng đã có thể chủ động tiếp cận Internet. Mạng xã hội đầu tiên tôi biết đến là TTVN của FPT ở dạng forum. Tôi biết đến tên FPT đầu tiên như thế.
Chúng tôi chia sẻ với nhau mọi thứ, tán gẫu về… mọi thứ. Hầu như chuyện gì ta cũng có thể “lên mạng” để hỏi han trong những “chat room”, mà không sợ ai đó biết mình là ai. Rồi cả các danh hiệu dưới mỗi nickname (như “mode”, “thành viên tích cực”…) cũng đủ khiến các “thành viên mới” them thuồng. Tôi có một cô bạn, cô ấy muốn đi du học, và nếu không có các chat room ấy, cô không thể cùng một lúc có được nhiều kinh nghiệm, lời khuyên từ bạn bè khắp nơi, những người không quen biết nhưng sẵn sàng giúp đỡ.
Khi mọi người thân nhau, sẽ có những buổi offline mà kẻ Nam, người Bắc đều hội tụ. Hồi đó, mấy quán Dilmah trên Quán Sứ, Lò Sũ, Hồ Tây là tụ điểm “đắt khách” nhất. Có những tình bạn khởi nguồn từ Internet tồn tại đến bây giờ.
Tôi thấy thật may mắn vì ngày đó chúng tôi không hề gặp “bạn xấu”, những người đầu tiên trong các chat room đều là những người yêu công nghệ và có điều kiện tiếp xúc Internet sớm, sau này thì không được như thế nữa, thành phần đủ loại và các chat room loãng hơn.
Đến năm 2001 thì các điểm truy cập Internet mọc lên như nấm, gần như đã bão hòa, giá truy cập chỉ còn 2500-3.000 đồng/giờ/máy.
Khi đó, ai cũng có thể dùng Internet, đó là đường Internet FPT. Internet lúc này không dùng chung đường dây với điện thoại nữa.
Tôi đã là sinh viên và bắt đầu biết dùng Internet cho việc học của mình. Tôi là sinh viên khoa tiếng Nga của trường ĐH Ngoại ngữ, tôi đã biên tập những tờ bản tin bằng tiếng Nga, làm học liệu cho sinh viên trong khoa và cho khóa học môn Dịch tiếng Nga báo chí của chúng tôi. Tôi cũng được biết đến những đường “IP tĩnh” được nối đến trung tâm thư viện, mỗi máy tính có “IP động” và mỗi sinh viên có một account dùng riêng, “join domain” truy cập vào máy tính bất kỳ trên hệ thống bằng user và pass của mình.
Tôi nghĩ, FPT đã mang đến một cuộc cách mạng, một bước ngoặt lớn lao cho cả một thế hệ, khi “phổ cập” Internet vào đời sống. Tôi dự định ra trường sẽ xin việc vào FPT, vì thế ngoài tiếng Nga, tiếng Anh đã biết, tôi học thêm tiếng Nhật. Nhưng tôi vẫn sợ như thế không đủ để vào một nơi “toàn người giỏi” như thế nên tôi đã tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, làm Bí thư quản lý phong trào sinh viên, làm cộng tác viên cho một số tờ báo, bán hàng… để tích lũy kinh nghiệm, tăng thêm các kỹ năng mềm.
Tôi ra trường, không phải làm “hồ sơ giấy tờ” xin việc, tôi làm CV điện tử, và nhận các cuộc điện thoại gọi đến từ các nhà tuyển dụng, tôi chỉ việc chọn “sẽ làm việc ở đâu”, nên dễ hiểu tôi “gật đầu” ngay với “thần tượng” FPT.
Giờ đây, tôi đã có công việc đúng đam mê của mình tại FPT, làm việc 8 giờ/ngày trên máy tính kết nối Internet, tôi vẫn hàng ngày học hỏi chuyên môn, kiến thức liên quan qua mạng toàn cầu. Tôi tìm được cô bạn đi du học năm xưa và nhiều bạn học của mình từ thời “trèo me, hái sấu” nhờ Internet.
Tôi lấy chồng, gia đình chồng tôi chuyển sang dùng đường truyền FPT. Chúng tôi giải trí qua TV kết nối Internet. Tôi đã học rất nhiều thứ trên Internet để làm vợ, làm mẹ. Những ngày chồng tôi công tác xa, cả nhà vẫn gặp nhau, trò chuyện, hát hò, nhìn thấy nhau qua Internet. Phải nói rằng, không có Internet có thể cuộc sống của tôi vẫn đầy đủ hỉ nộ ái ố ấy, nhưng có Internet, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, những giá trị của cuộc sống được nâng cao hơn. Tôi tự hỏi, nếu năm ấy, nếu không phải là FPT mang lại Internet “giá rẻ” cho mọi nhà, thì cuộc sống của tôi sẽ khác đi thế nào?
Lê Tuyết Mai - FPT HO
Ý kiến
()