Chúng ta

FPT nương theo con sóng công nghệ

Thứ hai, 21/3/2016 | 09:59 GMT+7

Các mô hình kinh doanh mới của FPT đều được khởi phát từ những cuộc cách mạng công nghệ trên thế giới. Và những làn sóng ấy đã đẩy tập đoàn mỗi lúc một tiến nhanh trên hành trình tăng trưởng.

Thập niên 90 của thế kỷ 20, 13 nhà khoa học trẻ - với trái tim khát khao đầy lãng mạn và háo hức làm giàu mong có thể đổi đời mình và góp phần nào đó cho sự hưng thịnh của quốc gia - đang loay hoay tìm hướng đi. Hồi ấy, người FPT đi lập dây chuyền sấy thuốc lá ở Thanh Hóa, sản xuất sữa bột dinh dưỡng HV, buôn xe tải bãi rác ở Liên Xô, xuất khẩu máy tính sang Liên Xô khi Mỹ còn cấm vận…

Khi FPT làm đủ nghề để sống và tồn tại thì ở bên ngoài, cuộc cách mạng PC đang tưng bừng diễn ra. Kỷ nguyên của tin học đã bắt đầu, cùng với hàng loạt công ty công nghệ lớn như IBM, Dell, Apple… ra đời.

Vào thời điểm đó, các lãnh đạo FPT nhận ra rằng tin học mới là con đường để phát triển. Xác định hướng đi chủ đạo là CNTT, tập đoàn ráo riết tham chiến trên mặt trận này và ý tưởng cải tổ trong công ty về kinh doanh tin học bắt đầu nhen nhóm. Năm 1994, FPT thành lập 6 trung tâm kinh doanh gồm: Trung tâm Hệ thống Thông tin (sau này là FPT IS), Xí nghiệp Giải pháp phần mềm ABC, Trung tâm Phân phối thiết bị tin học (sau này là FPT Distribution), Trung tâm máy tính và thiết bị văn phòng, Trung tâm Bảo hành và Trung tâm đào tạo tin học.

Đến năm 1996-1997, hai trung tâm Tích hợp hệ thống và Trung tâm Dịch vụ trực tuyến (tiền thân của FPT Telecom) được thành lập. Các trung tâm này về sau đều trở thành công ty lớn và là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn.

FSO-6743-1458526881.jpg

Làn sóng công nghệ đã giúp FPT mở ra hướng đi xuất khẩu phần mềm. 

FPT tập trung vào việc xây dựng các phần mềm, giải pháp quản trị doanh nghiệp trong nước. Các chuyên gia công nghệ họ F đã xây dựng thành công phần mềm core banking, chính quyền điện tử, quản lý bệnh viện, quản lý thuế, tính cước viễn thông… áp dụng trong hầu hết lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam.

Cuộc cách mạng công nghệ này không chỉ giúp FPT chiếm lĩnh thị trường tin học Việt Nam mà còn mở ra hướng đi mới xuất khẩu phần mềm. “Một đêm tháng 11/1998, tôi với anh Bình ngồi ăn mỳ tại sân bay Bangkok, chờ máy bay về Việt Nam. Cả hai im lặng tha thẩn nhai. Chúng tôi đều đang ở trong trạng thái shock sau tất cả những gì được chứng kiến ở Bangalore, Ấn Độ, một đất nước đang còn rất nghèo nhưng đã hiện nguyên hình là một cường quốc CNTT trong thế kỷ 21. Hồi lâu, anh Bình nói: 'Em lấy một đội và thử đi'”, Phó Chủ tịch ĐH FPT Nguyễn Thành Nam kể về sự ra đời của Công ty Phần mềm FPT.

Ngày 25/3, hội thảo Digital Innovation for Growth 2016 sẽ được tổ chức tại ĐH FPT, cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội. Mục tiêu của sự kiện này là tìm hiểu các mô hình kinh doanh mới được phát kiến do tác động của quá trình Digital Transformation; vạch ra chiến lược chuyển đổi, áp dụng các mô hình kinh doanh mới sau khi xác định rõ cơ hội, thách thức và cách triển khai.

Từ những bước chập chững ban đầu, đến nay, lĩnh vực công nghệ đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của FPT. Năm 2015, mảng công nghệ chiếm 21% tổng doanh thu và 32% lợi nhuận của toàn tập đoàn. Các giải pháp, phần mềm của FPT triển khai thành công ở Việt Nam đang được đẩy mạnh ra thị trường toàn cầu.

Trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm cũng tăng trưởng ấn tượng - trên 30% mỗi năm, với 300 khách hàng là những doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Tiếp theo cuộc cách mạng về PC, thế giới đã có thay đổi kỳ diệu trong việc kết nối, bằng việc ra đời của Internet. Làn sóng ấy đã cuốn FPT vào một sân chơi mới, khi ra đời Trung tâm Dịch vụ trực tuyến FPT vào năm 1997. Tầm nhìn chiến lược và những kế hoạch táo bạo của anh Trương Đình Anh (cựu CEO FPT) đã khiến FPT dù ra đời sau nhưng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Internet.

Sau 20 năm liên tục đưa ra các dịch vụ mới và mở rộng vùng phủ, FPT hiện là một trong ba nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Việt Nam, hiện diện tại 59 tỉnh thành. Viễn thông cũng là lĩnh vực nhiều năm liền đóng góp lợi nhuận nhiều nhất cho tập đoàn.

VNEok-8965-1458526882.jpg

Ý tưởng được coi là không thực tế của anh Trương Đình Anh và Thang Đức Thắng sau 15 năm đã trở thành xu hướng chung của không chỉ báo chí Việt Nam. VnExpress ra đời khi thế giới bước vào cuộc cách mạng về kết nối.

Khi mạng Internet mới manh nha, anh Đình Anh và Chủ tịch FPT Online Thang Đức Thắng đã nhìn thấy tương lai của báo điện tử. “Từ khi làm quen với Internet (năm 1998), tôi nhận ra rằng đây sẽ là mảnh đất chưa khai phá cho báo chí. Mình có thể là người đầu tiên làm điều đó? Nhưng tôi hoàn toàn đơn độc. Những người nghe nói về ý định của tôi đều cười, cho rằng, qua rất nhiều năm nữa người Việt Nam vẫn thích mua một tờ báo in giá 1-2 nghìn đồng đọc “vừa tiện vừa rẻ”, hơn là nhìn vào màn hình tù mù, chạy ậm ạch, phải trả vừa cước điện thoại, vừa cước Internet”, anh Thắng chia sẻ.

Tại thời điểm này, tầm nhìn của hai anh đã trở thành xu thế chung của không chỉ báo chí Việt Nam mà còn trên thế giới. Theo Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế, tính đến hết tháng 6/2015, Việt Nam có 45,5 triệu người dùng Internet. Trong khi đó, tổng lượng truy cập của VnExpress năm 2015 là 13,5 tỷ lượt. Vùng phủ độc giả của báo đã tăng lên 83 quốc gia, là tờ báo tiếng Việt được người Việt ở nước ngoài tìm đọc nhiều nhất.

Trong suốt một thập niên của kỷ nguyên Internet, FPT đã vặn mình thay đổi, xây dựng và nâng cấp các giải pháp, phần mềm gắn với chiến lược "Vì công dân tiện tử". Thời điểm đó, tập đoàn đã đưa ra các dịch vụ xã hội mới như Vitalk, Vihuni, Xóm chat, Banbe.net... được coi là manh nha của mạng xã hội sau này.

FPT đã đi trước. Tuy nhiên, theo Giám đốc Công nghệ (CTO) FPT Lê Hồng Việt, tập đoàn "không chọn đúng điểm rơi". Việc lỡ nhịp con sóng lớn đã khiến tập đoàn đứng ngoài cuộc chơi khi mạng xã hội bung nở vài năm sau đó.

Năm 2012, khi thế giới chuyển dịch theo công nghệ SMAC (Security, Mobile, Analytics, Cloud) thì ở Việt Nam, FPT cũng lấy công nghệ với những mái chèo chính là Mobile, Analytics và Cloud làm động lực tăng trưởng.

Tại thời điểm đó, nguyên CTO FPT Nguyễn Lâm Phương nhìn nhận: “Mobile sẽ là một cơn sóng thần. FPT sớm muộn cũng phải tham gia vào”. Ngoài Mobile, các đơn vị thành viên như FPT Software, FPT IS, FPT Telecom cũng đẩy mạnh việc "lên mây". Kết thúc năm 2015, lợi nhuận từ SMAC đạt mức tăng 74% so với cùng kỳ. 

Internet-of-thingok-4613-1458526882.jpg

Cuộc cách mạng SMAC và IoT sẽ biến đổi thế giới. FPT sẽ làm gì để nương theo con sóng công nghệ này?

Hiện tại, loài người tiếp tục với cuộc cách mạng công nghệ mới SMAC và IoT (Internet of Things). Chủ tịch Trương Gia Bình nhìn nhận rằng, cuộc cách mạng này sẽ biến thành "một thế giới mới". Có thể nói 20 năm trước, thế giới hoàn toàn khác so với thời điểm hiện tại. Suốt hai thập kỷ qua, con người đã chứng kiến những thay đổi căn bản về công nghệ như video trực tuyến, điện thoại cầm tay, Internet. Tuy nhiên, đây chỉ là nền tảng cho những thay đổi vượt bậc dựa trên công nghệ sau đó.

Trong 10 năm tới, các rào cản sẽ bị phá bỏ - một ngành công nghiệp mới hoàn toàn sẽ hình thành và của cải theo đó sẽ được tạo ra. Những cải tiến về công nghệ sẽ mang lại thay đổi cơ bản cho cuộc sống, thậm chí làm lu mờ tất cả tiến bộ mà con người từng chứng kiến kể từ cuộc cách mạng công nghệ tuyệt vời nhất xuất hiện từ cuối những năm 1990. 

"1.000 tỷ thiết bị sẽ kết nối vào năm 2025. 10% sẽ mặc quần áo có gắn chip. Quần áo các bạn sẽ liên lạc với Internet; ô tô của các bạn sẽ được kết nối với ô tô bên cạnh...", anh Bình cho hay.

Thế giới đang đứng trên đỉnh cao trào của một cuộc cách mạng mới. Và những người thức thời, biết nắm bắt lấy cơ hội sẽ sớm thu về được khối tài sản khổng lồ do những thay đổi kể trên mang lại.

Vài thập kỷ qua, phải mất trung bình 20 năm để các công ty điển hình trong danh sách Fortune 500 đạt được vốn hóa thị trường 1 tỷ USD. Tuy nhiên, khoảng thời gian này đang được rút ngắn với tốc độ nhanh chưa từng có.

Cụ thể, vào năm 1998, Google đạt vốn hóa 1 tỷ USD sau 8 năm - và được xem là mức nhanh nhất trong lịch sử tính tới thời điểm đó. Đến năm 2004, Facebook đã đạt được thành tựu này chỉ trong vòng 5 năm.

Tiếp theo năm 2009, Uber làm được trong vòng 3 năm. Và năm 2012, công ty quỹ Oculus Rift thậm chỉ chỉ cần một năm. Mới nhất là năm 2014, một công ty tại Mỹ có tên Slack thậm chí đã đạt được mục tiêu này chỉ sau 8 tháng.

Giấc mơ tỷ đô và mong muốn lọt vào Top 500 Forbes của FPT muốn sớm thành công thì không có cách nào là phải nương theo con sóng công nghệ đang ồ ạt ngoài đại dương.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()