Chúng ta

Hãy sống tốt hôm nay đi đã

Thứ năm, 9/6/2016 | 14:28 GMT+7

Nhức đầu quá với những cuộc tranh luận trên bàn phím. Vì khi bấm phím, người ta có thời gian để suy nghĩ và do đó, những cuộc tranh luận sẽ chẳng bao giờ có hồi kết. 

Vấn đề đơn giản chỉ là quan điểm. Hãy nghĩ xem, hai đường thẳng song song cho dù có vẽ hoa lá hẹ gì trên ấy rồi cuối cùng cũng chẳng thể giao nhau. Việc gì phải cố công cự cãi khi biết trước kết quả, khi trong tim mỗi người luôn luôn có những đáp án cho riêng mình.

Bạn có thấy rằng khi mạng xã hội càng phát triển thì những cuộc phím luận diễn ra với tần suất liên tục, hằng ngày, thậm chí là hằng giờ. Những ngày gần đây, người ta liên tục bàn tán việc ông Bob Kerry giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tín thác ĐH Fullbright. Có người phản đối, người tán đồng. Và những cuộc tranh cãi diễn ra. Rồi nó bắt đầu đi xa hơn. Bản thân tôi là một người khách quan trong vấn đề này, chỉ thấy ai cũng có cái đúng của người đó. Những lý lẽ đều sắc bén và đáng để lưu tâm. Cũng như việc Tổng thống Mỹ Barack Obama sang Việt Nam. Trong khi nhiều người hồ hởi thì cũng không ít người nói mình thờ ơ với sự kiện. Họ có những luận điệu của họ. Tôi cũng hoàn toàn tôn trọng. Và luôn tìm thấy những điều hợp lý trong cách giải thích của một số nhân vật.

Song tất nhiên, tôi không đồng tình tất cả. Tôi sẽ nhấn nút “hủy kết bạn” trên mạng xã hội với những người quá cay độc trong suy nghĩ, đầu óc không chịu rộng mở, cũng không muốn lắng nghe ai. Tất nhiên mọi người đều có quyền có suy nghĩ của mình. Nhưng việc xem mình là cha thiên hạ và áp đặt hoàn toàn lại là chuyện khác. Tôi không ngại khi nhấn nút “hủy” bởi tôi không muốn vây quanh mình bằng những từ ngữ, nội dung không có tính xây dựng mà lợi dụng sự kiện để bài xích hay thể hiện sự “cá tính” của bản thân khi đi ngược với số đông. Và tôi cũng không cho đó là cá tính.

Thế giới biến đổi mỗi ngày. Đôi khi suy nghĩ của chúng ta cũng biến chuyển từng giây từng phút. Trong một thế giới mở với Internet và mạng xã hội trở thành công cụ tuyệt vời để kết nối mọi người với nhau, vô hình bản thân nó ai cũng hiểu trở thành con dao vô cùng nguy hiểm. Nó có thể giết chết bất cứ mối quan hệ nào, bất cứ lúc nào. Nó cũng có thể giết chết một tâm hồn, trong bất cứ giai thoại nào. Bởi qua bàn phím, người ta được tiếp thêm hàng ngàn dũng khí đôi khi lại như con yêu quái quẩn quanh khiến mọi người dễ dàng đánh mất chính mình và sa đà vào những thứ vô nghĩa, những cuộc tranh luận không có hồi kết. Và máu đổ trên những chiếc màn hình. Và mồ hôi rơi trên những gương mặt. Những vầng trán nhăn lại. Những gương mặt cau có hơn. Tôi đã chứng kiến những trường hợp như thế và thật sự đã có chút e dè.

Tôi đã có nhiều lần đóng mạng xã hội vì mệt mỏi với những cuộc chiến như thế, cho dù mình chỉ là người ngoài cuộc. Thì nhấn nút “hủy kết bạn” hay “không theo dõi” cũng ổn thôi. Nhưng đôi lúc tôi đóng vì muốn bình tâm lại bởi thấy mình đang dần bị cuốn theo nó. Hai năm trước, cũng thời gian này, tôi đóng Facebook cá nhân vì mệt mỏi với việc nghe những bình luận không hay của người này người kia về đội tuyển Đức tôi yêu tại World Cup. Tôi không chịu nổi việc nghe người khác “đá đểu” những người đàn ông mà tôi yêu quý. Rồi một người anh đã nói với tôi, dù thế nào thì em đã chọn đi con đường này (báo chí) thì nhất định không được rời mạng xã hội. Tôi thấy anh nói đúng. Nhưng đôi khi tôi cũng thấy vô lý lắm. Tôi không thể nghỉ một ngày không lên mạng xã hội ư? Và rồi cuộc sống của tôi bị phụ thuộc hoàn toàn vào nó?

Rồi tôi chợt phát hiện, không hẳn thế. Đơn giản là hãy cứ mở rộng lòng mình. Hãy lắng nghe và tiếp thu. Khi nào không thể thì “nhấn nút”. Khó chịu thì “nghỉ chơi” vài ngày. Quan trọng là cuộc sống, niềm đam mê và ước mơ mà tôi đang nắm giữ. Tôi biết mình sẽ vẫn mệt đầu với những câu chuyện của hôm nay, của quá khứ hay của ngày mai. Nhưng có sao đâu. Hãy cứ sống tốt ngày hôm nay, của chính tôi đi đã.

Trương Yến Nhi

Ý kiến

()