Nhiệt huyết phong trào Đoàn
Ra trường, tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, nhưng so với các bạn sinh viên khác còn khá chật vật trên con đường tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp cho mình, thì Bách đã tìm được công việc với mức thu nhập ổn định. Điều đặc biệt, chàng trai “Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc” còn gắn với công việc trao cơ hội nghề nghiệp cho các bạn sinh viên khác. Chỉ tay vào tấm thẻ đeo trên ngực, Bách hồ hởi: “Hiện em đang làm vị trí tuyển dụng của Công ty FPT Software. Cơ duyên đến với công việc này tình cờ, đó là khi em làm Phó Chủ tịch Hội sinh viên ĐH Bách khoa, trong lần trường hợp tác với Tập đoàn FPT đưa các cán bộ, giáo viên và sinh viên sang khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc tập huấn. Tại đây, em có quen biết với các anh chị làm bên tuyển dụng. Thời điểm đang làm đồ án tốt nghiệp, em nhận được điện thoại của bên tuyển dụng, hỏi về dự định sau tốt nghiệp và mong muốn mời về làm việc”. Dù mới nhận bằng tốt nghiệp cách đây gần 2 tuần, Bách đã có khoảng 3 tháng thử sức với công việc mới. Chia sẻ về công việc “trái ngành” nhưng lại phù hợp với tính cách, Bách cho biết: “Hằng ngày, em tiếp xúc với nhiều bạn sinh viên từ các trường kỹ thuật, ngành công nghệ thông tin. Chính khoảng thời gian tham gia phong trào sinh viên cộng đồng đã giúp cho em có kiến thức, kỹ năng cần và đủ để có thể hỗ trợ sắp xếp và chia sẻ cơ hội nghề nghiệp cho các bạn sinh viên khác”.
Với Đào Việt Bách, những năm tháng học tại ngôi trường đứng top đầu tuyển sinh cả nước là khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ. Tại đây, cựu Phó chủ tịch Hội sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chính là người khởi xướng chương trình “Hỗ trợ nhà trọ sinh viên”. Tính đến nay, về số lượng nhà trọ do Hội sinh viên trường ĐH Bách Khoa hỗ trợ tổ chức khảo sát thông tin có khoảng 300-500 nhà, mỗi nhà có từ 1-7 phòng tập trung quanh khu vực trường ĐH Bách khoa. Trang group “Hỗ trợ nhà trọ sinh viên” trên mạng xã hội có hơn 35.000 người tham gia, chia sẻ thông tin và hỗ trợ sinh viên trong tìm kiếm nhà trọ nhanh chóng, thuận tiện. Dự án “Hỗ trợ nhà trọ sinh viên” đã đem lại cho Bách điểm số thuyết phục tại phần thi bảo vệ dự án và giành giải nhất “Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc” của hội thi cấp Trung ương đầu tiên. Theo Đào Việt Bách, sau khi giới thiệu dự án này đã có nhiều tổ chức Đoàn, Hội địa phương liên hệ xin hồ sơ về chương trình để tiếp tục triển khai, nhân rộng. Riêng tại Hà Nội, một số trường triển khai mô hình và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, thời điểm nhận giải thưởng là lúc Bách đang học năm cuối của ĐH Bách khoa và chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp. Bách chỉ tiếc rằng, nhận được nhiều lời góp ý từ chương trình để phát triển mô hình hơn, nhưng lại không có thời gian thực hiện nữa. Bách mong muốn việc tiếp nhận kinh nghiệm phát triển mô hình từ hội thi sẽ được truyền lại cho các thế hệ sinh viên sau.
Bên cạnh đó, Bách tham gia tổ chức chương trình “Hỗ trợ xe về Tết” cho sinh viên. Con số hỗ trợ hơn 600 sinh viên (trong đó 200 sinh viên được đi xe miễn phí, hơn 400 SV được trợ giá) ở các tỉnh xa di chuyển về quê ăn Tết an toàn, tiết kiệm là những cảm xúc lắng đọng trên hành trình tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác. Sáng kiến “Ký túc xá xanh và thực hành tiết kiệm” với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng lối sống xanh tại ký túc xá nhà trường cũng là một điểm sáng trong hoạt động tình nguyện.
“Tôi không phải là người đặc biệt xuất sắc nhưng tôi luôn cố gắng và nỗ lực hết mình để có thể hoàn thành tốt nhất những gì mình đã lựa chọn”, Đào Việt Bách nói. |
Sống có mục tiêu
Không chỉ “nổi” về các phong trào Đoàn, Hội, công tác sinh viên, Đào Việt Bách còn sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể. Có những học kỳ Bách đạt điểm tổng kết tuyệt đối 4,0 - con số mà nhiều sinh viên Bách khoa gọi là “chuyện hoang đường”. Nhiều người khi tiếp túc với Bách, ấn tượng bởi chàng trai được mệnh danh “thợ săn học bổng” khi được trao tặng nhiều suất học bổng có giá trị như: KF - Samsung của Quỹ giao lưu quốc tế Việt Nam - Hàn Quốc, học bổng HBG của Tập đoàn HB, học bổng “Vinh danh sinh viên tài năng” của Trung tâm Đào tạo nguồn lực Việt, học bổng dành cho cán bộ Đoàn xuất sắc của Tập đoàn Honda, học bổng trong chương trình điểm hẹn thanh niên Thủ đô của Thành Đoàn Hà Nội, học bổng của Quỹ hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S.Ting niên học 2015-2016…
Các học bổng trên không chỉ là nguồn hỗ trợ tài chính mà còn là nguồn động viên khuyến khích Bách học tập và hoạt động tốt hơn nữa để xứng đáng với những gì đã nhận được. Bách cho rằng, học bổng rất bổ ích và quý giá. “Học bổng 5 triệu, 10 triệu, nhưng giá trị không nằm ở số tiền mà đó là quá trình phấn đấu đạt học bổng. Bản thân cố gắng tham gia hoạt động xã hội và có kết quả học tập tốt, tham gia phỏng vấn với đơn vị cấp học bổng em cũng tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Nhiều học bổng sau khi kết thúc tiếp tục hình thành một cộng đồng nhân ái như đúng tên gọi Quỹ hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S.Ting. Quỹ học bổng gieo hạt mầm tình nguyện, khi các bạn gặp khó khăn nhận học bổng, sau khi các bạn thành công, trở lại giúp ích cho các bạn khác. Em nghĩ đó là điều rất là tốt”, Bách chia sẻ.
Đó cũng là mục tiêu của chàng trai từng chinh phục ngọn núi tri thức trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2012. Hồi đó, Bách học lớp 12, có anh trai từng đi thi “Đường lên đỉnh Olympia” nhưng kết quả chưa được tốt. Mong muốn được tham gia chương trình, Bách ra sức học tập. Thế nhưng, ngày nộp đơn đăng ký, Bách từng suýt không được đi thi bởi lời khuyên của thầy hiệu trưởng: “Các em nên tập trung vào việc học để thi ĐH đạt điểm tốt, mấy năm nay trường mình đi thi có ai giành giải thưởng nào đâu”. Câu nói của thầy không khiến Bách nhụt chí, tiếp tục năn nỉ thêm, cuối cùng thầy hiệu trưởng cũng “xuôi lòng” và động viên Bách đi thi. “Trước khi đi thi, các thầy có nói, cố gắng vượt qua vòng tuần để xóa cái dớp cho trường. Không khiến mọi người thất vọng, em leo núi cuộc thi tuần thành công. Tuy cuộc thi tháng chỉ giành vị trí thứ ba và dù không bước lên bậc Olympia cao nhất, song em cảm thấy đây không chỉ là sân chơi mà còn là động lực để trải nghiệm và định hướng những thế mạnh của mình”, Bách kể.
Khi được hỏi, cùng một nấc thang học tập trên ghế giảng đường, song nhiều bạn sinh viên hiện nay khá chật vật trên con đường tìm kiếm việc làm, lý do là gì? Đào Việt Bách nêu quan điểm: “Cơ hội nghề nghiệp là do bản thân mỗi người, không phải ngày một ngày hai mà là một quá trình tích lũy. Đối với sinh viên, ngoài kiến thức học ở trường cần phải luôn tận dụng mọi thời gian để có thể trải nghiệm và học hỏi. Thực tập tại các phòng thực hành, phòng thí nghiệm ở trường để có thể tích lũy thêm. Nhiều sinh viên định hướng kỹ năng nghề nghiệp theo điểm số học nên thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh làm việc. Bởi vậy, câu chuyện sinh viên thất nghiệp và làm trái ngành, trái nghề trở thành thực trạng báo động hiện nay”.
Đào Việt Bách, sinh năm 1994 tại Hưng Yên. Các danh hiệu và giải thưởng đạt được: Giải nhất “Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc” (2016), danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” (2016), giải thưởng “Sao Tháng Giêng” (2015), top 40 thanh niên, sinh viên Việt Nam tiêu biểu tham dự Đại lễ Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 (2015); giải thưởng “Lãnh đạo trẻ tương lai” (2009)... Một số bằng khen, giấy khen và học bổng được trao cho thành tích xuất sắc trong công tác học tập, công tác Đoàn, Hội... |
Pháp luật & Xã hội
Ý kiến
()