Chúng ta

‘Mobile là xu hướng thiết yếu trong thương mại điện tử’

Thứ hai, 15/6/2015 | 09:07 GMT+7

Tại buổi trao đổi với chủ đề “Doanh nghiệp thương mại điện tử trước cơn sóng mobile” trong khuôn khổ Mobile day 2015, các diễn giả đến từ Sendo, Tiki và Haravan đã đưa ra những góc nhìn riêng về xu hướng này và tác động của nó.

Xu hướng làm thương mại điện tử trên mobile đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi các thiết bị di động giờ đây đã trở thành vật “bất ly thân” của mọi người trên toàn thế giới. Theo anh Nguyễn Sơn Tùng, Giám đốc sản phẩm của Tiki, từ năm 2013, công ty này đã làm bản Tiki mobile app nhằm phát triển những app điện thoại liên quan đến nhu cầu trực tiếp của người dùng. Tiếp đó, năm 2015, Tiki cũng xây dựng app mới để phục vụ tốt hơn cho khách hàng của mình. “Mục đích của chúng tôi là mang đến những trải nghiệm nhanh và mượt cho người tiêu dùng”, anh Tùng nhấn mạnh.

Anh Huỳnh Lâm Hồ, CEO Haravan, cho rằng, hiện nay số lượng người dùng điện thoại di động là rất “khủng”, nhưng việc họ có sẵn sàng cài app hay không lại là một vấn đề khác. “Tất nhiên, mobile là xu hướng trong kinh doanh. Làm thương mại điện tử trên di động sẽ giúp giảm đáng kể chi phí. Thời gian tới chắc chắn Haravan sẽ hướng tới mobile nhiều hơn”, anh Hồ chia sẻ.

1-8795-1434254522.jpg

Mobile day 2015 tại TP HCM được tổ chức tại tòa nhà FPT Tân Thuận, quận 7, thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng công nghệ. Ảnh: FPT Telecom

Sendo cũng có những kế hoạch rất cụ thể trước làn sóng di động đang bùng lên mạnh mẽ. “Sẽ có một thế hệ ở châu Á không còn biết đến PC mà chỉ biết đến mobile”, anh Nguyễn Phương Hoàng, Phó TGĐ Sendo, khẳng định. Tại thời điểm này năm ngoái, Sendo đã tung ra app mobile dành cho người bán. Nhờ đó, thời gian xử lý các đơn hàng của sàn thương mại điện tử này giảm đáng kể cùng với chi phí. Lượng traffic trong quý 4 của năm ngoái ở Sendo đã tăng gấp 4 lần so với quý 2 - thời điểm mobile friendly chưa được đưa ra ứng dụng.

“Cụm từ “mobile on the way” trở nên rất thông dụng. Di động đã trở thành thiết bị đồng hành và kết dính trong con người chúng ta. Và thương mại điện tử cũng không nằm ngoài sự kết dính của di động”, anh Huỳnh Lâm Hồ bày tỏ.

“Các lập trình viên thường rất khó khăn khi đưa ra thị trường một sản phẩm mobile vì họ không có danh tiếng. Vậy các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn như Tiki, Sendo hay Haravan có gặp những khó khăn như vậy khi bước chân vào mảng mobile?”, một khán giả đưa ra câu hỏi.

Theo CEO Haravan, doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng đều phải đối mặt với thách thức đó. Bởi doanh nghiệp nhỏ thì cần sự biết đến, doanh nghiệp lớn cần sự biết đến rộng rãi hơn. “Đó là bài toán sống còn của mọi doanh nghiệp. Vì thế, cần phải tìm nơi có nền tảng tốt để đưa sản phẩm ra thị trường, đừng nên đi một mình”, anh Hồ diễn giải.

2-1521-1434254522.jpg

Các diễn giả Nguyễn Sơn Tùng (Tiki), Nguyễn Phương Hoàng (Sendo) và Huỳnh Lâm Hồ (Haravan) trình bày về xu hướng mobile trong thương mại điện tử tại Mobile day 2015. Ảnh: FPT Telecom

Đối với thanh toán di động, anh Nguyễn Phương Hoàng cho biết, khó khăn trong vấn đề này bắt nguồn từ hệ thống thanh toán ở Việt Nam hiện nay chưa tốt, thể hiện qua trải nghiệm của người dùng và mức phí. COD (thanh toán trực tiếp) đang là giải pháp được hầu hết doanh nghiệp thương mại điện tử áp dụng trong phương thức thanh toán của mình. Tuy nhiên, theo Phó TGĐ Sendo, nền thương mại điện tử muốn đi lên phải tiến dần đến việc thanh toán trước, vì những cách cũ gây bất lợi khá lớn cho người bán.

Anh cũng đưa ra những số liệu rất đáng quan tâm là thanh toán online chiếm đến 100% các thanh toán ở Mỹ, và chiếm 70% tại Trung Quốc, trong khi tại Sendo, con số này là 1%. 

“Điều quan trọng mà các doanh nghiệp thương mại điện tử phải quan tâm lúc này chính là làm tốt hơn công việc của mình để củng cố lòng tin của người tiêu dùng, nhằm nâng cao khả năng thanh toán online, thậm chí là thanh toán mobile, trước làn sóng mobile đang lan rộng mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, anh Hoàng chia sẻ.

Yến Nhi

Ý kiến

()