Hai cha con chúng tôi cách nhau 41 tuổi. Khi cháu đến tuổi teen thì tôi đã ngoài 50. Ra đường, nhiều người tưởng nhầm là hai ông cháu.
Cha con cách nhau gần hai thế hệ. Vì thế, mối quan tâm của chúng tôi rất khác nhau; sở thích cũng chẳng giống nhau; cách suy nghĩ, nếp sống lại càng khác. Cháu không thích những bài hát một thời làm chúng tôi say mê. Tôi cũng không cách nào hiểu được gu âm nhạc của cháu. Phim ảnh, sách vở cũng ở tình trạng như vậy. Lớn rồi, cháu không thích đi theo cha mẹ giao lưu với các cô bác nữa. Tôi cảm thấy lo lắng, vì càng lúc, cha con chúng tôi càng có ít thứ để chia sẻ với nhau.
Tôi mang chuyện này đến hỏi Sư phụ. Sư phụ bảo, anh chỉ chú tâm đến sự khác biệt, thì anh sẽ chỉ nhìn thấy sự khác biệt.
Tôi chợt ngộ ra.
Đúng rồi, cha con mình có rất nhiều thứ chung nhau. Chúng ta cùng có một quê hương. Chúng ta có chung những người ruột thịt. Khi bà nội mất, hai cha con ta đều khóc. Khi mẹ ốm, cả nhà mình đều lo. Cha con mình có chung rất nhiều kỷ niệm. Ông dạy ba, làm người thì không nên chỉ biết nghĩ tới bản thân. Ba đã dạy lại con y nguyên bài học này. Bà dạy mẹ, người vô ơn không khác gì kẻ cắp. Mẹ cũng mang đúng bài học đó dạy con...
Cuộc sống vô thường, đời sau sẽ có nhiều thay đổi so với đời trước. Ngày xưa ba chỉ có cuốc cày, ngày nay con có Skype, Facebook. Nhưng có những thứ ngàn đời bất biến, ví dụ như: tình yêu, sự hận thù, lòng vị tha, sự đố kỵ, bạn-thù, danh-lợi, hay nhân-nghĩa-lễ-trí-tín... Đời nào cũng phải làm mới có ăn. Đời nào tinh thần trách nhiệm cũng được đánh giá cao. Đời nào những đứa con bất hiếu cũng bị lên án...
Từ khi hiểu rằng, hai cha con có nhiều điểm chung hơn là sự khác biệt, chúng tôi có rất nhiều chuyện để chia sẻ với nhau. Sự khác biệt vẫn còn nguyên, nhưng nó không hề làm cha con xa cách.
Hoàng Minh Châu
Ý kiến
()