Theo số liệu của Bộ Công thương Nhật Bản, dự kiến từ nay đến năm 2020, đất nước này sẽ cần khoảng 50.000 nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT). Lý giải việc tập trung tuyển dụng, ông Yohei Shibasaki, CEO tập đoàn nhân sự quốc tế Forth Valley Concierge, là vì lĩnh vực CNTT ở Nhật Bản đang phát triển mạnh, đặc biệt đối với các dịch vụ giải trí như trò chơi điện tử, trang thông tin điện tử, dịch vụ công giáo dục, y tế, thuế. Nhưng dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đang giảm mạnh. Trong vòng hơn 20 năm, từ 1992 đến 2014, thanh niên độ tuổi 18 ở Nhật Bản đã giảm từ 2,05 triệu còn 1,2 triệu, tương đương hơn 40%.
Nhìn nhận vấn đề Nhật Bản "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao, TS Nguyễn Hữu Hưng, Phó khoa CNTT, trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), cho biết, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước và Nhật Bản đến làm việc với trường về nhu cầu tuyển dụng kỹ sư CNTT. Trong chương trình Vietnam IT Day 2016 với chủ đề “Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản hướng tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” được tổ chức tại Nhật Bản đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp Nhật Bản và 16 doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Theo đó, trong vòng 4 năm tới, Nhật Bản sẽ tuyển dụng 30.000 kỹ sư CNTT, chủ yếu từ Việt Nam và Ấn Độ.
Trong chiến lược phát triển của FPT Software, Nhật Bản luôn được xem là thị trường quan trọng số 1, mang lại sự tăng trưởng ổn định và bền vững. Hiện FPT Japan có 3 văn phòng tại những thành phố lớn của Nhật gồm Tokyo, Osaka, Nagoya và 2 khu ký túc xá cho CBNV với gần 200 phòng. Năm 2015, doanh thu từ thị trường Nhật Bản chiếm hơn 50% trong tổng doanh thu của FPT Software, tương đương gần 90 triệu USD. Năm 2016, FPT Software cần tuyển khoảng 4.500 CBNV, trong đó gần 50% là cho các dự án với khách hàng Nhật Bản. |
Để đáp ứng nhu cầu, nhà trường tổ chức chương trình tiên tiến bậc cử nhân ngành CNTT theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Theo đó, nhà trường phối hợp với Công ty Framgia (Nhật Bản) để dạy tiếng Nhật cho sinh viên. Bắt đầu từ năm 2015, mỗi năm chương trình này tuyển 40 sinh viên, đào tạo theo tiêu chuẩn FE (chuẩn Kỹ năng kỹ sư CNTT cơ bản) của Nhật Bản.
Trong buổi làm việc giữa UBND thành phố và JNC mới đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá kỹ sư CNTT Việt Nam có những phẩm chất tương đồng với yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là tính kỷ luật và tinh thần làm việc nhóm. Việc Chính phủ Việt Nam xem Nhật Bản là một đối tác quan trọng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Minh chứng cho sự thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật là FPT Software Đà Nẵng với khoảng 3.000 nhân viên nhưng chủ yếu tuyển từ các trường Đại học Bách khoa, Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) và Đại học Duy Tân. Để giải quyết, trong giai đoạn 2015-2020, FPT Software triển khai chương trình chiến lược đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối cho thị trường Nhật Bản. Các ứng viên là những cử nhân CNTT tham gia chương trình sẽ được đào tạo tiếng Nhật đến trình độ N5/N4 tại Việt Nam, sau đó sang Nhật Bản để tiếp tục học đến trình độ N2 và làm việc tại FPT Software hoặc các đối tác của công ty này tại Nhật Bản và Việt Nam.
FPT Software Đà Nẵng cũng được nhắc đến như một trong những doanh nghiệp đi đầu về lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ở khu vực miền Trung. Cụ thể, từ năm 2015 đến 2020, FPT Software Đà Nẵng cần tuyển trung bình từ 800 đến 2.000 người mỗi năm nhằm đáp ứng mục tiêu 10.000 người và 300 triệu USD doanh thu vào năm 2020. Cuối tháng 4 vừa qua, đơn vị đã khánh thành công trình FPT Complex, tọa lạc ở quận Ngũ Hành Sơn, dự án giai đoạn một đáp ứng nơi làm việc cho 3.200 người và hoàn thiện vào năm 2020 với sức chứa 10.000 người. Thành công của FPT góp phần đưa Đà Nẵng đạt tổng doanh thu toàn ngành CNTT năm 2015 tăng 15,9% so với năm 2014; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt gần 49,3 triệu USD, tăng trưởng gần 50% so với năm 2014.
Hướng đi của Đà Nẵng là thành lập Trung tâm Nhật Bản (Japan Center) thuộc Tập đoàn Forth Valley Concierce vào tháng 8 tới. Sau khi thành lập, Trung tâm này sẽ đào tạo tiếng Nhật cho các kỹ sư CNTT tại Đà Nẵng, đồng thời phối hợp với Đại học Đà Nẵng mở các khóa học kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho sinh viên đang theo học tại các trường trực thuộc. Đây cũng là cơ sở đầu tiên để mở rộng cơ hội việc cho cử nhân CNTT tại Đà Nẵng.
Theo báo cáo tổng kết, năm 2015, doanh thu lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của Đà Nẵng đạt 49,3 triệu USD, tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ, nhân lực làm việc trong lĩnh vực này tăng lên nhanh chóng, đạt con số trên dưới 10.000 người. Kết quả trên là sự đóng góp tích cực của khoảng 200 doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm tại Đà Nẵng. Điều này giúp thành phố tiếp tục dẫn đầu về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (ICT Index), đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp dẫn đầu về chỉ số này trong khối 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
>> Khách hàng Nhật quan tâm tới nguồn lực của FPT
Việt Nguyễn tổng hợp
Ý kiến
()