Chúng ta

Virus 'im lặng' và căn bệnh 'sợ'

Thứ bảy, 12/8/2017 | 16:08 GMT+7

Trong hơn 10 năm làm quản lý, vấn đề luôn khiến tôi đau đầu nhất chính là căn bệnh “Sợ và Im lặng” đang dần trở nên phổ biến ở bộ phận tôi nói riêng và có lẽ là trong toàn công ty.

Ban đầu tôi nghĩ vì các bạn mới nên ngại trao đổi, ngại tiếp xúc hoặc chăng là do chưa quen với sếp và công việc, nhưng không phải vậy. Càng làm tôi càng phát hiện ra có một thứ được gọi là virus "Im lặng” đang lan rộng ở chính môi trường tôi làm việc.

Tôi đang làm quản lý một bộ phận tại Truyền hình FPT với đặc thù đa số công việc đều thực hiện trên máy tính, hệ thống và trao đổi qua email. Ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm nọ, tôi cảm thấy dường như sự sáng tạo đang dần trở nên xa lạ hơn, chỉ là sếp chỉ gì làm đó, yêu cầu gì làm đúng nhiệm vụ đó. Các bạn thu mình lại, ngại chia sẻ, ngại tiếp xúc và ngại cả cà phê với mọi người.

Tôi từng hỏi nhiều nhân viên lý do của sự "thu mình lại", đâu đó là những câu trả lời như: "Em sợ nói giữa đám đông mà sai thì sẽ quê" hay "nói xong bị trách mắng sợ lắm", thậm chí có bạn còn có tư tưởng im lặng là vàng, nói ít thì cũng ít ai soi đến mình.

Vậy quản lý có phải mối đe doạ? Ở môi trường cởi mở như FPT, tôi cho rằng các sếp luôn cố gắng bằng lửa của mình truyền đạt cho nhân viên động lực, cách làm, luôn là người đi đầu, khuấy động để nhân viên làm theo. Nhưng dường như đã thành thói quen, sau vài bữa hô hào, dăm buổi kick-off, anh em lại quay lại với tinh thần cũ, thái độ cũ. Vấn đề không chỉ nằm ở người lãnh đạo.

Đầu tuần vừa qua, Ban Văn hóa - Đoàn thể (FUN) vời ban nhạc về dạo đầu mời gọi nhân viên tham gia buổi chào cờ. Một nét rất mới để cho nhân viên có cảm giác tươi vui, thoải mái hơn trong ngày đầu trở lại với công việc. Nhưng những sự cải tiến, làm mới ấy sẽ chẳng có giá trị lâu dài nếu anh em không tự cởi trói, phá vỡ lớp vỏ bọc của sự im lặng.

Để không còn cảnh uể oải khi đến công sở, không còn cảnh nhân viên thích ôm laptop, smartphone "sống ảo". Hãy thay đổi cách làm. Hãy từ bỏ các nhóm chat, bàn phím để quay sang làm việc trực tiếp với nhau; ăn trưa cùng nhau, cà phê sáng cuối tuần cùng nhau và có cả sếp; môi trường làm việc mở với nhiều cây xanh hơn thay vì vách tường và kính; tưởng thưởng xứng đáng hơn cho những cá nhân năng động, tích cực.

Để dẹp bỏ căn bệnh “Sợ và Im lặng”, hãy để sự sáng tạo và vui vẻ phát huy. Khi tinh thần thoải mái, con người ắt sẽ sáng tạo hơn. Công nghệ không thể biến con người thành những "nô lệ" bị phụ thuộc. Mà chúng ta đang làm chủ công nghệ để tận hưởng cuộc sống tốt hơn.

Tại môi trường giáo dục nổi tiếng của Đại học Harvard, họ không áp dụng bất cứ giáo án hay giáo trình cố định xưa cũ nào vào giảng dạy, mà áp dụng phương pháp “thảo luận”. Hay nguyên tắc “tranh luận - debate” của người Israel. Tranh cãi, phản biện và đấu tranh đến cùng cho giả thuyết của mình cần được áp dụng tại môi trường FPT và nếu đã có cần phát huy hơn nữa.

Làm sao áp dụng được? Đâu có gì quá khó, cứ làm thôi.

Innovation or die?

>> 'Người giỏi tạo hứng khởi cho học viên'

Phú Trung

Ý kiến

()