Giải vô địch Vovinam sinh viên toàn miền Bắc lần thứ 2 quy tụ 268 vận động viên là sinh viên 24 trường đại học, cao đẳng. Trong 3 ngày diễn ra giải đấu, các vận động viên sẽ tham gia tranh tài ở hai nội dung: Đối kháng và Hội diễn với tổng số 35 bộ huy chương trong đó có 19 bộ huy chương đối kháng và 16 bộ huy chương hội diễn.
Ở nội dung đối kháng, các vận động viên được chia theo 12 hạng cân dành cho nam và 7 hạng cân dành cho nữ. Ở nội dung Hội diễn, các vận động viên sẽ thi đấu tại các hạng mục Đơn luyện nữ, Đơn luyện nam, Đa luyện tay không và binh khí, Tự vệ nữ, Quyền tập thể nữ và Quyền tập thể nam. Nội dung hội diễn là các bài quyền nổi tiếng của môn võ Vovinam như: Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp, Nhật nguyệt đại đao, Tứ tượng côn pháp, Long hổ quyền, Thập tự quyền, Ngũ môn quyền... nhằm phô diễn kỹ thuật cá nhân và sự phối hợp nhuần nhuyễn với đồng đội.
Lần thứ 2 tổ chức, giải đã thu hút được sự tham gia của 268 VĐV đến từ 24 trường đại học, cao đẳng tại miền Bắc. |
Các trường đại học, cao đẳng có sinh viên tham dự giải đều là những đơn vị có phong trào luyện tập Vovinam mạnh như: Trường ĐH FPT, Học viện Ngoại giao, Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic, ĐH Quốc Gia, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Greenwich Việt Nam, Cao đẳng Công nghệ cao, Học viện An ninh Nhân dân, ĐH Hàng Hải, ĐH Hùng Vương…
Lần thứ 2 tham gia giải, Nguyễn Diệu Linh - thành viên đoàn Học viện Ngoại giao, cảm thấy bất ngờ khi giải năm nay đã thu hút được một lượng lớn các trường đăng ký tham gia: "Bản thân em cảm thấy rất vui khi phong trào Vovinam của Hà Nội nói riêng và của miền Bắc nói chung đã ngày càng lan tỏa một cách mạnh mẽ. Giải đấu thực sự là cơ hội rất tốt để các môn sinh Vovinam có thể gặp gỡ, giao lưu, thi đấu để nâng cao kinh nghiệm và tăng tính đoàn kết trong cộng đồng Vovinam".
Tổ chức Giáo dục FPT là đơn vị đầu tiên đưa Vovinam vào giảng dạy với vai trò bộ môn giáo dục thể chất chính thức cho tất cả sinh viên đồng thời sở hữu võ đường Vovinam lớn nhất Việt Nam tại ĐH FPT Hòa Lạc. Năm 2013, Giải vô địch Vovinam ĐH FPT mở rộng được Tổ chức Giáo dục FPT đăng cai tổ chức với sự tham gia của sinh viên đến từ 13 trường đại học, cao đẳng.
Từ năm 2014, cùng với việc mở rộng quy mô, các nội dung thi đấu và số bộ huy chương, giải chính thức được mang tên Giải vô địch Vovinam sinh viên toàn miền Bắc. Năm 2017 là lần thứ 2 sân chơi dành cho các sinh viên đam mê bộ môn võ cổ truyền này được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao, phát triển tài năng trẻ và giữ gìn một trong những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Giải sẽ diễn ra từ ngày 2/6 đến ngày 4/6 tại võ đường Trường ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội. |
TS Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng ĐH FPT cho biết, việc đưa Vovinam vào chương trình giảng dạy chính thức cho sinh viên các đơn vị trong Tổ chức Giáo dục FPT ngay từ khóa đầu tiên và tổ chức các giải thi đấu Việt Võ Đạo hàng năm chính là mong muốn của ban lãnh đạo ngay từ những ngày đầu thành lâp.
“Khoác lên mình bộ võ phục màu xanh hòa bình, thể hiện những bài quyền do chính ông cha mình sáng tạo nên, mỗi đòn thế trong bộ môn Vovinam đều thể hiện sức trẻ và tinh thần thượng võ. Học võ cũng là học đạo làm người, hy vọng những triết lý nhân sinh của dân tộc sẽ thấm nhuần vào thế hệ trẻ để các em luôn tự tin và tự hào khi cùng bản sắc văn hóa truyền thống đó bước vào ra thế giới", anh Thành chia sẻ thêm.
Vovinam - Việt Võ Đạo là môn võ cổ truyền của Việt Nam được sáng lập bởi võ sư Nguyễn Lộc vào năm 1936 và bắt đầu truyền bá công khai từ năm 1938. Vovinam dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Dựa trên nguyên lý “Cương nhu phối triển”, môn sinh Vovinam được tập luyện từ những đòn thế tay không, cùi chỏ, chân, gối cho đến các loại vũ khí như kiếm, đao, mã tấu, dao, côn, quạt... Ngoài ra, môn sinh còn được học cách đối phó với vũ khí bằng tay không, các lối phản đòn, khóa gỡ và các đòn vật. Vovinam hướng môn sinh đến sức khỏe thể chất và tính hướng thiện trong tinh thần. Trong các môn võ của Việt Nam, Vovinam được phát triển quy mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh có mặt ở hơn 80 nước trên thế giới. Hiện, Vovinam là môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể dục Thể thao Đông Nam Á (Sea Games), các giải thi đấu chính thức trong nước như giải Vô địch quốc gia, Cup quốc gia, Hội khỏe Phù Đổng… Tại Tổ chức Giáo dục FPT, tất cả các sinh viên phải hoàn thành 3 kỳ học với 90 tiết thực hành môn Vovinam để chính thức đạt được mức đai từ cấp độ lam đai 1 vạch đến lam đai 3 vạch, tùy theo năng lực vận động và tố chất tập luyện của mỗi sinh viên sau khi vượt qua kỳ thi thăng đai sơ cấp. |
Những khoảnh khắc ấn tượng trong buổi thi đấu đầu tiên của giải
Đức Anh
Ý kiến
()