Chúng ta

Câu chuyện chiếc rìu

Thứ hai, 8/5/2017 | 10:37 GMT+7

Sai lầm của chúng ta chính ở quan niệm "ra trường tức là đã học xong", mà không ý thức được cái sự học chẳng bao giờ kết thúc và phải là công việc của cả đời.

Có một chàng trai khoẻ mạnh được nhận vào làm việc tại một cơ sở khai thác gỗ. Ông chủ đưa cho anh một chiếc rìu và yêu cầu đi chặt cây. 

Phấn khích vì công việc mới, trong tuần đầu tiên, anh chặt được 100 cây. Ông chủ hết lời khen ngợi. Được cổ vũ bởi lời khen của ông chủ, tuần thứ hai, anh cố gắng hơn nữa. Nhưng kết quả chỉ chặt được 90 cây.

Tuần thứ ba, anh quyết tâm lấy lại phong độ, nhưng số gỗ chặt được cũng chỉ là 80 cây. Rồi tuần thứ tư, dù đã cố gắng đến kiệt sức, anh cũng chỉ chặt được 70 cây. Anh rất buồn và nói với ông chủ: "Tôi đã rất cố gắng, nhưng kết quả ngày càng tệ đi. Có lẽ, sức khoẻ của tôi không thích hợp với công việc này". "Đã bao lâu rồi, anh chưa mài chiếc rìu của mình?", ông chủ hỏi anh. "Tôi bận suốt ngày chặt cây, nên không có thời gian để mài rìu".

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta chỉ biết cắm đầu vào công việc mà quên, phải thường xuyên mài sắc chiếc rìu của mình. Một số bạn trẻ sau khi ra trường, dù rất cố gắng nhưng thành tích sau nhiều năm vẫn dẫm chân tại chỗ. Thường, họ chỉ biết phàn nàn cấp trên không quan tâm giúp họ thăng tiến, mà không để ý rằng chiếc rìu kiến thức của mình đang bị cùn đi.

Trước đây tôi không hiểu vì sao, so với phương Tây, người Việt chúng ta lúc đi học thì giỏi hơn, khi ra làm việc lại kém hơn. Nghe có vẻ vô lý, nhưng đó là một thực tế. Chỉ sau này tôi mới biết nguyên nhân: đối với hầu hết người Việt Nam, sự học hành đã dừng lại sau khi ra trường. Sai lầm của chúng ta chính ở quan niệm "ra trường tức là đã học xong", mà không ý thức được cái sự học chẳng bao giờ kết thúc và phải là công việc của cả đời.

Không có chiếc rìu nào, chỉ mài một lần mà sắc mãi mãi.

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()