Chúng ta

Để người FPT đẹp hơn trong mắt nhau

Thứ hai, 24/6/2024 | 08:18 GMT+7

Việc sử dụng canteen hay thang máy, thang bộ là những vấn đề thường ngày, nhưng nếu không khéo léo, sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến những đồng nghiệp xung quanh.

Thoáng buồn ở... canteen

Bận xử lý công việc nên 12h30 anh P.V.N (đơn vị Hi FPT, FPT Telecom) mới có thể rời bàn làm việc để đi ăn trưa. Vài bước di chuyển, nam nhân viên Hi FPT có mặt tại sảnh tầng 5, tòa nhà FPT Tân Thuận 2 để mua phiếu ăn giống mọi ngày. Nhưng khi vào khu vực lấy đồ, anh P.V.N chưng hửng khi được nhân viên thông báo phần ăn chỉ còn cơm và món cá rán. Các món trong khẩu phần như rau luộc, canh và trái cây tráng miệng đã hết.

Thoáng chút thất vọng, anh P.V.N đành miễn cưỡng nhận phần ăn thiếu trước hụt sau. “Tôi đói nên cũng ráng ăn cho xong bữa còn tranh thủ nghỉ ngơi trước khi bắt đầu giờ làm việc buổi chiều”, nam nhân viên Hi FPT thở dài.

Anh P.V.N là một trong những người FPT làm việc tại tòa nhà Tân Thuận 2 gặp phải tình trạng này nếu vì lý do nào đó mà đến canteen muộn.

-3115-1718957955.jpg

Một nhân viên FPT với khay đồ ăn tiêu chuẩn, giá 30.000 đồng, gồm: cơm, rau, 2 món ăn, canh và trái cây tráng miệng. Ảnh: Thanh Dung (hình ảnh mang tính chất minh họa)

Để lý giải cho tình trạng này, 11h50 trưa ngày 19/6, phóng viên Chúng ta có mặt tại canteen lớn (Mina) tòa nhà Tân Thuận 2 để trải nghiệm. Ngoài cơm, các món ăn tùy chọn, bữa trưa hôm nay có: rau muống luộc, canh và chuối.

Theo quan sát, phần lớn người FPT lấy phần ăn theo tiêu chuẩn mà canteen công bố mẫu (hình ảnh trực quan ở khu vực mua phiếu), gồm: cơm (tùy thích), một hoặc hai món ăn (tùy loại phiếu 25.000 đồng hay 30.000 đồng), 1 món rau (xào hoặc luộc), 1 bát canh và trái cây tráng miệng. Tuy nhiên, không khó để nhận ra một số đồng nghiệp “tiện tay” lấy nhiều hơn một phần, gồm: rau, canh và trái cây tráng miệng.

“Tôi thấy khay còn nhiều nên lấy 2 phần trái cây, vì cũng có vài bạn không dùng. Đó giờ tôi chưa nhận được góp ý từ nhà ăn, cũng không nghe nhà ăn nói phải lấy đúng 1 phần trái cây”, một nữ đồng nghiệp bê phần ăn với 2 phần trái cây chia sẻ.

Cùng thời điểm, một nam đồng nghiệp cũng phân trần vì không biết lấy hơn 1 phần canh là sai, bởi, “Tôi vẫn thấy nhiều người lấy giống mình. Tôi nghĩ canteen đã chuẩn bị dự phòng”.

-4456-1718957955.jpg

CBNV FPT Software chọn đồ ăn ở canteen F-Town. Ảnh: Minh Đức

Trong khi đó, một đồng nghiệp khác cho rằng, trước đó khi lấy 2 phần rau vẫn xin bếp ăn rồi mới lấy, cô chú trong bếp đều đồng ý. “Những lúc đông người chờ thì tụi mình chủ động lấy, tránh hỏi tới hỏi lui, nhân viên nhà ăn họ đứng đó vẫn thấy nhưng không nói gì thì mình không nghĩ có quy định phần ăn lấy đúng 1 phần rau, vì họ đều phải chuẩn bị dư cả”.

Chia sẻ với Chúng ta, một nhân viên canteen Mina ở FPT Tân Thuận 2 cho rằng nhà ăn luôn chuẩn bị dư phần canh, rau, trái cây theo khẩu phần định sẵn. “Những khi hụt phần canh thì chúng tôi sẽ linh động thêm rau, hoặc thêm đồ ăn. Riêng trái cây tùy hôm hết sớm hay muộn theo chủng loại. Chẳng hạn táo, nhãn hay dư nhưng chuối thường hết sớm hơn”.

Tương tự canteen FPT Tân Thuận 2, các nhà ăn ở F-Town (FPT Software HCM) cũng gặp tình huống nhân viên lấy nhiều hơn định mức khẩu phần. Theo chị Lê Hồng Nga (Trung tâm dịch vụ sẻ chia - SSC), nhận thấy vấn đề trong vận hành canteen, khi trao đổi thỏa thuận, SSC đã làm việc rõ với nhà thầu nên cơ bản các đồng nghiệp ăn trưa muộn không bị thiếu phần. “Bên nhà ăn sẽ tính số lượng rau và trái cây dự phòng cho các bữa ăn. Chẳng hạn hết trái cây họ sẽ thêm bánh”.

'Khéo léo' khi dùng thang máy - thang bộ

Vừa sang văn phòng khách hàng về, anh N.D.P (Viễn thông Quốc tế FPT - FPT Telecom), định bấm nút gọi thang máy. Nhận thấy thang đang ở tầng 5, sợ lâu, anh P. chọn đi thang bộ. Nhưng vừa đi được nửa tầng, anh bị chắn bởi 2 đồng nghiệp đang vừa đi hàng ngang vừa trò chuyện mà không bận tậm nhường đường cho người khác đang vội vã. Cố nhẫn nại đi hết 1 tầng, cuối cùng, P. chọn cách đi xuyên tòa nhà FPT Tân Thuận 2 để lên tầng 4 theo lối thang bộ từ sảnh chính.

-5462-1719191910.jpg

Người FPT Software HCM chờ thang máy trưa 21/6. Ảnh: Quỳnh Mai

“Thường giờ cao điểm, tôi luôn chọn cách chủ động đi vòng qua hướng thang trước, hoặc đi thang bộ phía trước cho rộng rãi, thoải mái. Tòa nhà chỉ có 4 tầng văn phòng với 2 hướng đều có thang bộ, thang máy rất thuận tiện. Vừa vận động cho khỏe, vừa thấy tinh thần phấn chấn chứ không bị ức chế nếu chờ thang máy đông người”, nam nhân viên Viễn thông Quốc tế FPT bày tỏ.

Một nữ nhân viên đơn vị EBS (FPT Software) trải lòng, chị đã gặp cả 2 tình huống là khi đến tầng muốn ra, chị như bị ngợp khi rất nhiều đồng nghiệp đã đứng chắn lối ra ngay cửa thang máy và lần nọ, người bên trong chưa di chuyển ra thì người bên ngoài đã vội phi vào. “Tình huống đầu thì tôi mở lời xin đường. Còn với trường hợp thứ 2, tôi từng bị lỡ tầng mình cần ra”.

Trước đây, khi còn làm việc tại FPT Software ở tòa nhà Duy Tân, anh Nguyễn Khánh Diện cũng thường gặp các tình huống chưa đẹp khi đi thang máy. Từ lúc chuyển sang văn phòng FPT IS ở tòa nhà FPT Tower, đôi lúc anh cũng gặp cảnh đồng nghiệp đứng ngay cửa thang máy hoặc khi đến tầng, bên trong chưa di chuyển ra thì người bên ngoài đã vội phi vào. “Nhưng đúng là từ khi sang FPT Tower, các tình huống như này rất ít, và thường mọi người chờ đồng nghiệp trong thang ra hết mới vào”, anh Diện chia sẻ. “Có thể do hạ tầng ở FPT Tower tốt, đủ thang cho mọi người nên không gây tình trạng quá tải hay phải chen chúc”.

Từng gặp nhiều tình huống chưa đẹp khi di chuyển, anh Hà Thiệu Khang (đơn vị DXG, FPT Software) cảm thấy khó chịu nhưng thường chọn cách im lặng hoặc xin phép đi qua hoặc đi ra ngoài.

Từ trải nghiệm cá nhân, anh Khang cho rằng FPT hay các tòa nhà nên thêm các bảng hướng dẫn đi hàng 1 với thang bộ. Riêng với thang máy, có thể truyền thông qua các video vui nhộn mô phỏng lại tình huống đó. “Đó có thể là meme hoặc video hài để phê phán những tình huống, hành xử chưa đẹp”, anh Khang gợi ý.

FPT liên tục có các khóa học chuyên sâu, nhưng còn thiếu phần văn minh công sở. Hiến kế để đồng nghiệp có thể thay đổi thói quen, nữ nhân viên đơn vị EBS cho rằng công ty nên làm video vui vui về văn hóa thang máy, đăng trên các nền tảng, đặc biệt là thang máy trong các tòa nhà đều có màn hình quảng cáo. Cách làm này sẽ tác động trực tiếp và nhanh nhất đến người dùng.

-4450-1719191911.jpg

Nhiều CBNV nhà Phần mềm làm việc tại F-Town chọn cách đi bộ lên văn phòng hoặc canteen. Ảnh: Quỳnh Mai

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó phòng quản lý cơ sở vật chất FPT Software, đơn vị sẽ lan tỏa nét đẹp công sở bằng truyền thông, hình ảnh. Theo đó, video/hình ảnh vui vẻ, sinh động sẽ được trang bị tại các thang, khi người dùng đứng chờ thang “thẩm thấu” dần. Song song đó, đơn vị sẽ bổ sung phần động viên, khen thưởng (Utop/thẻ thưởng) cho những hành động đẹp và nhắc nhở nhẹ nhàng với tình huống chưa văn minh.

Chị Hà cho hay, những quy tắc văn minh công cộng dùng để ứng xử với nhau và chỉ cần khác đi, đồng nghiệp có thể sẽ đánh giá bạn. Riêng đi thang máy đã có một chuỗi quy tắc: đứng đợi, vào trước - sau, giữ yên lặng, di chuyển khi có người bên trong đi ra… Chỉ một chút ý thức sẽ khiến mọi việc trở nên nhẹ nhàng, văn minh hơn. “Tất nhiên trong một đơn vị đông CBNV, ắt hẳn sẽ có người này người kia, giống như học sinh cá biệt ở đâu cũng có. Phương châm của FPT Software là cùng nhau xây dựng hình ảnh đẹp chung. Làm cho văn phòng đẹp lung linh lên, người có hành xử chưa đẹp cũng sẽ tự đẹp dần lên”.

iNghe - kênh ghi nhận ý kiến, cho phép người FPT có thể thoải mái chia sẻ quan điểm cá nhân, góp ý hoặc phản ánh khi phát hiện những vấn đề tiêu cực. Đồng thời có thể đưa ra những đề xuất, cải tiến để cùng chung tay xây dựng một FPT tốt đẹp hơn, kiến tạo môi trường làm việc hạnh phúc, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững. 

Để sử dụng kênh iNghe, FPTer chỉ cần truy cập vào https://inghe.fpt.com/ (hoặc chuyên mục iNghe trên chungta.vn), chọn đơn vị nơi ý kiến có liên quan, nêu ý kiến kèm file đính kèm (nếu có), điền thông tin cá nhân (hoặc bỏ qua nếu muốn góp ý ẩn danh) và nhấn gửi.

N.D

Ý kiến

()