Chúng ta

Cựu sinh viên Đại học FPT kiếm triệu từ đồ da handmade

Thứ tư, 25/3/2015 | 10:38 GMT+7

Từ chối công việc tốt tại một công ty phần mềm, Nguyễn Tuấn Dũng - cựu sinh viên ĐH FPT - theo đuổi đam mê và nhanh chóng thành công với cửa hàng đồ da handmade tại Hà Nội.

Giới trẻ Hà thành, nhất là những người thích đồ da handmade không còn lạ lẫm với shop Mammon Handcrafted Leather trên phố Hàng Bông. Nhưng ít ai biết, chủ shop lại là Nguyễn Tuấn Dũng (27 tuổi), biệt danh là "Dĩn", dân Công nghệ thông tin "chính hiệu". Công việc và ngành học chẳng mấy liên quan với nhau, Dũng bảo: Chắc đó cũng là cái duyên và quan trọng hơn nữa là niềm đam mê... gặp thời.

Dũng kể về chuyện "gặp thời", tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư phần mềm tại Đại học FPT, cậu nhanh chóng tìm cho mình một công việc phù hợp, lương tốt tại FPT Software. Bố mẹ Dũng khi đó tin rằng cậu đã tìm được bến đỗ trong sự nghiệp.

d0d9c6b1ad4d5facd4ab8dd4345634-3425-4177

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, Nguyễn Tuấn Dũng lại thanhc công với cửa hàng đồ da handmade.

Ngược lại, với bản tính ưa tự do, sáng tạo đã không ngừng thôi thúc, giục giã cậu bứt ra. Chính quãng thời gian đang loay hoay ấy, Dũng tình cờ gặp và quen một người bạn có cửa hàng bán đồ da. Nghe những chia sẻ và được tận mắt thấy các sản phẩm này, cậu bị ấn tượng ngay lập tức.

Một quyết định táo bạo của Dũng nhanh chóng được đưa ra khiến không chỉ bố mẹ và những người thân bất ngờ: Nghỉ việc ở FPT Software. Suốt hơn một tháng trời, ngày đêm Dũng dồn hết tâm sức để tìm hiểu về đồ da. Lang thang khắp các hiệu sách để lùng sục, rồi lại hý hoáy lên mạng gõ gõ, search search...

Với vốn tiếng Anh và kiến thức chuyên ngành công nghệ thông tin, Dũng dễ dàng tìm kiếm thông tin trên các trang nước ngoài. Càng đọc, tìm, mày mò, cậu càng ham, dành hết tâm huyết cho đồ da handmade.

Sự táo bạo, thông minh cùng cơ hội nắm bắt được thị trường lúc đó, cậu đã thành công trong những bước đầu. Dũng kể, đầu năm 2013, các cửa hàng đồ da ở Hà Nội chưa nhiều, nếu có thì hàng giả da chiếm đại đa số. Cửa hàng da thật ở Hà Nội lúc đó ít, người theo đuổi đồ da handmade càng đếm trên đầu ngón tay.

Lúc đầu làm, vốn gần như chưa có, lại không được bố mẹ đồng tình. Cậu phải tự xoay sở vừa ở nhà tiếp tục đào sâu thông tin về cách làm đồ da handmade vừa nhận order từ những người quen. "Những sản phẩm mình làm ra được người khách đón nhận, khen. Rồi người này giới thiệu người kia nên những order dần tăng lên", Dũng nói.

Thời gian rảnh, cậu lân la đi khắp Hà Nôi, Sài Gòn và vận dụng những mối quan hệ bạn bè ở Quảng Châu (Trung Quốc), Thái Lan để nghiên cứu về các loại da cũng như đặc tính của từng loại chất liệu. Chính trong quãng thời gian này, một ý nghĩ mới lóe lên, cậu muốn học và kinh doanh thêm những bộ dụng cụ dùng làm đồ da handmade, bởi đồ này ở Hà Nội chưa thấy.

Hơn một tháng mày mò, tích được 30 triệu đồng và vay thêm bạn bè, Dũng có số vốn khoảng 50 triệu đồng nên mạnh dạn nghĩ tới việc mở cửa hàng.

"Năm 2013, thấy số người yêu thích đồ da có xu hướng tăng mạnh, trong khi để mua đầy đủ nguyên vật liệu làm đồ da không rẻ, mình đã mở cửa hàng cafe - đồ da handmade", Dũng giãi bày.

12c57a2ad96e7a89018ff00ec8e781-2827-3272

Ở cửa hàng, khách không chỉ mua được những món đồ da ưng ý mà còn tự tay làm ra những sản phẩm cho riêng mình.

Tháng 9/2013, Mammon Handcrafted Leather ra đời đáp ứng nhu cầu của nhiều người yêu thích đồ da: Mua đồ da handmade, dụng cụ và các nguyên vật liệu cần thiết (như da, chỉ sáp, kim khâu, phụ kiện kết hợp đồ da...); Hoặc vừa nhâm nhi cốc cafe vừa tự tay làm sản phẩm đồ da (dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của anh chủ quán).

Thời gian đầu, địa thế của shop hơi bất lợi do nằm trong ngõ nên để nhiều người biết đến, cậu đã phải đẩy mạnh marketing. Nhưng chưa đủ tiền thuê quảng cáo nên Dũng lại tự mình mày mò về các thuật marketing trên facebook, trên mạng internet để làm marketing online.

"Nghĩ lại cũng thấy may mắn, dù ra trường không làm đúng ngành học nhưng chính những kỹ thuật, tư duy học được từ đại học về công nghệ đã giúp mình rất nhiều trong việc làm marketing online", Dũng chia sẻ.

Shop của Dũng ngày càng thu hút được nhiều đơn hàng và khách hàng đến tìm hiểu làm đồ da. Sau hơn một năm hoạt động, từ việc làm ra 2-3 sản phẩm/ngày, nay cửa hàng làm tới 10 sản phẩm/ngày. Trung bình mỗi tháng nhận hơn 60 đơn hàng từ khách, chưa tính tới khách đến mua hàng trực tiếp. Diện tích cửa hàng cũng mở rộng thêm, ban đầu từ 20 m2 rồi 50 m2, sắp tới lên đến 100 m2.

b58303ac8ed309bd751c4e509826f0-6205-3974

Cửa hàng của Dũng thu hút khá nhiều khách nước ngoài.

Chia sẻ bí quyết kinh doanh, Dũng nói: "Môi trường kinh doanh, không phải cứ mua cái này về, bán nó ra có lãi là được mà còn phải tính về sự phát triển lâu dài. Hơn nữa, nếu không có ý tưởng gì đột phá, chỉ là chạy theo phong trào, chạy theo ý tưởng, cách làm của người khác thì mình nghĩ không nên! Nếu không nghĩ ra được gì độc đáo và khác biệt thì hãy làm tốt các công việc mình đang làm, là một ông chủ tốt đã khó nhưng là một nhân viên giỏi còn khó hơn!".

Dũng thổ lộ: "Động lực lớn nhất cho mình chính là tiếng cười nói rộn ràng cùng những lời khen ngợi của khách hàng dành cho shop".

Còn rất nhiều dự định, ý tưởng mà Dũng đang ấp ủ làm cho Mammon Handcrafted Leather và gần nhất sẽ là lấn sân sang dịch vụ du lịch. Cựu sinh viên trường FPT tiết lộ "Mấy năm gần đây, mình thấy các công ty du lịch dẫn tour không có gì mới, sân chơi ở Hà Nội giờ cũng ít nên mình đang triển khai kế hoạch kết hợp cùng các công ty du lịch để dẫn khách đến tham quan và làm đồ da handmade".

Etienne Pelletier - một vị khách nước ngoài: “Mammon Handcrafted Leather là một nơi thật đặc biệt của Hà Nội. Nếu có dịp qua đây, đừng quên ghé qua cửa hàng đồ da handmade này để có cơ hội làm ra một sản phẩm đặc biệt cho mình. Nhân viên ở đây thân thiện và nhiệt tình!”

Nguyễn Hoàng Anh - sinh viên năm 3, Học viện Nông nghiệp: “Phong cách cũng như các sản phẩm của shop rất đặc biệt. Mình vốn không phải là người kiên nhẫn lắm nhưng khi đến đây, mình có thể dành hẳn 2 ngày cuối tuần chỉ để hý húi làm một chiếc ví. Tuy nhiên, chỗ để xe của shop hơi nhỏ”.

 Tiền Phong

Ý kiến

()