Chúng ta

IoT chiếm gần 50% ngân sách CNTT vào năm 2020

Thứ bảy, 11/6/2016 | 15:47 GMT+7

Nghiên cứu của Machina Research chỉ ra, đến năm 2020, các doanh nghiệp sẽ dành 44% ngân sách CNTT để phát triển và duy trì các dự án IoT.

Trong danh sách 200 doanh nghiệp được khảo sát có rất nhiều tên tuổi lớn như IBM, HP, Accenture hay Oracle... Điều này cho thấy IoT sẽ là xu hướng phát triển trong những năm sắp tới.

Theo báo cáo của Machina Research, hãng chuyên nghiên cứu về Machine-to-Machine (M2M), Big Data và chiến lược thị trường xoay quanh xu hướng mới nổi "Internet of Things", có tới 60% doanh nghiệp đang tiến hành các dự án IoT nội bộ và 76% doanh nghiệp sẽ triển khai các mục tiêu ngắn hạn (trong vòng 2 năm) về việc tích hợp các giải pháp IoT mới với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có.

Trong đó, 48% khẳng định các dự án IoT đang đem lại những lợi ích nhất định và sẽ mở rộng phạm vi ứng dụng IoT ngay trong năm nay. Dự kiến, đến năm 2020, các doanh nghiệp sẽ dành 44% ngân sách công nghệ thông tin để phát triển và duy trì các dự án IoT. Điều này cho thấy nhu cầu các dịch vụ và ứng dụng IoT đang tăng cao.

fpt-iot-1394-1465612875.jpg

Chính thức ra mắt tại Ngày Công nghệ FPT 2016, thiết bị điều khiển thông minh Rogo Alfa do Nhóm phát triển sản phẩm IoT của Ban Công nghệ Tập đoàn FPT đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới công nghệ. Ảnh anh Lê Ngọc Tuấn  (thứ hai từ trái qua), Trưởng phòng IoT, Ban Công nghệ FPT, đang giới thiệu sản phẩm với TGĐ Bùi Quang Ngọc và các khách mời. 

Hiện, IBM, HP, Tech Mahindra, Wipro, Accenture và một số hãng phần mềm doanh nghiệp như Salesforce, Oracle được đánh giá là những nhà đầu tư lớn trên lĩnh vực tích hợp các hệ thống IoT.

Nhiều nhà khai thác mạng di động cũng nằm trong danh sách khảo sát của Machina Research. Tuy nhiên, chỉ có 8% cho biết sẽ coi IoT là lĩnh vực cung cấp dịch vụ chính từ sau năm 2020.

Mạng lưới " Internet of Things" (IoT - Internet kết nối vạn vật) là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật được cung cấp một định danh riêng, có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua Internet mà không cần đến sự tương tác trực tiếp với con người.

IoT phát triển trên ba nền tảng: công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Đây là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và thế giới bên ngoài.

Thế giới cũng đang nở rộ các thiết bị công nghệ IoT mới như: Dropcam, chiếc máy quay phim kết nối Wi-fi và cho phép người dùng điều khiển thông qua smartphone; vòng đeo tay Jawbone có thể đo nhịp tim để kiểm tra sức khỏe, theo dõi giấc ngủ, hoạt động tập thể dục và vấn đề ăn uống; thiết bị ổn nhiệt thông minh Nest cho phép chủ nhà điều chỉnh nhiệt độ phòng chỉ với một chiếc smartphone...

iot-fpt-1682-1465612875.jpg

Trưởng phòng IoT, Ban Công nghệ FPT, cho biết, Rogo Alfa là một thiết bị trung tâm, dễ dàng kết nối với điện thoại thông minh (qua App Rogo Alfa) để điều khiển trực tiếp các thiết bị điện tử trong nhà. Đây là sản phẩm điều khiển thiết bị thông minh kết nối với điện thoại qua BLE 4.0 đầu tiên do Việt Nam tự nghiên cứu phát triển. "Trong thời gian tới, Rogo Alfa sẽ được tích hợp thêm các tính năng như điều khiển điều hòa theo nhiệt độ môi trường, theo thói quen hành vi người dùng… Dự kiến trong quý 3, người dùng có thể đăng ký thử nghiệm sản phẩm Rogo Alfa 360", anh Tuấn chia sẻ.

Dự báo của hãng Ericsson trong Báo cáo di động tháng 6 cho rằng, với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, chỉ trong vòng 2 năm tới, số lượng thiết bị kết nối vào mạng Internet vạn vật (IoT) sẽ vượt tổng số điện thoại di động đang hoạt động trên toàn cầu và trở thành phân khúc thiết bị kết nối lớn nhất.

Xét theo khu vực, với nhiều lợi thế kết hợp, Tây Âu được dự báo sẽ trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất trên thế giới với số lượng thiết bị IoT có thể tăng gấp 4 lần từ 1 tỷ thiết bị vào năm 2015 lên 4 tỷ thiết bị vào năm 2021.

Trong khi đó, mặc dù có tốc độ tăng trưởng chậm hơn Tây Âu nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) được dự báo sẽ dẫn đầu về số lượng thiết bị IoT khi có đến gần 5 tỷ thiết bị vào năm 2021. Khu vực Bắc Mỹ theo sau 2 khu vực trên cả về tốc độ tăng trưởng và số lượng thiết bị khi chỉ có khoảng 3 tỷ thiết bị IoT vào năm 2021.

Xét theo phương thức kết nối, trong khi phần lớn các thiết bị IoT được kết nối thông qua phương thức phi di động (non-cellular, có thể là có dây hoặc Wi-fi) thì các thiết bị IoT được kết nối thông qua phương thức di động (cellular) lại được dự báo là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Có điều này là nhờ sự phổ biến các chuẩn 3GPP dành cho các công nghệ IoT di động.

>> Trải nghiệm công nghệ kết nối thông minh với Rogo Alfa

Nguyên Văn

Ý kiến

()