Chúng ta

Mù mờ trong cơn bão số

Thứ hai, 6/6/2016 | 10:22 GMT+7

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp tư nhân (tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam), đại diện World Bank đã tung ra một "quả bom": Năng suất lao động của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã giảm liên tục trong nhiều năm và cuối cùng rơi xuống bằng với năng suất lao động vốn đã yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước.

Và đây cũng là điểm khác biệt lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước của họ cũng lẹt đẹt chẳng kém Việt Nam, thì khối doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đang tiếp cận chuẩn mực của thế giới.

Có nhiều cách lý giải, trong đó dễ nhất là đổ cho cơ chế và bị chèn ép. Bản thân World Bank lý giải là do quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước đã mang sự yếu kém về năng suất từ khối nhà nước sang khối tư nhân, hay nói cách khác, tư nhân hóa không hiệu quả. Tôi có một giả thiết khác, năng suất không tăng được, chủ yếu là do sự chậm trễ của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Và theo tôi, người cản trở ứng dụng công nghệ nhất ở ta lại chính là những người khoác áo "chuyên gia công nghệ".

Trên một diễn đàn khởi nghiệp cuối năm ngoái ở TP HCM, tại phiên thảo luận ở hội trường, một cô gái vốn đang có chục cửa hàng bán quần áo khá tốt, nhờ tôi tư vấn xem nên đi tiếp thế nào. Tôi đề xuất, nên xem xét đưa các sản phẩm “lên mây” (bán hàng trực tuyến). Cô gái cho hay, đã nghĩ đến điều đó và có nhờ một công ty chuyên về giải pháp công nghệ tư vấn làm website nhưng họ đòi tới 400 triệu đồng. Cô gái chần chừ bởi giá đó "hơi nặng" đối với một doanh nghiệp start-up. Tôi hỏi, ở hội trường, có bạn nào làm về công nghệ thông tin không? May quá, có một cánh tay. "Nếu là yêu cầu của bạn gái kia, thì em sẽ ra giá bao nhiêu". "Em chỉ xin một chầu cafe".

400 triệu đồng và một chầu cafe! Các bạn công ty đòi 400 triệu không sai vì đó là giá thị trường, thuận mua vừa bán. Bạn xin chầu cafe kia cũng chẳng có phép thần, chẳng qua bạn ấy biết là có thể chỉ cho cô gái kia cách cô ấy tự xây dựng cửa hàng trên mây của mình. Cô gái chủ doanh nghiệp nọ, thì chỉ vì quá phụ thuộc vào chuyên gia, mà suýt bỏ lỡ cơ hội mở rộng kinh doanh.

Những thuật ngữ mà cách đây 10 năm còn rất cao siêu như: ERP, thương mại điện tử, chính quyền điện tử, e-learning... giờ trở nên thông dụng, và bất cứ ai có đủ dũng khí học cũng có thể làm chủ dễ dàng mà không cần đến các chuyên gia công nghệ thông tin. Vấn đề không phải là xây dựng nền tảng, mà tìm cách tạo giá trị trên những nền tảng đang được cung cấp, đa phần là miễn phí hoặc với một chi phí rất thấp.

Từng là doanh nhân chuyên về công nghệ thông tin, tôi nhận ra câu chuyện kiểu như 400 triệu đồng và một chầu cafe đáng tiếc có ở khắp nơi. Các chuyên gia, tại các cục, phòng, ban công nghệ thông tin của nhà nước, tại các doanh nghiệp chủ đạo… thay vì đi tìm những lời giải đơn giản để mau chóng nâng cao năng suất lao động, thì tới tấp đưa ra những đề án dày cộp, chứa đầy các thuật ngữ, làm rối trí tầng lớp lãnh đạo vốn đang mù mờ trong cơn bão số. Tôi hiểu rằng, các đề án chứa càng nhiều thuật toán càng dễ gây hỏa mù với các doanh nghiệp không chuyên và càng dễ kiếm được tiền lớn.

Rất nhiều đề án lớn đang chờ phê duyệt với kinh phí khủng và những gì họ vẽ ra thật hoành tráng, trong khi cuộc sống thực có biết bao người cần một giải pháp đơn giản hơn như cô gái chủ shop quần áo nọ.

>> FPT cam kết giúp TP HCM dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()