Chúng ta

CTO FPT: 'Đội TIM xứng đáng vô địch Hackathon 2017'

Thứ năm, 8/6/2017 | 18:03 GMT+7

Nhìn nhận ở góc độ công nghệ và thương mại hóa, CTO FPT Lê Hồng Việt nhận xét, các thành viên đội TIM đã thuyết phục Ban giám khảo không chỉ bởi ý tưởng sáng tạo mà tiềm năng của sản phẩm cũng rất tốt. 

Chung kết cuộc thi Vietnam AI Hackathon 2017 diễn ra trong hai ngày 3-4/6 tại F-Ville, Hà Nội. Sau hơn 36 giờ lập trình "quên ăn quên ngủ" tại Hòa Lạc, các đội thi đã lần lượt giới thiệu về sản phẩm của mình vào chiều ngày 4/6. Là đội có nhiều thành viên nhất, TIM (ĐH Bách khoa và ĐH Công nghệ Hà Nội) đã mang tới sản phẩm mobile app giải trí và trải nghiệm nghệ thuật với AI. Đây là ứng dụng xuất phát trong quá trình nhóm khám phá lĩnh vực mới mẻ và đầy thú vị - trí tuệ nhân tạo.

Với mô hình cGAN (biến thể), từ dữ liệu của 10.000 khuôn mặt phụ nữ, đã được xử lý và đào tạo cho AI, AI của app sẽ tự động tạo một nguyên mẫu mặt thật từ hình vẽ phác thảo, tìm 3 khuôn mặt giống nhất với hình vừa được AI tạo xong trong dữ liệu 10.000 khuôn mặt của App và trả về cho người sử dụng.

Video trình bày sản phẩm của đội TIM:

Với ý tưởng sáng tạo cùng tiềm năng thương mại hóa sản phẩm, TIM đã vượt qua 13 đội còn lại, trở thành quán quân của Hackathon năm thứ 2. Ngoài TIM, Vietnam AI Hackathon 2017 cũng ghi nhận 2 ứng dụng tiềm năng nhận được giải thưởng "đột xuất" từ FPT Software và NextTech trị giá 10 triệu đồng/giải là Giải pháp kiểm soát ra vào Cloud Guardian của FTS (FPT IS) và Ứng dụng trợ lý tin tức thông minh của ILS.

Bên cạnh đó, các nhà tài trợ cũng đã trao giải cho một số nhóm có sản phẩm đặc thù như đội Aegis (FPT Telecom) với ứng dụng bảo mật phát hiện bất thường trong việc quản trị và vận hành hệ thống nhận thưởng từ Cyradar; Sói con (đến từ VCCorp và Viettel) với sản phẩm Chatbot bán hàng tự động nhận được giải của Sendo nhờ tính ứng dụng cao trong thương mại điện tử.

Video phỏng vấn đội TIM và đại diện BGK:

Hai giải thưởng triển vọng của cuộc thi đã thuộc về AR-History với ứng dụng tái hiện quang cảnh xưa của di tích cổ trong không gian thực dựa trên công nghệ Augmented reality (thực tế tăng cường) và Mich Labs với sản phẩm Trợ lý ảo biết nói tiếng Việt thông minh.

Các đội còn lại được đánh giá cao ở ý tưởng, nhưng khoảng cách tới sản phẩm còn xa, gồm AITechMTA (Học viên Kỹ thuật quân sự) với trợ lý ảo cho người lái xe; X-team (HCM) với ý tưởng robot phục vụ nhà hàng; D09CN1 (STU.Lab) cùng sản phẩm Chatbot rao vặt, hỗ trợ bán hàng; Antimatlab (ĐH Bách khoa) với Chatbot tư vấn khám chữa bệnh; Triple-X (Học viện An ninh) mang tới ứng dụng đọc tin cá nhân hóa Personalized News; Smart trading của SBD (ĐH Bách khoa); Gấu Mèo (FPT Software) với ý tưởng  xây dựng tool Deep learning Quick Launch trên Cloud. 

Với chủ đề cuộc thi năm nay là Trí tuệ nhân tạo (Artifical Intelligence - AI), FPT đã mở rất nhiều API và dữ liệu giá trị làm nền tảng phát triển sản phẩm cho các thí sinh. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên tới 700 triệu đồng, trong đó giải thưởng tiền mặt trên 100 triệu đồng. Riêng đội thắng cuộc sẽ nhận 50 triệu đồng tiền mặt, hiện vật và tài khoản hàng nghìn USD từ nhà tài trợ Amazon và 6 tháng FPT cùng đồng hành, hỗ trợ phát triển sản phẩm…

Thanh Tùng

Ý kiến

()