Chúng ta

Sử ký có thực sự là con ngáo ộp?

Thứ hai, 30/7/2018 | 12:00 GMT+7

Hãy coi việc viết Sử ký đơn giản như việc bạn giật một status Facebook để kể một câu chuyện của mình, của đồng nghiệp, của đơn vị…, bạn sẽ thấy con ngáo ộp Sử ký chả đáng sợ tẹo nào.

Sử ký năm nay sau 30 năm bỗng khoác lên mình bộ cánh mới. Trong 30.000 bài viết tham dự, thay vì chỉ chọn những bài hay nhất đưa vào tuyển tập như mọi năm, những bài đạt chất lượng sẽ được post trực tiếp lên website chungta.vn để mọi người cùng đọc. Việc này dường như tháo được rào cản quota, tỷ lệ phân chia chủ đề… vốn là áp lực đè nặng lên Ban biên tập Sử ký. Việc đưa các bài viết lên online cũng bắt kịp xu hướng mạng xã hội đang trở mình mạnh mẽ thời gian này.

Mở rộng đề tài, thể loại, chấp nhận các sáng tác nhạc chế STCo, các bộ ảnh, video clip thể hiện sự cởi mở trong luật chơi, khiến người F phát huy tối đa khả năng sáng tạo của bản thân.

Kẻ biên bài này chỉ có một thắc mắc, tại sao một sân chơi lý thú, với luật chơi cởi mở, phát huy tính sáng tạo tối đa vốn là niềm tự hào của người FPT lại được truyền thông như một con ngáo ộp, một con ma lẵng nhẵng ám ảnh người F. Từ tấm poster đẫm máu, cho tới 3-4 clip rùng rợn máu me, sử ký hiện thân như nỗi ám ảnh truyền kiếp vùi dập mọi mầm hy vọng của nhân dân.

Trong khi bản chất đây lại là một cơ hội cực tốt để người F nhìn lại chặng đường của chính mình khi đồng hành với tổ chức. Cơ hội này không phải ai cũng có. Bạn tôi, người đã nghỉ FPT khi gặp vẫn bùi ngùi tiếc cơ hội được tự tay ghi dấu ấn của mình trên con đường 30 năm qua, con đường mà theo hắn nói liên quan chặt chẽ tới sự phát triển CNTT của quốc gia. Tự hào lắm chứ, hắn lẩm bẩm, mắt hoang hoải nhìn xa xăm.

Có thể những năm trước, khi nghe tới tên Sử ký, ai cũng lo lắng bởi ngay bản thân cái tên nó đã gợi lên sự hàn lâm. Ai cũng nghĩ, cái mình viết ra sẽ phải cao siêu, ngôn từ phải đắt đỏ, chát chúa. Điều này đúng trong quá khứ, nhưng đang dần mất tính chân lý trước sự phát triển vũ bão của làn sóng văn học mạng xã hội. Khi người đọc đã chán ngấy với những tính từ hoa mỹ, ước lệ, những triết lý hào nhoáng, xa vời, người đọc muốn đi sâu vào nội dung thực sự cốt lõi của câu chuyện để cảm nhận nó. Bởi thế, thay vì tìm các từ ngữ thật đắt, người viết trên mạng xã hội thường tìm những câu chuyện thật gần gũi, nhân vật được miêu tả không bằng tính từ, mà bằng các động từ, các câu chuyện giản dị, có độ khả tín cao.

Điều này ngay từ 5 năm trước đã bắt đầu được chứng minh, giở những trang cuối của Sử ký 25 năm trước, tôi đọc được bài thơ của Bá Nguyên (FPT IS), kể về những bài học mà cậu đã học được từ ngôi trường lớn FPT, ngôi trường đã biến cậu từ một anh bảo vệ bình thường trở thành một chuyên gia về điện - điều hòa - cơ sở vật chất không thể thiếu được của tòa nhà FPT IS. Từ một người thường mượn máy tính để chat tới một nhân viên đạt giải vàng iKhiến với những sáng tạo bất ngờ; từ một thanh niên nóng tính, nông nổi trở thành một người đàn ông trưởng thành, cư xử mẫu mực nức tiếng cộng đồng mạng. Câu chuyện đó được kể một cách hồn nhiên giản dị, qua thể loại thơ 5 chữ dễ đọc, dễ nhớ.

Hãy coi việc viết Sử ký đơn giản như việc bạn giật một status facebook để kể một câu chuyện của mình, của đồng nghiệp, của đơn vị… bạn sẽ thấy con ngáo ộp Sử ký chả đáng sợ tẹo nào. Góp mặt trong câu chuyện phát triển 30 năm của một tổ chức công nghệ hàng đầu không phải là một cơ hội dễ dàng có được, đừng phung phí nó chỉ vì muốn đối phó nhằm không bị trừ thưởng. Bởi sẽ có một lúc nào đó, khi nhìn vào gương, bạn sẽ bắt gặp ánh mắt hoang hoải nhìn xa xăm giống như ông bạn tôi này.

Trương Anh Tú

Ý kiến

()