Chúng ta

Thầy giáo 8X với nick name 'soái ca Nhật Bản'

Thứ sáu, 26/2/2016 | 10:39 GMT+7

Với tính cách sôi nổi, nhiệt tình và am tường kiến thức, thầy giáo Nguyễn Cường, Trưởng bộ môn tiếng Nhật, ĐH FPT, suốt 10 năm qua đã truyền lửa cho hàng ngàn sinh viên và được gắn với nick name “Soái ca Nhật Bản”.

f1-5232-1456289415.jpg

Giảng viên Nguyễn Cường – Trưởng bộ môn Tiếng Nhật.

Bí quyết học tiếng của “soái ca”

Dạy tiếng Nhật tại một ngôi trường nhiều nam ít nữ, giảng viên Nguyễn Cường (sinh năm 1980), vẫn luôn thu hút được những nam sinh. 10 năm qua, nhiều sinh viên được hỏi đều chia sẻ có cơ hội vẫn sẽ học lại với thầy Cường.

Không chỉ có phong thái nhẹ nhàng, thầy giáo 8X này còn ghi điểm với học trò bởi cách truyền đạt gần gũi, so sánh sinh động giữa tiếng Nhật với tiếng Việt, tiếng Anh; lồng ghép những câu chuyện về văn hóa của đất nước Mặt trời mọc. Đặc biệt, thầy Cường rất thích hát tiếng Nhật cho sinh viên nghe dù rằng chính thầy thú nhận rằng mình “không biết đàn cũng chẳng biết hát”.

Trong những buổi lên lớp, thầy Cường luôn chia sẻ điều tâm đắc: Muốn học giỏi ngôn ngữ của Nhật Bản, trước hết hãy học theo ý thức trách nhiệm và kiên trì của họ đối với bản thân, công việc, tập thể, xã hội... Họ luôn đặt ra yêu cầu và mục tiêu rất cao trong mọi việc, từ những điều nhỏ nhất. Đây chính là chìa khóa thành công của người Nhật.

Có được sự kiên trì, trách nhiệm sẽ học tốt hơn những con chữ tượng hình phức tạp, vốn gắn liền với văn hóa. Thầy Cường chia sẻ: “Mình quan niệm rằng, kiến thức là điều cốt yếu nhưng quan trọng hơn, sinh viên phải tìm được cảm hứng và niềm say mê trong học tập. Đó chính là công cụ hữu ích nhất để một người có thể trở nên giỏi trong một lĩnh vực nào đó”.

Niềm đam mê giúp anh gắn bó với tiếng Nhật, thay đổi cuộc sống, sự nghiệp của Nguyễn Cường và giờ đây anh tiếp tục “truyền lửa” đam mê ấy đến với các thế hệ sinh viên.

f2-8129-1456289415.jpg

Giảng viên Nguyễn Cường cho rằng chính nghề đã chọn người.

Tình cờ làm nghề “gõ đầu trẻ”

Nhìn vẻ bề ngoài, nhiều người sẽ nghĩ thầy Cường sinh ra là để làm nghề giáo nhưng anh cho rằng chính nghề đã chọn mình. Anh kể, hồi phổ thông học chuyên Anh, khi thi vào đại học thì chọn khoa tiếng Nhật của ĐH Ngoại ngữ vì điểm đầu vào phù hợp và không nghĩ tới việc trở thành giáo viên.

“Tốt nghiệp đại học, mình công tác tại một công ty của Nhật Bản, rồi được yêu cầu phải dạy tiếng Nhật cho nhân viên yếu ngoại ngữ. Từ đó, công việc giảng dạy gắn vào đời mình”, anh chia sẻ.

Sau hơn một năm đứng lớp, “thầy giáo bất đắc dĩ” đã quyết định tìm đến một môi trường mới là FPT Software vào năm 2004, rồi ĐH FPT năm 2006. Anh Cường cũng là giáo viên tiếng Nhật đầu tiên tại ngôi trường này từ khi bắt đầu thành lập đến nay và đến nay, đảm nhận thêm vị trí Trưởng bộ môn tiếng Nhật của trường.

Với vốn ngoại ngữ được thầy Cường truyền thụ, rất nhiều sinh viên đã thành công trên con đường sự nghiệp như Tạ Đức Tùng (sinh viên khóa 2, ngành Kỹ thuật phần mềm hiện đang học Thạc sĩ tại ĐH Tokyo, Nhật Bản), Vương Thúy Hồng (sinh viên khóa 4, ngành Kỹ thuật phần mềm, hiện đang là kỹ sư tại FPT Japan), nhiều sinh viên khác đều đạt được chứng chỉ tiếng Nhật N2 (chứng chỉ đánh giá khả năng giao tiếp thông thường và đàm thoại chuyên ngành thành thạo - PV) khi ra trường và đang công tác tại các công ty lớn trong nước.

>> Giảng viên FPT trang bị triết lý và phương pháp đào tạo

Tiền Phong

Ý kiến

()