Chúng ta

Thứ trưởng Bộ TT&TT: 'Sẽ điều chỉnh phí viễn thông công ích xuống 0,7%'

Thứ hai, 31/7/2017 | 16:29 GMT+7

"Bộ TT&TT đang báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh phí viễn thông công ích từ 1,5% xuống 0,7% doanh thu để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), diễn ra sáng nay (31/7), tại Hà Nội.

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 với chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5”. Ông Bùi Văn Quân - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và anh Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, giữ vai trò điều phối nội dung các cuộc đối thoại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2.

Ngoài chuyên đề chung “Hành động của khu vực tư nhân từ nghị quyết trung ương 5”, Chính phủ và khu vực tư nhân cũng đã tập trung bàn thảo về ba ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 gồm: Kinh tế số, nông nghiệp và du lịch. Trong đó, lĩnh vực kinh tế số được đông đảo doanh nghiệp quan tâm vì đang là xu hướng nổi trội hiện nay. 

“Các doanh nghiệp tư nhân đều phấn khởi bởi họ thấy Đảng đã có một Nghị quyết dành riêng, tập trung chính về họ. Đây là sự động viên, cổ vũ rất lớn”, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, chia sẻ khi giữ vai trò điều phối chương trình.

Chia sẻ về chuyên đề 2 "Kinh tế số - Thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0", anh Bùi Quang Ngọc, TGĐ FPT, kiến nghị 3 vấn đề đang gây cản trở cho các doanh nghiệp CNTT và Viễn thông tư nhân. Theo đó, anh nhấn mạnh việc cần phải bình đẳng trong việc tiếp cận các dự án CNTT và Viễn thông cho doanh nghiệp tư nhân, không phân biệt với các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Hiện nay, có một số dự án hạn chế sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân hoặc nhiều doanh nghiệp nhà nước được trợ giá, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. 

CEO FPT cũng đề xuất bỏ phí viễn thông công ích cho các doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng hiện phải nộp 1,5% doanh thu cho quỹ dịch vụ viễn thông công ích và 0,5% doanh thu phí thương quyên.

Theo anh, cùng một lúc nộp hai loại phí là quá sức nộp nghĩa vụ của doanh nghiệp bởi việc kinh doanh hạ tầng internet đang rất khó khăn. Thời gian qua, hạ tầng băng rộng viễn thông thay đổi sang cáp quang, hạ tầng không dây chuyển sang 4G. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư một số tiền rất lớn và khấu hao trong nhiều năm, thậm chí phải đi vay ngân hàng để có đủ vốn đầu tư. Đơn cử như FPT Telecom, mảng kinh doanh hạ tầng internet trong hai năm gần đây đã không còn tăng trưởng do phải đầu tư mạnh vào hạ tầng cáp quang.

Góp ý về đầu tư ứng dụng CNTT, theo TGĐ FPT, việc triển khai Nghị định 102 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách Nhà nước đến nay đã gặp nhiều bất cập, và hệ quả là khiến các chủ đầu tư buộc phải lách các quy định, hoặc xé nhỏ dự án ra để lách.

Góp ý về đầu tư ứng dụng CNTT, theo TGĐ FPT, việc triển khai Nghị định 102 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách Nhà nước đến nay đã gặp nhiều bất cập, và hệ quả là khiến các chủ đầu tư buộc phải lách các quy định, hoặc xé nhỏ dự án ra để lách.

“Con số 1,5% doanh thu mà doanh nghiệp viễn thông phải nộp cho quỹ dịch vụ viễn thông công ích có thể tương đương một phần ba hoặc một nửa lợi nhuận, thậm chí khiến doanh nghiệp không còn lãi. Do đó, doanh nghiệp không có tiền để nộp, hoặc nếu có nộp thì lại phải lấy tiền từ chủ sở hữu. Điều này đi ngược lại với tinh thần của Luật doanh nghiệp là vốn chủ sở hữu không thể nộp vào bất cứ quỹ nào, kể cả thuế do nhà nước quản lý”, anh Ngọc nhấn mạnh.

Từ đó, TGĐ FPT đề xuất, nên bỏ phí viễn thông công ích, vì công ích nhà nước nên làm từ Ngân sách Nhà nước hoặc các quỹ từ thiện xã hội, không nên bắt các doanh nghiệp tham gia. Và internet là hạ tầng kết nối của nền kinh tế số, là cuộc sống kinh tế - xã hội... nên cần phải được hỗ trợ, được khuyến khích thay vì nộp phí.

Vấn đề này cũng được ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch CMC đồng tình khi cho rằng, việc phải đóng phí 2% trên tổng doanh thu vào quỹ do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý là vấn đề rất lớn đối với doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập. “Một doanh nghiệp chưa có lãi đã phải nộp khoản phí này sẽ dẫn đến triệt tiêu năng lực cạnh tranh, thậm chí 'giết chết' họ, ông Chính nhấn mạnh. 

Trả lời những thắc mắc này của các doanh nghiệp CNTT và Viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, cho hay, bộ sẵn sàng ngồi cùng các doanh nghiệp để bàn bạc và trao đổi cụ thể hơn các nội dung tổn tại. "Như Thủ tướng Chính phủ vừa mới đưa ra thông điệp các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể tham gia tất cả các lĩnh vực và tôi khẳng định tinh thần này sẽ được áp dụng trong việc thực hiện nghị quyết 36a. Còn cụ thể vướng mắc ở đâu, chúng tôi sẽ ngồi lại thảo luận chi tiết với doanh nghiệp để cùng sửa đổi", ông cho hay.

Về phí viễn thông công ích, Thứ trưởng cũng khẳng định, ngành CNTT và Viễn thông thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận CNTT và một trong những chính sách quan trọng góp phần cho kết quả này là việc thu phí viễn thông công ích. Việc đóng góp phí của các doanh nghiệp để Nhà nước xây dựng, cung cấp hạ tầng CNTT cho vùng sâu vùng xa, để tạo sự hài hòa, cân bằng giữa nông thôn và đô thị.

"Không có quy định nào tồn tại mãi, chúng tôi cũng đã nhiều lần điều chỉnh các mức phí này, từ 3% xuống còn 1,5%. Trên cơ sở thực tiễn hiện nay, Bộ TT&TT đang báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm phí viễn thông công ích từ 1,5% xuống 0,7% để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định phí này không thể bỏ bởi vẫn cần có quỹ để giảm khoảng cách về CNTT giữa thành thị và nông thôn", ông Hưng nhấn mạnh. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp chưa đóng phí cần tuân thủ nghiêm túc quy định của nhà nước về vấn đề này. 

Video chia sẻ của CEO FPT và giải đáp của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng:

Trong diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nền kinh tế tư nhân và kỳ vọng khối này sẽ góp 60% vào GDP đất nước. Dẫn lại lời của đại văn hào Mark Twain, Thủ tướng nhấn mạnh: “20 năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồn của bạn đón trọn lấy gió” để khơi gợi tinh thần của các doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân và hầu như ngày nào Thủ tướng cùng Chính phủ cũng tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp. 

"Khu vực tư nhân phải là đầu kéo quan trọng, là chìa khóa tăng trưởng để phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho tư nhân tham gia. Đây là con đường đúng đắn trong công cuộc tái cơ cấu kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Với sự ủng hộ mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ, đại diện khối doanh nghiệp tư nhân, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, nhắc lại các cam kết đã được chia sẻ như: "Cả đời khởi nghiệp, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân sẽ tăng trưởng 15-50%/năm". 

"Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. Doanh nghiệp tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế tư nhân lên từ 50 - 60% GDP”, Thủ tướng nhấn mạnh khi phát biểu bế mạc diễn đàn.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ hai với chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5” do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI tổ chức, FPT là một trong những nhà tài trợ vàng của chương trình. 

VPSF là diễn đàn được hình thành năm 2016 với 10 nhóm công tác, bao quát đủ các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Diễn đàn là sáng kiến của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI (do Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB và Chính phủ Australia thiết lập). Đây cũng là cầu nối giữa Chính phủ và các cơ quan công quyền với khu vực tư nhân nhằm phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước. 

Tử Quyên - Thanh Tùng

Ý kiến

()