Nhóm cổ phiếu nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC đã có sự bứt phá khá mạnh về giá trong thời gian qua. Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), nhận định, các mã FPT, SGC, BMP, NTP, BMI... hầu hết đều tăng giá trên 50% trong thời gian ngắn.
Tháng 10/2015, Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chọn thời điểm thích hợp để báo cáo Thủ tướng, quyết định việc thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn. Trong 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FPT (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMC)... |
Nếu xét theo tiêu chí cơ bản về khả năng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc dùng phương pháp so sánh, giá không ít cổ phiếu đã bằng hoặc vượt giá trị thật. “Riêng cổ phiếu FPT mới chỉ tăng giá khoảng 10 - 12%, nên vẫn khá hấp dẫn và thu hút được dòng tiền, kỳ vọng giá sẽ tăng thêm 15% hoặc hơn”, ông Bình nhận định.
Trong khi đó, diễn biến tích cực của các cổ phiếu trong danh sách thoái vốn của SCIC trong các phiên giao dịch gần đây được VCBS lý giải, phần lớn là do tác động tâm lý, kỳ vọng của các nhà đầu tư ở mức cao, nhưng sẽ “mờ nhạt” rất nhanh sau đó.
Chuyên gia VCBS dự báo, SCIC sẽ không vội vàng thoái vốn ồ ạt mà tiến hành từng bước tại từng doanh nghiệp. Theo đó, VCBS nhìn nhận những ảnh hưởng tích cực từ đề án thoái vốn nhà nước tại SCIC mang yếu tố dài hạn và sẽ đi vào từng trường hợp cá biệt.
Từ đầu tuần đến nay, mã FPT có 2 phiên giảm, một phiên đứng giá và một phiên tăng. Giá mở cửa thứ Hai (ngày 5/9) là 44.500 đồng. Phiên ngày thứ Năm (8/9), cổ phiếu FPT tăng mạnh, với 1.500 đồng, tương đương 3,4%. Hiện cổ phiếu FPT giao dịch ở giá 46.000 đồng.
Trong phiên ngày 6/9, mã FPT ghi nhận giao dịch thỏa thuận hơn 9,65 triệu cổ phiếu ở mức giá trần (47.600 đồng/cổ phiếu), tương ứng giá trị giao dịch đạt 459,67 tỷ đồng. Đây là giao dịch nội khối của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngày 7/9, FPT đã hoàn tất chi trả tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. FPT chi khoảng 460 tỷ đồng tạm ứng cổ tức lần này.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 20.931 tỷ đồng và 1.421 tỷ đồng, đạt tương ứng 93% và 100% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.207 tỷ đồng, tương đương 101% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 906 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.976 đồng sau 7 tháng.
>> Chủ tịch kiêm CEO Airbus: 'FPT mạnh trong lĩnh vực công nghệ'
Nguyên Văn
Ý kiến
()