Chúng ta

Săn thuốc mới bằng trí tuệ nhân tạo

Thứ ba, 31/12/2019 | 15:00 GMT+7

Insitro, một trong 50 công ty AI tiềm năng nhất Mỹ, là đứa con tinh thần của Daphne Koller, đang hướng tới mục tiêu tìm thuốc mới thông qua lọc khối lượng dữ liệu khổng lồ. Nếu thành công, công ty này có thể đảo lộn cách thức các nhà khoa học sáng chế ra những loại thuốc mới.

Không phải nhà khoa học nào cũng được xin chụp hình chung, nhưng đây là một lệ thường với Daphne Koller. "Điều này hay xảy ra tại những sự kiện có sự hiện diện của giới công nghệ", bà nói khi được hỏi về những bức ảnh gần đây nhất. "Việc này có hơi ngại, như thể đó là đối đãi tôi không xứng được nhận vậy".

Các bức ảnh chỉ là một trong những dấu hiệu chỉ ra độ nổi tiếng của Daphne Koller. Trong hơn 20 năm làm cầu nối cho các ngành khoa học máy tính, sinh học và giáo dục, bà đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể: được Đại học Hebrew của Jerusalem trao bằng thạc sĩ ở tuổi 18, trở thành giáo sư ngành máy học của Đại học Stanford vào năm 26 tuổi và gần 10 năm sau đó giành Giải Thiên tài (Genius Grant) của quỹ MacArthur nhờ công trình nghiên cứu kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ gen học.

ai-thuoc-6563-1577865546.jpg

Trong hơn 20 năm làm cầu nối cho các ngành khoa học máy tính, sinh học và giáo dục, Daphne Koller đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Ảnh: FT


Koller cũng là nhà đồng sáng lập Coursera, một nền tảng giáo dục cho phép tất cả các cá nhân trên toàn thế giới được tham gia các lớp học trực tuyến miễn phí.

Bước đi tiếp theo của Koller là Insitro, một công ty đặt trụ sở tại San Francisco hướng tới mục tiêu tìm thuốc mới thông qua lọc khối lượng dữ liệu khổng lồ. Nếu thành công, công ty này có thể đảo lộn cách thức các nhà khoa học sáng chế ra những loại thuốc mới.

Thông thường các chuyên viên phòng thí nghiệm sẽ tập trung chọn một số loại protein nhất định làm mục tiêu. Nếu thất bại, họ sẽ thử qua các loại khác. Ngược lại, Insitro lại muốn thu thập thật nhiều thông tin trước khi bắt đầu "săn lùng" thuốc, với mục tiêu tận dụng những ưu thế của kỹ thuật sinh học (chẳng hạn như phương pháp Crispr dùng trong chỉnh sửa gen) và phần mềm cho phép nhìn thấy những gì con người có thể bỏ qua.

Koller giải thích: "Máy học hiện có thể làm được nhiều điều tuyệt vời nếu có đủ dữ liệu. Chúng ta cuối cùng đã có cơ hội tạo nên thông tin công nghệ sinh học ở quy mô lớn". Cụ thể hơn, các chuyên gia máy tính và sinh học của Insitro làm việc với nhau trong các thí nghiệm để tạo ra các bộ dữ liệu được sản xuất riêng với quy mô lớn, sau đó họ sẽ dùng các mô hình máy học để tìm ra các đặc điểm rồi đưa ra gợi ý các thí nghiệm và liệu pháp tiềm năng.

Quá trình này còn có sự giúp sức của các rô bốt nhằm giảm tỷ lệ lỗi gây ra do con người. Nhờ vậy, Insitro có thể "làm thí nghiệm trong nhiều tuần, thậm chí nhiều năm", Koller cho biết.

Sự kết hợp giữa AI, sinh học cùng hồ sơ "khủng" của Koller đã trở thành một sự kết hợp hoàn hảo trong mắt các nhà đầu tư. Chỉ trong 6 tháng, Insitro đã gọi được 100 triệu USD từ công ty đầu tư mạo hiểm như ARCH Ventures, Andreessen Horowitz, Foresite Capital, quỹ GV của Alphabet, công ty mẹ của Google và không lâu sau là sự tham gia của "người giàu nhất hành tinh" Jeff Bezos.

Tháng 4/2019, Insitro ký hợp đồng với Gilead Sciences, trong đó công ty sẽ nhận ngay 15 triệu USD và sẽ nhận 1 tỉ USD tiếp theo nếu nó trợ giúp việc tìm kiếm phương thuốc chữa trị cho một dạng gan nhiễm mỡ gây chết người, loại bệnh được dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân chính khiến các bệnh nhân phải phẫu thuật cấy gan.

"Rất ít người có thể hiểu được cả hai mặt sinh học và công nghệ của con quái vật này", Mani Subramanian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lâm sàng gan của Gilead nhận định.

Tương lai quan hệ hợp tác giữa Insitro và Gilead phụ thuộc vào việc liệu công ty có thể xác định được 5 loại protein làm thuốc và liệu các protein này có thể dẫn đường cho một liệu pháp chữa bệnh được chấp thuận hay không.

Những khoản thu hiện tại, trong đó bao gồm doanh thu được chia từ các loại thuốc phát triển thành công, đã giúp Insitro bước chân vào danh sách 50 công ty AI tiềm năng nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes bình chọn.

Tuy nhiên, AI sẽ không khiến cho ngành sinh học dễ chinh phục hơn. "Tôi không nghĩ đây là một nền tảng kỳ diệu", Koller nói. Trước khi thu được quả ngọt, Insitro sẽ cần thực hiện hàng ngàn thí nghiệm phát triển thuốc.

Insitro không phải trường hợp đơn lẻ. Khoảng hơn 20 khởi nghiệp khác cũng đang theo đuổi giấc mơ phát hiện ra các loại thuốc mới nhanh và rẻ hơn bằng công nghệ AI. Trong đó đó có Notable Labs, đã thu hút được 55 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm; Verge Genomics cũng thu hút 36 triệu USD. Thị trường cũng ghi nhận những cú bắt tay giữa các startup và những gã khổng lồ công nghệ: Novartis tuyên bố hợp tác 5 năm với Microsoft; Merck kết hợp với GSK...

Máy tính lượng tử và AI đang khiến cho ngành nghiên cứu y tế dậy sóng, với một trong số những doanh nghiệp nổi bật nhất là Illumina. Những cỗ máy của công ty đã giúp giảm chi phí xử lý bộ mã gen từ 10 triệu USD năm 2007 xuống còn 1.000 USD, đồng thời thay đổi cách tầm soát và nghiên cứu ung thư.

"Chúng ta đang di chuyển từ một thế giới lựa chọn thuốc cho bệnh nhân dựa trên những suy đoán bằng chuyên môn sang sàng lọc bằng thông tin", Gary Robinson, Giám đốc công ty quản lý danh mục đầu tư trị giá 260 tỉ USD Baillie Gifford, cho biết.

>> Một thập kỷ trí tuệ nhân tạo xâm lấn và thống trị mọi lĩnh vực

Hải Ninh (Theo Forbes)

Ý kiến

()