Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đang dự thảo Đề án “Chuyển đổi số quốc gia”, nhằm thực hiện những chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số - Digital Vietnam. Mục đích là tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế xã hội, xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường. Dự thảo hiện vẫn trong giai đoạn tiếp nhận các ý kiến đóng góp, tư vấn, phản biện để hoàn thiện hơn.
Theo Dự thảo 1.05 của Đề án, lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2020 - 2022) là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm. Giai đoạn 2 (2023 - 2025) sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Và giai đoạn 3 (2026 - 2030) là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.
Liên minh Chuyển đổi số sẽ tập hợp các doanh nghiệp ICT lớn, các chuyên gia đầu ngành, các viện nghiên cứu… với mục tiêu cùng liên kết, hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. |
Dự thảo Đề án cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể, như đến năm 2025, Việt Nam thuộc Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia; Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam nằm trong Top 40 thế giới, Top 4 ASEAN. Chỉ tiêu về chuyển đổi số nền kinh tế, theo Dự thảo, là phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành một trong các nhà sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, xuất khẩu phần mềm lớn trên thế giới và đưa công nghệ 4.0 phổ cập ở Việt Nam.
Cùng với đó, chỉ tiêu đặt ra cho chuyển đổi số doanh nghiệp đến năm 2025 là kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 25% GDP; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển dịch lên nền tảng số; phát triển 5 doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu thế giới về chuyển đổi số. Đồng thời, với chuyển đổi số Chính phủ, mục tiêu đặt ra là đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc; 30% thủ tục hành chính được cắt giảm nhờ dữ liệu; 20% dịch vụ mới được phát triển dựa trên dữ liệu (data driven).
Nhận định nhân lực, an ninh mạng, đổi mới sáng tạo và môi trường pháp lý cũng là những yếu tố nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia, tại Dự thảo, cơ quan xây dựng Đề án đã đề xuất nhiều mục tiêu tham vọng khác như: Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến về môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng 3 thung lũng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam; dẫn đầu khu vực ASEAN là nơi thử nghiệm công nghệ mới; bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chuyển đổi số, Việt Nam trở thành trung tâm chia sẻ và phân tích an toàn, an ninh mạng trong khu vực ASEAN; 30% lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số; đào tạo được 30.000 kỹ sư AI; đào tạo thêm 1 triệu nhân lực trình độ cử nhân, kỹ sư về ICT, ưu tiên các công nghệ mới như AI, Big Data, Cloud, IoT, CyberSecurity…
Cuộc họp của Ban tổ chức Vietnam ICT Summit 2019 với đại diện các doanh nghiệp ICT lớn để bàn về việc thành lập Liên minh Chuyển đổi số được tổ chức ngày 11/7/2019. Anh Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh (nguyên Giám đốc Công nghệ) FPT IS, anh Phạm Minh Tuấn - PGĐ khối giải pháp chính phủ điện tử và anh Nguyễn Văn Giáp (FPT IS GMC) đại diện FPT tham gia cuộc họp. |
Theo các nhà quản lý và chuyên gia trong ngành, để có được một Chiến lược số Quốc gia bài bản cũng như những mục tiêu đặt ra kể trên, rất cần sự đồng thuận, nỗ lực chung tay của tất cả bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp và toàn xã hội. Mà trong đó, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp công nghệ lớn, những người gánh sứ mệnh lớn lao để tiên phong chuyển đổi cũng như chia sẻ, nhân rộng những mô hình ưu việt đến các doanh nghiệp khác.
Đó cũng chính là lý do thành lập Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam. Liên minh sẽ tập hợp các doanh nghiệp ICT lớn, các chuyên gia đầu ngành, các viện nghiên cứu… với mục tiêu cùng liên kết, hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Hiện tại, FPT cùng một doanh nghiệp lớn như tập đoàn Viettel, VNPT, CMC, VNG, Hài Hoà, MobiFone, VSII, Viện Khoa học công nghệ VINASA, Viện CNTT và Truyền thông - Đại học Bách Khoa Hà Nội xác nhận tham gia Liên minh. Lễ ra mắt Liên minh Chuyển đổi số sẽ diễn ra trong chương trình Vietnam ICT Summit 2019, diễn ra vào ngày 8/8 tới tại Hà Nội.
Chuyển đổi số là định hướng của FPT trong những năm gần đây. Với tiềm lực và kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu thế giới là anh Phương Trầm - người đã thực hiện chuyển đổi số thành công cho DuPont, FPT đặt mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ trở thành một trong số ít các tổ chức chuyển đổi số thành công.
Hồi đầu năm, tập đoàn đã thành lập Ban Chuyển đổi số FPT (FPT Digital) do anh Trần Huy Bảo Giang - nguyên Giám đốc Công nghệ FPT Software đảm nhận vị trí Giám đốc Chuyển đổi số (CDTO) kiêm Trưởng ban Chuyển đổi số và Cố vấn cấp cao Học viện số. Cùng thời điểm, Học viện số FPT (FPT Digital Academy) cũng được thành lập với mục tiêu kết nối và phát triển tri thức Việt toàn cầu trong công cuộc đưa Việt Nam lên danh sách những nước đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Anh Lê Hùng Cường, nguyên Phó Giám đốc Công nghệ FPT Software, đảm nhận vị trí Giám đốc Học viện.
>> Hành trình chinh phục 'ông lớn' ngành hàng không của FPT
Thủy Minh
Ý kiến
()