Chúng ta

Ấn Độ triệt đường Amazon, Walmart

Chủ nhật, 30/12/2018 | 14:46 GMT+7

Thị trường đông dân thứ 2 thế giới áp quy định mới gây xáo trộn lớn cho chiến lược bán hàng của các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài hàng đầu, gồm Amazon và Flipkart của Waltmart.

Động thái gây bất ngờ được Cục Xúc tiến và chính sách công nghiệp Ấn Độ (DIPP) thuộc Bộ Công thương đưa ra ngày 26/12, theo Reuters.

Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/2/2019, các nền tảng thương mại điện tử thuộc sở hữu nước ngoài (chẳng hạn như Amazon hay Flipkart.com) tại Ấn Độ sẽ bị cấm bán các nhãn hàng riêng, các sản phẩm thông qua các công ty liên kết hoặc độc quyền bán hàng của bất cứ công ty nào. Ngoài ra, các nền tảng này còn bị cấm tung ra các chương trình giảm giá đặc biệt hoặc dành ưu đãi cho bất kỳ nhà cung cấp nào.

amazon-ktCH-621x414-LiveMint-1415-154615

Theo luật pháp Ấn Độ, các nhà bán lẻ thuộc sở hữu nước ngoài bị cấm bán trực tiếp bất kỳ sản phẩm nào trên các trang thương mại điện tử của họ. Amazon là 1 trong 2 nhà bán lẻ trực tuyến sẽ bị ảnh hưởng nhất sau quy định mới của Ấn Độ. Ảnh: Techcrunch.

Chẳng hạn, Amazon có thể không được bán các sản phẩm của chính công ty này như loa thông minh Amazon Echo, máy đọc sách Amazon Kindle trên Amazon.in. Trong khi đó, quy định mới có thể ảnh hưởng đến chiến lược bán quần áo và các sản phẩm khác bằng thương hiệu riêng của chính Walmart và ngăn tập đoàn này sử dụng mối quan hệ với các nhà bán lẻ để giảm giá cho người tiêu dùng Ấn Độ trên nền tảng Flipkart.com.

Walmart vừa bỏ ra 16 tỷ USD trong năm nay để mua 77% cổ phần của công ty bán lẻ trực tuyến hàng đầu của Ấn Độ là Flipkart.

Nhà bán hàng lớn nhất trên Amazon.in là Cloudtail, công ty liên doanh giữa quỹ đầu tư Catamaran Ventures (Ấn Độ) và Amazon, khi các thay đổi trên có hiệu lực có thể bị cấm bán hàng trên Amazon.in vì đây công ty liên kết của Amazon.

Trước đây, Amazon thường ký kết các thỏa thuận độc quyền bán hàng của bên thứ ba trên Amazon.in, chẳng hạn như độc quyền bán các smartphone của thương hiệu OnePlus (Trung Quốc). Quy định mới sẽ cấm các thỏa thuận như vậy.

Một lãnh đạo cấp cao giấu tên trong ngành thương mại điện tử nói: “Có vẻ như ai đó đã nghiên cứu kỹ mô hình kinh doanh của Amazon cũng như Flipkart và đưa ra các điều khoản “giết chết” một cách có hệ thống hai công ty này”.

Theo luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Ấn Độ hiện nay, các nhà bán lẻ nước ngoài bị cấm bán trực tiếp hàng hóa của họ trên các nền tảng thương mại điện tử của chính họ. Để lách luật, Amazon và Walmart thành lập các công ty liên kết để bán nhiều sản phẩm khác nhau từ hàng điện tử, thực phẩm cho đến sách trên Amazon.in và Flipkart.com. Chiến lược này giúp họ kiểm soát dịch vụ khách hàng tốt hơn và cho phép họ bán các sản phẩm với giá thấp hơn các nhà bán lẻ độc lập đang bán hàng trên các nền tảng của họ.

Chính sách mới dường như được thiết kế để bịt lỗ hổng này, sẽ đẩy tăng chi phí hoạt động của Amazon, Walmart và có lẽ xác nhận nỗi lo ngại của nhiều nhà đầu tư khi cho rằng vụ thâu tóm Flipkart tốn kém của Walmart là bước đi sai lầm.

“Thời gian tới sẽ khó khăn cho Amazon và Flipkart. Họ đã đầu tư nhiều tiền để tận dụng các chính sách hiện hành và giờ đây, chúng đột nhiên bị thay đổi”, Satish Meena, nhà phân tích ở Công ty nghiên cứu thị trường Forrester, nói.

Các cửa hàng bán lẻ trực tiếp ở Ấn Độ dĩ nhiên sẽ được hưởng lợi lớn nhờ các thay đổi trên vì nỗi lo của họ về nguy cơ bị đè bẹp trước sức mạnh cạnh tranh của các ông lớn thương mại điện tử và bán lẻ nước ngoài phần nào được giải tỏa.

Từ lâu, các nhà bán lẻ ở Ấn Độ phàn nàn rằng các công ty thương mại điện tử nước ngoài bóp méo thị trường bằng cách gia công hàng hóa rồi bán chúng với giá rẻ trên chính các nền tảng của họ và điều này vi phạm chính sách cấm đầu tư trực tiếp nước ngoài trong mảng kinh doanh thương mại điện tử theo mô hình B2C (từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng).

Kishore Biyani, Giám đốc điều hành Future Group, sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ ở 250 thành phố của Ấn Độ, cho biết công ty ông đã lên kế hoạch hợp tác với Amazon.in nhưng giờ đây, với sự bảo vệ của các quy định mới, công ty ông có thể tự phát triển kinh doanh.

Tổng thư ký Liên minh thương nhân Ấn Độ (CAIT) - Praveen Khandelwal hoan nghênh động thái trên của DIPP. Ông cho rằng bấy lâu nay, các công ty thương mại điện tử nước ngoài sử dụng nhiều chiêu thức để kiểm soát và thống lĩnh thị trường bán lẻ ở nước này. “Nếu được thực hiện theo đúng tinh thần đổi mới, các hành vi lạm dụng và chính sách hủy diệt bằng giá thấp cũng như bán giảm giá sâu của các nền tảng này sẽ trở thành dĩ vãng”, Tổng thư ký Liên minh thương nhân Ấn Độ nhận định.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ban đầu kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ sau khi ông thắng lợi trong cuộc bầu cử vào năm 2014. Nhưng giờ đây, chính quyền của ông đã quay lại với chủ nghĩa bảo hộ khi triển vọng tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử vào năm sau đang yếu đi. Ông Modi đang nỗ lực củng cố niềm tin của các công ty trong nước.

Giới phân tích nhận định chính sách thương mại điện tử mới của Ấn Độ dường như là một nỗ lực của ông Modi để tranh thủ sự ủng hộ của các tiểu thương trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2019.

Các công ty thương mại điện tử nhỏ hơn của Ấn Độ cũng hoan nghênh các thay đổi trên. Kunal Bahl, Giám đốc điều hành của Công ty thương mại điện tử Snapdeal, viết trên Twitter: “Các thay đổi này sẽ giúp tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả những người bán hàng, giúp họ tận dụng tối đa sức mạnh của thương mại điện tử”.

>> FPT Shop và Sen Đỏ lọt Top 5 trang truy cập nhiều nhất

Hải Ninh

Ý kiến

()