Chúng ta

FPT, VNPT, Viettel kiến nghị chống bán phá giá dịch vụ viễn thông

Thứ hai, 20/7/2015 | 16:40 GMT+7

Cả ba nhà mạng VNPT, Viettel, FPT Telecom cùng lên tiếng kiến nghị Bộ Thông tin - Truyền thông có biện pháp quản lý giá, chống bán phá giá dịch vụ viễn thông, cụ thể trong hai lĩnh vực nóng nhất là di động và Internet cáp quang.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của Bộ TT&TT vào sáng 17/7, đại diện 3 doanh nghiệp viễn thông là VNPT, Viettel và FPT Telecom đã lên tiếng đề nghị Bộ TT&TT cần có phương án quản lý để chống tình trạng bán phá giá dịch vụ viễn thông, cụ thể trong hai lĩnh vực đang nóng là di động và Internet cáp quang.

4-JPG-7058-1437192993.jpg

Cũng tại hội nghị, chị Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Telecom, cho biết, 6 tháng đầu năm, FPT Telecom đạt doanh thu 2400 tỷ đồng, tăng 34% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2014, lợi nhuận đạt 418 tỷ (tuy nhiên tăng trưởng chỉ 5% do năm 2014 do FPT Telecom đã đầu tư mạnh cho chuyển đổi từ cáp đồng sang cáp quang).

Theo ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel, về nguyên tắc quản lý kinh tế, Nhà nước không để các doanh nghiệp ép giá các doanh nghiệp nhỏ, chống phá giá. Trong trường hợp có những biến động lớn nhà nước sẽ tiến hành những biện pháp bình ổn giá cả, đây cũng là nội dung lớn nhất về quản lý đang nóng trên thị trường viễn thông, nhất là trong lĩnh vực di động.

Ông Hoàng Sơn phân tích rằng Bộ TT&TT đang quản lý các doanh nghiệp có thị phần lớn như Viettel bằng quy định cho doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Về cơ bản hiện nay nhà nước có quy định doanh nghiệp không được bán dưới giá thành, nhưng thực tế việc tính toán giá thành từng dịch vụ cho từng doanh nghiệp rất khó, bởi mỗi doanh nghiệp có phương thức đầu tư khác nhau, phương thức quản lý khác nhau nên dẫn đến cùng một dịch vụ nhưng giá thành của mỗi doanh nghiệp không giống nhau.

Ông Sơn cho rằng, để các doanh nghiệp không bán phá giá dịch vụ viễn thông, Bộ TT&TT nên tính toán để đưa ra một mức cước bình quân cho từng dịch vụ và yêu cầu các doanh nghiệp không được bán dưới giá cước bình quân đó.

Liên quan đến kiến nghị của ông Hoàng Sơn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng, Viettel đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường di động với hơn 50% thị phần, việc Viettel kiến nghị được kinh doanh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp nhỏ là một tín hiệu vui cho thị trường. Nhưng Bộ TT&TT vẫn phải quản lý theo nguyên tắc doanh nghiệp lớn sẽ bị quản chặt hơn.

Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, cũng cho biết, năm 2014 FPT Telecom đã đầu tư mạnh vào xây dựng hạ tầng cáp quang, tiến hành chuyển đổi phần lớn khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet cáp đồng sang dùng cáp quang, từ đó nâng chất lượng dịch vụ và gia tăng thêm nhiều tiện ích cho khách hàng.

Tuy nhiên, bà Hà chia sẻ rằng khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực Internet hiện nay là tình trạng đua nhau cạnh tranh giá cước  giữa các nhà cung cấp dịch vụ khiến cho nhiều khách hàng của FPT Telecom rời mạng. Bà kiến nghị, Bộ TT&TT cần có biện pháp chỉ đạo để các doanh nghiệp viễn thông phải đưa ra một mức giá phù hợp, tránh tình trạng giảm giá khuyến mãi tràn lan khiến cho khách hàng rời mạng, vừa gây lãng phí nguồn lực cho nhà mạng vừa gây mất ổn định thị trường.

Cũng liên quan đến giá dịch vụ cáp quang, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2015, dịch vụ băng rộng của VNPT tăng trưởng thấp, chỉ đạt 46% kế hoạch đề ra.

Ông Hùng cho biết, trong vòng từ năm 2013 trở lại đây tốc độ tăng trưởng dịch vụ băng rộng của VNPT đã tăng gấp 20 lần về số lượng thuê bao nhưng cước dịch vụ băng rộng lại giảm rất mạnh. Nguyên nhân do cạnh tranh giữa các nhà mạng nên cước thuê bao băng rộng giảm mạnh, trước kia giá thuê bao bình quân từ 600.000 -700.000 đồng nay giảm chỉ còn 300.000 đồng, có gói cước chỉ 150.000 đồng/tháng.

Ông Hùng đề nghị, cơ quan quản lý cần xem xét có chính sách để hạn chế cuộc chiến cạnh tranh về giá cáp quang, chống nguy cơ bán phá giá để thị trường đi vào ổn định.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đồng ý với đề nghị của ông Sơn và bà Hà về việc chính sách phải đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh. Thứ trưởng Thắng cho rằng, thị trường viễn thông phát triển tốt như ngày hôm nay là do nhà nước đã áp dụng sớm chính sách mở cửa thị trường, tuy nhiên khi mở cửa điều quan trọng nhất là phải duy trì được áp lực cạnh tranh thị trường, không thể để quay lại độc quyền như trước đây. Do đó, nhà nước sẽ có chính sách để không một doanh nghiệp nào chiếm lĩnh thị trường.

>> FPT nhận giấy phép viễn thông tại Myanmar

ICT News

Ý kiến

()