Chúng ta

Những người dũng cảm chọn nghề y

Thứ bảy, 27/2/2016 | 17:25 GMT+7

27/2 ngày của những thầy thuốc, ngày tôn vinh những con người dũng cảm. Dũng cảm ở sự dấn thân vào ngành nghề dẫu biết hào quang nhưng nhọc nhằn thầm lặng còn chất chứa nhiều hơn. Nghề được đo bằng nụ cười hân hoan của bệnh nhân được chữa khỏi, là những trăn trở trước một ca bệnh. Nghề cần thêm lắm những cảm thông từ người bệnh và xã hội.

Nghề y là công việc dễ mắc tai tiếng bậc nhất. Chúng ta, khi là những người bệnh hay thân nhân với sự âu lo tình trạng bệnh tật, những cơn đau hành hạ sẽ trở thành đối tượng dễ tổn thương. Thế nên, tiếng cáu gắt, cái chỉ tay của nhân viên y tế, cái gác chân lên ghế để ngủ dễ bị thu vào hình ảnh, ống kính để từ đó lan truyền trên mạng Internet với tốc độ tên lửa. Cư dân mạng trút xuống hàng tấn bình luận tiêu cực, chỉ trích, ai oán, ngao ngán bảy tỏ sự mất niềm tin vào y đức.

Không sai, ở bệnh viện ta dễ bắt gặp những tiếng cáu gắt hay khuôn mặt nhăn nhó in hằn những mệt mỏi sau ca trực dài. Cũng không phủ nhận câu chuyện bệnh viện quá tải, y bác sĩ phải chạy đua với danh sách dài bệnh nhân cần chăm sóc nên dịch vụ y tế chưa thể gọi tên là chỉn chu như mong đợi, thậm chí đã và đang gây thất vọng. Tuy nhiên, những người làm nghề y cũng vẽ nên bức tranh khác, những góc khuất thầm lặng, những câu chuyện bình dị mà ống kính chưa chạm đến được.

Có dịp xuôi về miền Tây tham gia đoàn đi mổ từ thiện Operation Smile Việt Nam, tổ chức phi chính phủ chuyên vá dị tật môi, hàm ếch miễn phí đã giúp tôi có trải nghiệm rất đỗi khác về ngành y. Tôi được vào phòng mổ chứng kiến ca phẫu thuật đóng lỗ thủng hàm ếch nặng kéo dài gần 90 phút. 8h 45 phút tối, ở ca mổ thứ 6 trong ngày, bác sĩ trưởng ca mổ vẫn đang tập trung cao độ hoàn thành những vết khâu cuối cùng. Dường như thế giới lúc ấy chỉ có đường kim mũi chỉ đang thêu dệt lại nụ cười mới cho em bé.

Giây phút ấy như bừng sáng trong tôi khi chứng kiến công việc các bác sĩ, khéo léo với từng đường kim mũi chỉ, tinh tế trong từng vết mổ để chỉnh sửa sự khiếm khuyết của tạo hóa. Các bác sĩ tay thoăn thoắt với đường may, dưới ánh đèn mổ, đang thực hiện thiên chức của mình mang một vẻ đẹp mê hoặc. Hệt như những nghệ sĩ, nhưng họ không thêu tranh, họ thêu dệt lại những nụ cười mới! Trong phòng mổ, mùi xylen và formol ngợp cả gian phòng có thể làm loạng choạng những người lần đầu bước vào phòng mổ như tôi. Bác sĩ mổ xuyên đêm, giờ giấc của họ thuộc về bệnh nhân và được đo bằng những phút đấu tranh cho ca mổ thành công.

Cũng trong ekip mổ ấy, có những cử chỉ giản dị hơn như vòng tay to lớn anh điều dưỡng nâng niu cô bé nhỏ, dỗ nín khóc sau ca mổ, bồng vào phòng hồi sức hết sức âu yếm: “Con ơi, được vào với mẹ rồi nè, đừng khóc nha”. Trong bóng chiều nơi hành lang ở một bệnh viện miền Tây, hình ảnh người thầy thuốc trở nên thật gần gũi như thế. Đó là một trong những lời ngọt ngào nhất, cử chỉ giản dị mà âu yếm nhất tôi may mắn chứng kiến.

Tôi còn biết ngoài đảo xa Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, nơi có người thầy thuốc xa nhà, xa quê tròn 30 năm bám đảo, bám biển để chăm sóc cho sức khỏe người dân đảo. Với những thiết bị y tế thiếu thốn, người bác sĩ của ngư dân đã lấy bàn sinh làm bàn mổ, dưới ánh đèn măng xông những năm 1990, phẫu thuật ruột thừa cho bệnh nhân. 30 năm xa vợ con, gắn bó với đảo xa vì ngư dân cần bác, 3 lần viết thư giữ bác ở lại với đảo.

Mắt vị bác sĩ sáng ngời khi kể về gia đình nhỏ ở Thái Bình. Đó như khoảng trời riêng mà mỗi lần chạm đến, bác không ngăn được niềm xúc động. Con trai và con gái bác đều đã trưởng thành, có con đường đi riêng.

Bác bảo bác sẽ nhớ mãi những vần thơ này, nhớ trong suốt ba mươi năm qua và trong cả phần đời còn lại. Những vần thơ đầy tự hào của cô con gái nhỏ tên Nhung viết tặng bác khi cô bé chỉ 10 tuổi, trong lần bố về thăm nhà. Những vần thơ đi kèm với chiếc khăn mùi xoa - “khăn để thấm nước mắt mỗi khi bố nhớ con” mà cô con gái nhét vội vào tay bố ngày ông trở vào Nam công tác. Những vần thơ sống động:

“Bố em ở xa lắm

Tận miền đảo xa xôi

Bố là bác sĩ đó

Cứu chữa cho bệnh nhân

Ngày đêm bố tất bật

Vì bệnh nhân mong chờ

Thương bố em phải cố

Học hành chăm thật chăm”

Còn có những công việc âm thầm như công việc bác sĩ pháp y ở Bệnh viện Chợ Rẫy, 30 năm “trò chuyện” với tử thi để mong tìm ra lời giải căn nguyên bệnh tật. Có những đêm bác sĩ mổ hơn 10 cái xác, đêm lạnh lẽo, chỉ có bác sĩ với những cái xác để đi tìm sự thật đằng sau cái chết, cung cấp thông tin để từ đó định hướng điều trị.

Thời gian của họ dành những lo toan, tiếng còi xe cấp cứu át luôn tiếng khóc của con trẻ ở nhà. Công việc của họ là túc trực bên bệnh nhân trong lúc có thể ở nhà con mình lên cơn sốt cao. Là những giờ trực hy sinh thời gian bên con cái. Là những dịp sum họp cả nhà nấu cho con cái một bữa cơm tối nóng hổi cũng trở nên quý giá.

27/2 ngày của những thầy thuốc, ngày tôn vinh những con người dũng cảm. Dũng cảm ở sự dấn thân vào ngành nghề dẫu biết hào quang nhưng nhọc nhằn thầm lặng còn chất chứa nhiều hơn. Nghề của những ca mổ căng như dây đàn khi bác sĩ là người nắm giữ sợi dây sinh mạng của con người. Nghề của những ca trực  xuyên đêm tất bật với tiếng còi xe cấp cứu bất kể dịp lễ, tết. Nghề y, nghề được đo của nụ cười hân hoan của bệnh nhân được chữa khỏi, là những trăn trở trước một ca bệnh. Nghề cần thêm lắm cảm thông từ người bệnh và xã hội.

Nguyễn Khánh Ly

Ý kiến

()