Chúng ta

Chuyện làng FOX

Thứ sáu, 25/5/2018 | 14:31 GMT+7

Từ dạo chuyển khẩu từ làng quê mờ mịt đèn dầu ra phố xá sáng choang đèn điện, chẳng ai còn thấy cảnh một gã to cao vật vã ở xóm SUP đánh quần lửng, áo thun màu cháo lòng tung tăng khắp làng trên xóm dưới nữa. 

(Những câu chuyện nhỏ từ khi FOX-HCM về tòa nhà 6 tầng - 68 Võ Văn Tần)

Chúng nó giàu quá!

Từ dạo chuyển khẩu từ làng quê mờ mịt đèn dầu ra phố xá sáng choang đèn điện, chẳng ai còn thấy cảnh một gã to cao vật vã ở xóm SUP đánh quần lửng, áo thun màu cháo lòng tung tăng khắp làng trên xóm dưới nữa. Thay vào đó là những bộ cánh láng coóng sặc sụa nước hoa khử mùi, đầu vuốt keo bóng lộn. Chị em là lượt váy ngắn váy dài lục lam chàm tím để củng cố ý nghĩ sự sang trọng của tòa nhà dẫu sao cũng không quá tầm đối với mình. Một dàn màn hình siêu mỏng được trưng dụng. Nước sơn khiến gỗ có giá hơn hẳn, tạo ngay niềm tin cho các Thượng đế về sự ăn nên làm ra. Sau một tháng áp dụng tính lương theo doanh số, xóm nọ hý hửng khoe một tay anh chị vừa mua laptop, lính lác tàng tàng cũng đã cồm cộm mobile giắt cạp quần. Còn khi chiếc Jolie cáu cạnh chở đúng một bộ Elead trờ tới cửa giao hàng khuyến mãi “Đừng mua máy tính nữa”, khách chỉ còn biết ngẩn tò te, bụng bảo dạ “Chúng nó giàu quá!”.

Chạy, chạy nữa, chạy mãi

Lắm FOXers tỏ ra ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của làng ta. Cụ thể nhất là khi so sánh chỉ tiêu doanh số đạt được 60% của vài tháng trước với 99.9% bây giờ. Đường truyền cũng vào cuộc và tăng tốc, tình trạng đủng đỉnh lề mề ít tái diễn. Gần đây nhất là sự vượt rào ngoạn mục để trở thành làng đầu tiên đưa thẻ Internet phone đến tay người tiêu dùng. Công nợ - chỉ tiêu trước đây luôn không đạt được thì sau vài tháng thực hiện biện pháp mạnh “đến ngày cắt tuốt”, nay không còn là mối bận tâm lớn về sự thất thu nữa. Vừa gửi báo cước xong là khách hàng đã ùn ùn kéo đến xúm đen xúm đỏ xin nộp tiền, chẳng đợi nhắc nhở hay dọa nạt như thói quen trì trệ từ xưa. Có lẽ chính vì các mối lo về công nợ và khiếu nại giảm đi mà xóm dịch vụ khách hàng cũng bắt đầu vào cuộc chạy đua doanh số như các xóm kinh doanh khi ôm thêm dịch vụ “Call 1280”. Khắp hang cùng ngõ hẻm ai nấy vã mồ hôi bởi khẩu lệnh “Chạy, chạy nữa, chạy mãi”. Luồng gió mới tự động làm tỏa sáng những năng lực và sáng tạo chưa được phát hiện và phát huy ở một số giai gái trong làng, đồng thời đào thải những ai bị liệt vào diện không thể phát triển được nữa.

Phải biết hy sinh

“Anh tên gì? Chị ở xóm nào? Em vào bao giờ?” – đó là những câu thăm hỏi quen thuộc khi dân làng gặp nhau lúc photo, chờ thang máy, hay lĩnh tiền cơm ở thủ quỹ. Những kẻ hoài cổ thỉnh thoảng mắt nhìn xa xăm nhớ về thuở được lớn tiếng chửi chó mắng mèo trên mạng sg. Chúng nhất quyết không chịu nhận ra chân lý rằng chúng được trả lương để làm việc, chứ không phải để ngồi mát ăn bát vàng. Nghỉ hè năm nay là một kỳ nghỉ bình yên nhất. Chẳng còn mail đàn để mà ý kiến ý cò, kiểu như kẻ đòi lên rừng nghỉ mát, kẻ lại khăng khăng xuống biển, trời không chịu đất, đất chẳng chịu trời. Chẳng cần phải như năm ngoái, tốn công tổ chức biểu quyết biểu tình để rồi cuối cùng cả đám uất ức hậm hực vì cho rằng bị... lừa khi kết quả là dân làng cứ ý kiến cho sướng miệng nhưng đi đâu thì do già làng định đoạt sẵn rồi. Để không ảnh hưởng đến việc giao dịch với khách hàng, năm nay làng giao chỉ tiêu mỗi xóm không nghỉ quá 1/4 dân số mỗi đợt, còn ai muốn đi đâu thì... tùy. Tự do muôn năm, lại được tiếng thơm là biết hy sinh vì lợi ích chung!

Ai mua cổ phiếu không?

Nhìn lại ảnh văn nghệ làng FOX lòe loẹt áo tứ thân cùng tả-pí-lù đàn tranh, violon, guitar tự đệm dịp Lễ hội 10 năm Stco in trong cuốn lịch bàn FPT, hiện có 4/10 người trong đó đã không còn là FPTer nữa, một hoặc vài người cũng sắp nói lời tạm biệt. Đánh hơi thấy đây chính là cơ hội làm giàu, một số kẻ nhanh nhạy với thời cuộc đã mở ngay dịch vụ viết thuê đơn xin thôi việc và giấy thỏa thuận chuyển nhượng cổ phiếu. Những kẻ này còn định môi giới việc mua bán sang các làng lân cận vì trong làng hiếm ai dám bỏ tiền đầu cơ nhiều bởi lo xa biết đâu chưa kịp có lời thì đã phải rao bán lại. Cũng cần nói thêm rằng, có một số tâm sự chính vì không còn làm ở FPT nữa mà đã đạt được mơ ước từ thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Anh B. xóm WEB chẳng hạn. Anh từng ước ao cùng bạn bè mở dịch vụ tư vấn thiết kế, nhưng ở FPT, anh ham vui quá nên cứ lần lữa. Khi nghỉ làm, anh bắt tay vào việc ngay, và hiện anh đã có những khách hàng đầu tiên là... người làng FOX. Chính anh cũng không ngờ ước mơ ấy cũng không quá khó để thực hiện.

Sờ-ti: Em chã!

Ông H. - nguyên đại gia xóm TEL tai tiếng là nhà giàu mà kẹo kéo. Mỗi chuyện một hôm ông chợt thấy đời đẹp quá, bèn quyết định bỏ ra những bốn nghìn đồng mua ổi đãi cả xóm mà đã trở thành đề tài phân tích bàn tán của buôn làng mấy hôm liền. Nhưng ông lại mê tít cái gọi là sờ-ti. Hôm xóm ông du hý ở Vũng Tàu, táo bạo hơn lần trước, ông dám dứt ruột ra mua mực nướng lẫn bia bọt cho đám lính mới, hòng mục đích cao cả là duy trì những bài hát Stco mà ông rất tự hào. Ông nghĩ tiền của ông sẽ giữ chân chúng ngồi nghe ông truyền bá cái văn hóa độc chiêu khiến ông sướng, và ông hy vọng rồi chúng cũng sẽ mê mệt và sướng như ông. Song, ông lầm to. Bọn lính mới trở mặt ngay lập tức. Chúng ăn uống no say rồi nguây nguẩy về phòng đánh một giấc chứ nào thèm đếm xỉa đến mấy bài hát nhăng hát cuội của ông. Ông chửi chúng vô ơn. Chúng cười hềnh hệch xin ông xét lại vì ở làng ta, từ sáng sớm đến chiều tối lúc nào chúng cũng tất tả với điệp khúc: tìm khách - dụ khách - đi khách, đều đặn như một cái máy. Chúng phân trần rằng có được nghe ai nói đến Stico là gì đâu. Tự nhiên bắt chúng hát, chúng thấy lạc lõng và đột ngột quá, hát thế nào được! Ngủ cho khỏe, mai phải triển khai nguyên ngày ở Bình Dương nữa. Còn sờ-ti à? Em chã!

Kiên Trinh

Công ty Truyền thông FPT-HCM

Ý kiến

()