ACBS dẫn thông tin 6 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu thuần đạt 19.826 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 3.637 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ.
Mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu tăng 29% và lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước, với biên LNTT đạt 15,9%. Hầu hết các thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao như Mỹ (+48,4%), châu Á-TBD (+55,5%), châu Âu (24,2%). Với tỷ trọng đóng góp tăng dần trong cơ cấu doanh thu của hoạt động này, thị trường Mỹ ngày càng rút ngắn khoảng cách với thị trường lớn nhất là Nhật Bản (tỷ trọng 39%). Doanh thu từ thị trường Nhật Bản tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước do bị ảnh hưởng bởi đồng JPY giảm giá sâu mặc dù doanh thu tính bằng đồng JPY tăng 17,8%. FPT đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro và đàm phán với khách hàng để điều chỉnh giá dịch vụ nhằm giảm thiểu những tác động này.
Trong sáu tháng cuối năm, mảng này được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng cao ở mức hai con số nhờ doanh thu ký mới tăng 40%, đạt 11.681 tỷ đồng. Trong khi doanh thu ký mới của thị trường Mỹ không đổi, thị trường Nhật Bản đã có cải thiện đáng kể về doanh thu ký mới trong quý 2 sau khi tăng trưởng chậm lại đáng kể do COVID-19.
Doanh thu dịch vụ chuyển đổi số (DX) tăng 64,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 40% doanh thu của mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2022. FPT nhấn mạnh vào các công nghệ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI)/phân tích dữ liệu, low code...
Công ty sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp/tổ chức trên toàn thế giới và thúc đẩy doanh thu của các dịch vụ này trong bối cảnh chi tiêu cho DX trên thế giới được dự báo tăng trưởng đầy hứa hẹn trong những năm tới.
Kết quả kinh doanh của FPT 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Báo cáo ACBS |
Hoạt động dịch vụ CNTT trong nước nửa đầu năm 2022 ghi nhận doanh thu tăng 10,9% và LNTT tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của ACBS. Kết quả này là do khu vực ngân hàng và bất động sản tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm 2022 do tình hình tăng trưởng tín dụng hạn chế. Doanh thu các sản phẩm/giải pháp Made by FPT tăng 51,6% đạt 406 tỷ đồng, đóng góp 15,4% doanh thu toàn mảng. Các sản phẩm/giải pháp này có thể đạt biên LNTT hai chữ số cao trong giai đoạn ổn định mặc dù vẫn ở mức thấp trong giai đoạn đầu.
FPT kỳ vọng triển vọng tốt hơn cho mảng dịch vụ CNTT trong nước trong nửa cuối năm nhờ khu vực công. Thị trường CNTT trong nước năm 2021 chứng kiến hoạt động chuyển đổi số diễn ra sôi nổi hơn không những từ các doanh nghiệp trong nước mà cả khu vực chính phủ. Nhiều tỉnh đã dành 1-1,5% ngân sách trung hạn (tương đương khoảng 150-300 tỷ đồng/năm; thời hạn 2-3 năm) cho chuyển đổi số. FPT sẽ tập trung vào các hợp đồng giá trị 1.000 tỷ đồng, 500 tỷ đồng và 300 tỷ đồng trong ba năm.
Doanh thu và LNTT của mảng dịch vụ viễn thông 6 tháng đầu năm 2022 lần lượt tăng 15% và 20,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 6.727 tỷ đồng và 1.288 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của dịch vụ băng thông rộng tăng 8,2% trong khi các hoạt động khác tăng 24%. Biên LNTT của toàn bộ mảng dịch vụ viễn thông đạt 19,2% so với 18,3% trong nửa đầu năm 2021 nhờ tăng trưởng lợi nhuận của dịch vụ Pay TV. Dịch vụ này tăng trưởng doanh thu 24% trong 6 tháng đầu năm 2022 và có biên LNTT 13%, có thể tăng lên 15% sau khi tăng quảng cáo và nội dung phát sóng.
ACBS dự phóng doanh thu thuần và LNTT năm 2022 của FPT là 43.003 tỷ đồng (+20,6% so với cùng kỳ 2021) và 7.896 tỷ đồng (+24,6%), giảm 2% so với dự phóng trước chủ yếu do tăng trưởng chậm của mảng dịch vụ CNTT trong nước. Sử dụng phương pháp SOTP (phương pháp Tổng các giá trị thành phần (viết tắt là SOTP - Sum of the Parts), giá mục tiêu của ACBS cho cổ phiếu FPT là 98.273 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức sinh lời 16,2% vào cuối năm.
Trong phiên ngày 29/8, cổ phiếu FPT giao dịch ở mức giá 86.500 đồng.
Minh Tuân
Ý kiến
()