Trong dòng chảy thông tin như vũ bão hiện nay, thông tin ấy dễ dàng bị "trôi" đi, nhưng với những người quan tâm sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì sự kiện nói trên gợi lên nhiều điều đáng để suy nghĩ. Thứ nhất, trong số hàng trăm nghìn doanh nghiệp cả nước thì số đơn vị đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ còn rất ít ỏi, hiện mới chỉ thấy ở FPT, Viettel, Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, BKAV... Cụ thể, thay vì chỉ nhập khẩu công nghệ, các doanh nghiệp này coi việc làm chủ, sáng tạo công nghệ mới là nhu cầu thiết thân và chỉ có thể hội nhập thành công với thế giới khi có những sáng chế được thương mại hóa thành công. Thứ hai, phải xây dựng được cơ chế thông thoáng nhằm đẩy mạnh sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, để khoa học, công nghệ thực sự trở thành động lực của sự phát triển đất nước.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Vũ, Ban Công nghệ FPT, chia sẻ về Big Data. |
Ở khía cạnh thứ nhất có thể thấy, trong 30 năm đổi mới vừa qua, nước ta phát triển chủ yếu dựa vào ba yếu tố là chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung sang kinh tế thị trường, tháo gỡ những cơ chế cũ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, dựa vào tài nguyên thiên nhiên và kỳ vọng vào lao động giá rẻ. Đến thời điểm này, những lợi thế đó đều đã được khai thác tới hạn và đòi hỏi phải có sự thay đổi, trong đó trước hết chính là từ cộng đồng doanh nghiệp. Để có sự thay đổi về chất ấy, không có cách nào khác là phải dựa vào hoạt động khoa học công nghệ như một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã trở thành những nước công nghiệp mới thành công trong vài thập kỷ trước, tiêu biểu là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia…
Ở khía cạnh thứ hai cho thấy, thay đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta là một trong những đòi hỏi không chỉ mang tầm vĩ mô mà phải trở thành khẩu hiệu hành động của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải được đặt vào vị trí trung tâm của hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ. Muốn vậy chúng ta phải đổi mới phương thức đầu tư cho khoa học công nghệ bằng cách để ngân sách nhà nước chỉ bảo đảm một phần, hướng vào những vấn đề vĩ mô, khoa học quản lý, an ninh - quốc phòng…, còn những lĩnh vực có thể tạo doanh thu thì doanh nghiệp phải bảo đảm phần lớn. Đây là kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, tức là doanh nghiệp và xã hội đầu tư gấp 3-5 lần ngân sách.
Gần đây, ở nước ta bắt đầu có làn sóng đầu tư cho khoa học công nghệ từ doanh nghiệp, chẳng hạn Viettel năm nay dự kiến dành hơn 4.000 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí quốc gia dành khoảng 2.000 tỷ đồng, Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông mỗi năm dành 20% lợi nhuận sau thuế cho khoa học công nghệ… Tuy nhiên, do thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển, những chế định liên quan đến đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp doanh nghiệp, sự hỗ trợ về thuế, vốn… còn nhiều bất cập hoặc rất thiếu nên chính bản thân các doanh nghiệp nói trên cũng "vừa đi vừa dò đường", đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải sớm vào cuộc, thậm chí "đi trước một bước", tạo hành lang pháp lý ổn định cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào khoa học công nghệ.
Còn quá xa để nói rằng Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp tầm cỡ như Google, Apple (Mỹ); Huawei, Alibaba (Trung Quốc); Samsung, LG (Hàn Quốc)… Điểm chung của tất cả những tập đoàn này là chỉ thành công nhờ đầu tư rất lớn cho phát triển khoa học công nghệ nội bộ doanh nghiệp, từ đó chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, một xã hội thiếu sức sáng tạo sẽ không thể phát triển. Để tinh thần sáng tạo được lan tỏa, rõ ràng những bất cập hiện nay cần được khắc phục triệt để.
Hà Nội Mới
Ý kiến
()