Nhận được thông tin Tổ chức Giáo dục FPT tổ chức cuộc thi Hackathon, Vũ Đăng Nhân nhanh chóng tập hợp đồng đội và đăng ký tham gia. Bốn thành viên của đội đều đang theo học tại ĐH trực tuyến FUNiX.
Chia sẻ về việc hình thành ý tưởng hệ thống “Theo dõi chỉ số sinh tồn từ xa”, Đăng Nhân cho biết anh có 8 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y tế. Nhận thấy bệnh viện được trang bị rất nhiều máy Monitor (máy đo các chỉ số sinh tồn của con người) có cổng kết nối COM với máy tính nhưng dùng hệ thống dây phức tạp, vướng víu, không thuận tiện trong chăm sóc bệnh nhân. Chàng y sĩ trẻ tuổi trăn trở "Tại sao mình không làm một hệ thống hỗ trợ công việc này''.
''Bộ tứ Codefight'' từ trái qua: Nguyễn Văn Duy (1998), Phạm Khánh Huy (1997), Nguyễn Hoàng Long (2000) và Vũ Đăng Nhân (1992). |
Sau hơn một tháng nghiên cứu, nhóm lắp đặt thêm một thiết bị kích cỡ nhỏ như điện thoại phía sau máy Monitor cho phép gửi thông tin dữ liệu sang máy tính chủ thông qua kết nối không dây. Ứng dụng Fx04 sẽ hiện đại hóa công tác theo dõi bệnh nhân, có ý nghĩa trong công tác tiên lượng, chẩn đoán và điều trị. Việc cài đặt Fx04 trên máy tính giúp theo dõi lịch sử, diễn biến bệnh nhân từ đó có thể đưa ra phân tích, phương pháp điều trị phù hợp.
''Tôi nghĩ trong tương lai, Fx04 cùng với hệ thống Bệnh án điện tử và phần mềm Quản lý bệnh viện (đang được thử nghiệm tại một số tỉnh/thành) sẽ tạo nên một hệ thống IoT trong lĩnh vực y tế", Đăng Nhân kỳ vọng.
Đánh giá về ứng dụng, Trưởng ban Công nghê cuộc thi FPT Edu Hackathon 2018 Phan Trường Lâm nhận xét: "Tôi rất ấn tượng với ý tưởng ứng dụng theo dõi các chỉ số sinh tồn từ xa của đội Bộ tứ Codefight (ĐH FUNiX) bởi tính hiện thực hóa của nó rất cao''.
Hiện tại, nhóm hoàn thành xong phần cứng của Ứng dụng Fx04. Tuy nhiên, phần thuật toán đang trong quá trình hoàn thiện. Trận Chung kết FPT Edu Hackathon 2018 với sự tham gia của 14 đội sẽ phân định ngôi vị vào chiều nay (ngày 10/6) tại ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội.
Hackathon là một sự kiện mà các lập trình viên, cùng những người liên quan trong ngành phát triển phần mềm như các nhà thiết kế đồ họa, thiết kế giao diện, quản lý dự án sẽ hợp tác với nhau trong thời gian ngắn để hoàn thành một dự án phần mềm. FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên của Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu), được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. Các thí sinh sẽ thi đấu theo đội, mỗi đội gồm 3-4 người. Cuộc thi có 2 bảng đấu với hệ thống giải thưởng riêng biệt và trải qua 3 vòng thi: vòng ý tưởng, vòng sơ loại và vòng chung kết. |
Thanh Tùng - Diệu Anh
Ý kiến
()