Trong buổi toạ đàm “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin” do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã diễn ra tại Học viện Kỹ thuật mật mã, nữ sinh Phạm Thị Thanh hỏi rành mạch: "Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?”.
Sau khi câu chuyện của bạn nữ sinh viên năm 3 tại Học viên Kĩ thuật Mật mã được đăng tải trên báo chí và mạng xã hội, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về câu hỏi đầy “hóc búa” này.
Nữ sinh với câu hỏi "Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?” . |
Nữ sinh này đã bị rất nhiều người “ném đá” vì cho rằng mơ ước của bạn ấy quá hoang tưởng, nhất là khi mức lương 2.000 USD là điều mơ ước của bao người dành cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp chứ nói gì đến một sinh viên mới ra trường, xin được việc đã là điều quá tốt.
Chia sẻ với PV báo Infonet xung quanh câu chuyện này, một nhà tuyển dụng thuộc tập đoàn FPT cho hay: “Mỗi chúng ta đều có quyền mơ ước và nỗ lực để thực hiện mơ ước của mình.
Chúng ta thường hay nói đùa với nhau “Không ai đánh thuế mơ ước cả”, tôi nghĩ em nữ sinh viên ấy không sai khi mơ ước một mức lương khởi điểm cao mà với nhiều người đó là con số “khủng” sau khi vừa rời khỏi giảng đường ĐH.
Muốn có mức lương cao, em phải tìm doanh nghiệp có quy mô, tầm cỡ và chế độ đãi ngộ phù hợp với khả năng của em.Và quan trọng nhất, em phải chứng minh được khả năng đóng góp của bản thân mang về lợi nhuận “khủng” cho doanh nghiệp.
Em phải hiểu rằng, để nhận được mức lương 2000 USD thì công sức của em góp vào công ty phải sinh ra lợi nhuận cho công ty hơn con số đó rất nhiều…
Bản thân mình là nhà tuyển dụng, tôi sẵn sàng trả cho nhân viên lương 2.000 USD/tháng nếu lợi tức bạn ấy mang về cho tập đoàn lớn và bạn ấy thực sự có sức ảnh hưởng lớn tới tương lai của tập đoàn.
Tôi ủng hộ giới trẻ cần có ước mơ và chúng ta đừng quá hà tiện với mơ ước của mình.
Hãy mơ thật nhiều và cố gắng chạm tay tới mơ ước ấy. Quan trọng là chúng ta cần ý thức được mình đang làm gì? Tỉnh táo, tránh việc ảo tưởng và đủ thông minh để tìm cho mình con đường đến tới mơ ước.
Tôi đã từng chứng kiế rất nhiều sinh viên chỉ ham chơi, hưởng thụ mà chẳng bao giờ nghĩ đến việc sẽ làm gì khi ra trường. Vậy ở cái tuổi đẹp nhất, nỗ lực nhiều nhất các bạn ấy đã mơ ước được những gì? Nỗ lực được bao nhiêu để thưc hiện mơ ước?
Thay vì lên tiến chỉ trích câu hỏi của một sinh viên “để có lương 2.000 USD/tháng sau khi tốt nghiệp cần làm gì?” chúng ta – những thế hệ đi trước hãy chỉ đường cho con trẻ để chúng dám mơ ước và đủ mạnh mẽ để thực hiện mơ ước”.
Được biết, không chỉ có nữ sinh Thanh, còn rất nhiều sinh viên khác trước đó cũng có những câu hỏi “hóc búa” dành cho lãnh đạo các doanh nghiệp về vấn đề tiền lương và việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH.
Năm 2011, một sinh viên ĐH Ngoại thương cũng đã hùng hồn tuyên bố: “Sau khi ra trường, lương dưới 1.000 USD sẽ không làm. Bởi lẽ, sinh viên này cho rằng: “Học ĐH Ngoại thương mà làm lương thấp thì thà học các trường cao đẳng dưới quê cho đỡ tốn kém tiền của bố mẹ. Học ĐH Ngoại thương rất vất vả để giành tấm vé đầu vào. Hơn nữa ở đây môi học tập tích cực, ham học hỏi và có chí phấn đấu trong một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt như vậy, bạn hoàn toàn có quyền hi vọng một mức lương như vậy, điều đó không có gì là sai”.
Infonet
Ý kiến
()