Tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế” (HIF 2025), do Tập đoàn FPT và Pharma Group đồng tổ chức ngày 6/6, nhiều lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực công nghệ và y dược đã cùng lên tiếng về cơ hội “cất cánh” của ngành dược Việt Nam trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.
![]() |
Diễn đàn đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế là không gian đối thoại đa chiều giữa các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp y dược, doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Phát biểu tại diễn đàn, anh Bình nhấn mạnh, đây là thời điểm đất nước cần tận dụng sức mạnh đổi mới sáng tạo để vươn mình và đạt được những mục tiêu táo bạo. Anh khẳng định: “Việt Nam có thể trở thành trung tâm kiểm thử lâm sàng lớn nhất thế giới.” Đây không chỉ là một kỳ vọng mà còn là một lời kêu gọi hành động, đặt nền móng cho những thay đổi mang tính đột phá trong lĩnh vực y tế.
Theo Chủ tịch FPT, đây là thời điểm mà Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình với những giấc mơ lớn, khát vọng lớn. Những thành tựu gần đây về dữ liệu quốc gia là minh chứng rõ ràng cho tinh thần này
"Việt Nam đã triển khai dữ liệu căn cước công dân chỉ trong vòng 7 tháng. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế của người dân,” anh dẫn chứng.
Để hiện thực hóa những giấc mơ lớn trong lĩnh vực y tế, anh Bình cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào ba trụ cột chính: cơ chế, đổi mới sáng tạo và hợp tác công - tư.
Nguồn lực quan trọng nhất của Việt Nam chính là con người
Ở trụ cột đầu tiên, anh Trương Gia Bình cho rằng đã đến lúc Việt Nam từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" để chuyển sang coi cơ chế là sức mạnh cạnh tranh quốc gia. Theo anh, năng lực cạnh tranh trong y tế chính là khả năng giúp người dân tiếp cận dịch vụ và sản phẩm tốt nhất, sớm nhất.
Một minh họa rõ nét là việc tiếp cận thuốc mới. Trong 10 năm qua, Việt Nam có 460 loại thuốc mới được lưu hành, nhưng tỷ lệ tiếp cận của người dân chỉ đạt 9%, trong khi con số này tại Nhật Bản là 51%.
“Mục tiêu của chúng ta phải là nâng tỷ lệ tiếp cận từ 9% lên 51%, để người Việt có thể tiếp cận thuốc mới nhanh như người dân Mỹ hay Nhật Bản,” anh Bình khẳng định. Theo Chủ tịch FPT, đây không chỉ là mong muốn mà cần được đặt thành mục tiêu quốc gia, để cơ chế chính sách được thiết kế phù hợp và triển khai quyết liệt.
![]() |
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: "Chúng ta chỉ có thể sánh vai với các quốc gia tiên tiến khi đầu tư vào những ngành công nghiệp tiên tiến nhất, trong đó có dược phẩm". |
Trụ cột thứ hai là đổi mới, với trọng tâm là xây dựng ngành dược phẩm sáng tạo. Người đứng đầu FPT nhắc lại thông điệp của Thủ tướng tại Davos đầu năm nay khi gặp gỡ các tập đoàn dược phẩm toàn cầu: Việt Nam quyết tâm đi vào công nghệ cao, phát triển lực lượng lao động trình độ cao về CNTT và AI.
Hiện nay, Việt Nam đã có khoảng 1 triệu kỹ sư CNTT và đặt mục tiêu có 500.000 nhân lực thành thạo AI. “Nguồn lực quan trọng nhất của Việt Nam chính là con người”, anh Bình nhấn mạnh. Với hạ tầng công nghệ sẵn có, cùng các chính sách hỗ trợ như Nghị quyết 59, anh tin rằng Việt Nam có thể tiến xa trong ngành y tế.
Chủ tịch FPT cũng đề xuất ý tưởng hợp tác giữa các doanh nghiệp dược phẩm và công nghệ để sản xuất thuốc mới dựa trên AI. Với nền tảng công nghệ hiện có cùng các chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục các đỉnh cao mới trong ngành dược.
Trụ cột cuối cùng là phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, như đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết 68. Anh Bình kêu gọi sự liên kết chặt chẽ giữa các công ty dược phẩm, bệnh viện, bác sĩ và dược sĩ trên nền tảng dữ liệu chung.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hồ sơ khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế, như Việt Nam đã làm với dữ liệu căn cước công dân trong 7 tháng, là một minh chứng cho tiềm năng này.
Để thực hiện, cần đào tạo một lực lượng lao động mới, vừa thông thạo CNTT, AI, vừa am hiểu hóa học, sinh học. Đây sẽ là đội ngũ dẫn dắt ngành y tế Việt Nam chinh phục những đỉnh cao mới.
“Chúng ta chỉ có thể sánh vai với các quốc gia tiên tiến khi đầu tư vào những ngành công nghiệp tiên tiến nhất, trong đó có dược phẩm”, Chủ tịch FPT khẳng định.
![]() |
Các đại biểu tham gia phần tọa đàm. |
Trong sự kiện, anh Hoàng Việt Anh, Chủ tịch FPT Digital, bổ sung góc nhìn toàn cầu rằng: Ngành dược đang bước vào kỷ nguyên GenAI – công nghệ có thể thay đổi toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiên cứu đến phân phối.
Anh dẫn chứng, trong giai đoạn 2024–2029, đầu tư AI vào dược phẩm dự kiến tăng trưởng 42,68%/năm, đạt quy mô 18 tỷ USD. GenAI có thể mang lại giá trị lên tới 110 tỷ USD mỗi năm cho ngành dược toàn cầu.
Theo anh Hoàng Việt Anh, có hai ứng dụng then chốt gồm: Rút ngắn thời gian nghiên cứu thuốc mới: Công nghệ AI đã giúp một công ty như Insilico Medicine đưa thuốc mới vào thử nghiệm trong 18 tháng với chi phí chỉ bằng 10% thông thường; Tối ưu thử nghiệm lâm sàng: Digital Twin và AI có thể giảm 50% chi phí và thời gian thử nghiệm tới 12 tháng.
Tại Việt Nam, ba “nút thắt” cần được tháo gỡ là: Dữ liệu y dược phân mảnh, khó truy xuất nguồn gốc thuốc và thời gian thử nghiệm lâm sàng còn dài. Tuy nhiên, lãnh đạo FPT Digital cho rằng vẫn có một cơ hội rõ ràng là biến Việt Nam thành điểm đến AI cho ngành dược khu vực.
Trong khi đó, anh Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT, cho rằng AI sẽ tạo ra “bước nhảy vọt” trong chăm sóc sức khỏe thông qua khả năng xử lý dữ liệu khổng lồ và cá thể hóa dịch vụ y tế. Việt Nam có hai cơ hội chiến lược: Một là trở thành trung tâm thử nghiệm thuốc mới nếu xây dựng được hệ thống dữ liệu y tế và áp dụng AI sâu rộng; hai là phát triển mô hình khám chữa bệnh từ xa, giải quyết bài toán y tế cơ sở, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ.
Anh Tú cũng cho biết, Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư là nền móng để triển khai chăm sóc sức khỏe thông minh. Tập đoàn FPT sẵn sàng phối hợp với Chính phủ, startup, viện nghiên cứu để hiện thực hóa tầm nhìn này.
T.P
Ý kiến
()