Chúng ta

8 nhạc sĩ tài hoa qua 'nét vẽ' tinh tế của người FPT

Thứ ba, 31/5/2016 | 08:28 GMT+7

Bằng ngôn từ dung dị nhưng chứa chan tình cảm, lời giới thiệu về các cố nhạc sĩ Việt Nam được anh Lê Đình Lộc, Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, chắp bút là lời mở đầu ý nghĩa trước mỗi tiết mục dự thi Hội diễn Sao Chổi tại Hà Nội, tối ngày 26/5.

Chúng ta giới thiệu lời dẫn về 8 cố nhạc sĩ tài năng của dân tộc của Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể Lê Đình Lộc tại Hội diễn Sao Chổi với chủ đề "Xa và gần". Lời dẫn này càng trở nên có hồn hơn khi được truyển tải qua giọng đọc của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Tổ chức sự kiện, Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT. Phần lời dẫn này được thể hiện trong video giới thiệu trước mỗi dự thi của mỗi đơn vị. TGĐ FPT chia sẻ: "Lời giới thiệu về nhạc sĩ tài năng của dân tộc được Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể chắp bút chính là trí tuệ của FPT hội tụ ở Hội diễn Sao Chổi năm nay".

Theo anh Lê Đình Lộc, sau Hội diễn 13/9/2015 với đại nhạc kịch FPT Rhapsody, Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT nhận thấy phần lời dẫn đã phần nào nâng cao được sự hấp dẫn cho mỗi tiết mục. Vì vậy, ý tưởng viết giới thiệu từng nhạc sĩ tại Hội diễn Sao Chổi có ngay từ khi nghĩ ra chủ đề chương trình năm nay. "Các nhạc sĩ đã đi xa được tưởng nhớ trong Hội diễn Sao Chổi đều để lại dấu ấn đặc biệt trong nền âm nhạc Việt, trong lòng công chúng thì phần lời dẫn là sự tôn vinh rõ ràng nhất cho những cống hiến của họ. Tôi dành 2 tuần để viết và chỉnh sửa lời giới thiệu nhạc sĩ", anh Lộc cho biết.

Anh Lộc tìm tất cả tư liệu về cố nhạc sĩ trên các trang mạng. Anh đọc nhiều bài viết của các nhà phê bình, của bạn bè, người thân các cố nhạc sĩ. Ngoài ra, anh còn đọc thêm các hồi ký, các bài phỏng vấn lúc sinh thời của họ. Nhiệm vụ của anh Lộc là chắt lọc ra những nét đặc trưng nhất về sự nghiệp và con người của mỗi nhạc sĩ qua lời giới thiệu khoảng 400 chữ để phù hợp với thời lượng làm clip minh họa. Anh bày tỏ: "Tôi cố gắng không sa đà vào tiểu sử và tác phẩm của các cố nhạc sĩ mà chỉ muốn đưa ra những nét đặc trưng nhất về sự nghiệp và sự cống hiến của họ cho nhân gian, đặc biệt là sâu thẳm nơi con người của các nhạc sĩ".

Khi đọc kỹ nhiều bài viết về họ, anh Lộc thấy thêm được nhiều vẻ đẹp khác nhau trong sâu thẳm con người mỗi nhạc sĩ. Đó là vẻ đẹp của tình yêu quê hương, đất nước, vẻ đẹp của sự trong sáng, vẻ đẹp của khát vọng, trăn trở, vẻ đẹp của cả nỗi buồn, sự cô đơn và thậm chí vẻ đẹp của cả định mệnh của họ.

IMG-0749-620.jpg

Tác phẩm bất hủ của 8 cố nhạc sĩ tài năng được tôn vinh trên sân khấu Sao Chổi. Ảnh: Anh Tuấn.

An Thuyên: Âm nhạc rút ra từ trái tim

Nếu cuộc đời là con đường, âm nhạc là dòng sông thì An Thuyên là con sông hiền hòa, đầy ắp cảm xúc và chan chứa yêu thương. Dòng sông ấy khơi mạch chảy bằng tiếng khóc chào đời trong lời ru của cánh cò, của đò đưa, của lũy tre làng, lấp lánh ánh trăng huyền ảo. Đó là dòng sông thi ca An Thuyên.

Âm nhạc An Thuyên được rút ra từ trái tim. Mỗi ca khúc đều thấm đẫm tình yêu, mộc mạc, chân thực như chính con người ông. Nghe ông, chúng ta có thể cảm nhận chất đồng quê, ý vị mượt mà của các làn điệu dân ca quyện vào âm nhạc hiện đại tạo nên những sắc màu riêng - sang trọng, đằm thắm mà bay bổng; hào hoa, giản dị mà tha thiết. Bằng tình yêu quê hương, đất nước, con người của chính mình, An Thuyên đã đánh thức hồn quê, hồn Việt trong cõi sâu vô thức, tiềm thức của mỗi người Việt Nam.

An Thuyên đã tựa lưng vào dân ca để viết nhạc. Ông sinh ra và lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian. Những buổi chiều chăn trâu, những tiếng sáo diều, tiếng cồng chiêng đã ăn sâu vào tiềm thức và tác động trực tiếp đến thiên hướng sáng tác của ông sau này. 

Mỗi ca khúc của ông mang một vẻ đẹp riêng nhưng bài nào cũng chất chứa tình quê, tình non nước. Bài nào cũng chất chứa ẩn khúc tâm tình và mở ra khát vọng về cái đẹp bình dị, thanh tao.

An Thuyên là nhạc sĩ đầu tiên được phong hàm tướng quân. Ông đang sống những năm tháng tha thiết, mãnh liệt với trái tim căng tràn nhựa sống và một tâm hồn đa cảm chất chứa hồn quê, hồn sông núi. Vậy mà một cơn đau tim đột ngột đã đưa ông về với nguồn cội trong một chiều hè tháng 7/2015.

Cả một đời nặng lòng với quê hương, giờ đây, trái tim người nghệ sĩ đã “neo đậu bến quê” nhà. Ở đâu đó, ta vẫn nghe tiếng ai gọi đò trong đêm thanh vắng vang vọng khắp mặt sông. Con đò như nửa vầng trăng kỳ ảo lặng lẽ ẩn mình trong dưới dòng nước biếc. Dòng sông quê hiền hòa đón tâm hồn tha hương trở về neo đậu.

>> "Hà Nội tình yêu của tôi" - FPT Retail

Nguyễn Ánh 9: Ước mơ được chết trên cây đàn dương cầm

Trưa ngày 14/4/2016, một tiếng dương cầm đã lặng lẽ tắt để lại cho đời những khoảnh khắc thăng hoa, say đắm cõi tình.

Với những người yêu nhạc, cái tên Nguyễn Ánh 9 hiện lên hình ảnh người nhạc sĩ có nụ cười hiền lành, vóc dáng nhỏ bé nghiêng mình bên phím đàn dương cầm. Tiếng đàn và những nhạc phẩm của ông để lại một dấu ấn, một cá tính nghệ sĩ không thể trộn lẫn trong làng âm nhạc Việt Nam.

Nguyễn Ánh 9 bước vào con đường âm nhạc với vai trò là một nghệ sĩ dương cầm. Tiếng đàn của ông đã nâng đỡ giọng hát của nhiều thế hệ ca sĩ như Thái Thanh, Khánh Ly, Ý Lan, Ánh Tuyết, Hồng Hạnh. Khí chất nghệ sĩ của ông hòa quyện trong những ngón đàn cất lên giai điệu vỗ về, mê hoặc, mang đến sự bay bổng với cung bậc cảm xúc đa dạng.

Tuy không xuất thân là một người sáng tác ca khúc nhưng Nguyễn Ánh 9 có nhiều tác phẩm có chỗ đứng vững chắc trong kho tàng âm nhạc Việt Nam và xứng đáng trở thành những tình khúc bất hủ của dòng nhạc trữ tình.

Các nhạc phẩm của Nguyễn Ánh 9 là sự kế thừa tinh hoa của dòng tân nhạc Việt Nam. Các ca khúc của ông ảnh hưởng nét hiện đại, lịch lãm của phương Tây nhưng luôn đậm đà sự trầm mặc phương Đông. Tất cả nét tài tử, hào hoa, thanh lịch, nỗi cô đơn, khắc khoải được ông gửi trọn vào các ca khúc

Nguyễn Ánh 9 đã viết cho đời quá nhiều những bản tình ca đẹp, mãi mãi là những món quà tuyệt diệu dành tặng cho những lứa đôi. Nguyễn Ánh 9 viết nhạc từ trái tim. Khi người nghệ sĩ nói lên những lời từ trái tim, đó là tuyệt tác.

Nguyễn Ánh 9 có một ước mơ kỳ lạ - ước mơ được chết bên cây đàn dương cầm. Người nhạc sĩ tận tụy cả đời bên cây dương cầm, lặng lẽ cống hiến cho đời một thứ âm nhạc sang trọng, đã vừa tấu xong bản nhạc cuộc đời mình, những phím đàn cuối cùng đã thôi khắc khoải. Ông đã theo mây trời rong chơi cùng năm tháng, nhưng ở đâu đó, có lẽ Nguyễn Ánh 9 vẫn đang nghiêng mình bên những phím đàn.

>> "Dư âm tình yêu" - FPT Telecom

Phạm Duy: Người hát rong thế kỷ

Khi nhắc đến những tên tuổi góp phần hình thành nền tân nhạc Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến Phạm Duy, người nhạc sĩ tài hoa với sức sáng tạo bền bỉ, miệt mài và đa dạng.

Sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy bắt đầu với nhạc phẩm “Cô hái mơ”, phổ thơ Nguyễn Bính từ năm 1942. Bước qua những thăng trầm lịch sử, ông đã để lại cho chúng ta hơn 1.000 ca khúc chia làm nhiều thể loại phong phú như tình ca, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tục ca…

Âm nhạc Phạm Duy đến với chúng ta trong không gian của ca dao, tục ngữ, của truyện Kiều, của Cung Oán Ngâm Khúc, của Chinh Phụ Ngâm, của ngôn ngữ, của âm thanh, của cảm xúc tâm hồn Việt. Phạm Duy được coi là cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam bởi âm nhạc của ông luôn bám sâu vào lòng đất mẹ và chưa bao giờ dứt ra khỏi nguồn cội quê hương.

Phạm Duy luôn nhận mình là một người hát rong và sung sướng được làm người hát rong của thế kỷ. Ông đã rẽ qua nhiều khúc quanh lịch sử của dân tộc, từ Bắc, vô Nam và một cuộc đời viễn xứ. Và người hát rong thuở ấy mong muốn trở về như chiếc lá vàng cần rụng về cội. “Về thôi! Làm gì có trăm năm mà đợi. Làm gì có kiếp sau mà chờ” - những câu thơ đã thôi thúc ông trở về quê hương sau 30 năm xa cách. Đất mẹ bao dung giang rộng vòng tay đón người con tài hoa.

Ngày 27/1/2013, Phạm Duy lại một lần nữa rong chơi, nhưng chuyến đi lần này của ông rất xa, thật xa và… mãi mãi. Trái tim ông đã ngừng đập ở tuổi 93, để lại một gia tài đồ sộ cho nền âm nhạc Việt Nam.

Chúng tôi xin mượn lời của một nhà thơ để chấm thêm một nét vẽ trong bức họa âm nhạc hùng vĩ của ông: "Khi người ta cố giữ giọt nước mắt trong lòng hay để nó lăn dài trên má; khi người ta hé nở nụ cười hay cất tiếng hát vang; khi người ta quỵ ngã hay đang dấn bước trên đường; người ta đều có cho mình một câu hát của Phạm Duy". 

>> "Ngày xưa Hoàng Thị" - FPT Trading

Phan Huỳnh Điểu: Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam

Ngày 29/6/2015, “con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, đã vĩnh viễn lìa xa chúng ta, để lại cho đời những bài ca đẹp nhất về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, chiến tranh và sự chờ đợi, thủy chung. 

Phan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc cách mạng Việt Nam. Tuổi 20 của Phan Huỳnh Điểu đến vào đúng mùa Thu cách mạng năm 1945, “mùa thay lá, đơm hoa cho cả một non sông Tổ quốc. Mùa đổi đời cho hàng chục triệu con người”. Nếu không có mùa Thu ấy chắc sẽ không có nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sau này. Vì lẽ đó, Phan Huỳnh Điểu đã trở thành nhạc sĩ sáng tác nhạc hành khúc cách mạng tuyệt vời nhất của âm nhạc Việt Nam. Mỗi bài hát như một sự thôi thúc, sự tiến lên, sự quên mình, như một ngọn lửa được thắp lên. Mỗi hành khúc đều thấm đẫm tinh thần ra đi, xả thân vì nước.

Nếu cách mạng đưa Phan Huỳnh Điểu trở thành nhạc sĩ thì những vần thơ lại giúp âm nhạc của ông bay lên cao. Trong hàng trăm sáng tác của ông, có lẽ thấm vào lòng người sâu đậm và lâu dài nhất vẫn là những ca khúc trữ tình phổ thơ. Những câu thơ được Phan Huỳnh Điểu sử dụng làm ca từ như chiếc chìa khóa mở vào thế giới âm thanh của ông. Trong đó, những thi ảnh được hoán chuyển thành giai điệu, khúc thức, tiết tấu, mang đặc trưng phong cách Phan Huỳnh Điểu. Những câu thơ được thổi hồn đã được tái sinh trong một đời sống khác, một kiếp khác. Mỗi bài thơ phổ nhạc của ông đều là sự cộng hưởng tâm hồn của người nhạc sĩ và thi sĩ

Thế giới của Phan Huỳnh Điểu đầy ắp nhớ thương, mong ngóng, đợi chờ và hy vọng, là niềm hạnh phúc được nhìn thấy cuộc đời vẫn mãi đẹp sao. Nhạc Phan Huỳnh Điểu dịu dàng, sâu lắng, trau chuốt, giàu hình tượng mà rất gần gũi, đi vào lòng người.

Mùa Thu năm 1945, chàng trai Phan Huỳnh Điểu đã cho ra đời bài Đoàn giải phóng quân với hoài ước ghi trọn lời thề với non sông “ra đi theo hồn sông núi”.

Giờ đây núi sông đã ôm ông vào lòng. Chàng giải phóng quân năm nào đã ra đi, chỉ còn âm nhạc và tình yêu mãi mãi ở lại.

>> "Bóng cây Kơ nia" - FPT HO

Xem tiếp

Ý kiến

()