Ngồi chăm chú kiểm tra các mối hàn trong bản mạch ứng dụng điều khiển nhà bằng giọng nói, Trần Hữu Lâm tâm sự về chặng đường cả nhóm có mặt tại Chung kết FPT Edu Hackathon 2018. Nam sinh FPT Jetking cho biết mình mắc bệnh tuyến yên từ nhỏ. Đam mê mãnh liệt với phần cứng thôi thúc Lâm theo học Học viện Mạng và Phần cứng FPT Jetking. Trong lớp, Lâm là người hiểu biết sâu rộng, có sở trường hàn nối các thiết bị một cách chuẩn xác.
Một buổi chiều Chủ nhật, Nguyễn Trọng Hùng (sinh năm 1999) thông báo tập hợp đội tham gia FPT Edu Hackathon 2018, Lâm bèn gọi điện cho Hùng xin vào đội. Sau đó, cả hai tiếp tục kết nạp thêm Hoàng Như Anh (sinh năm 1999) - bạn học cùng lớp tại trường. Nghiên cứu về tiêu chí cuộc thi, điểm mạnh của nhóm, đội ''Jet Lùn'' đã quyết định xây dựng ứng dụng điều khiển nhà bằng giọng nói.
Đội "Jet Lùn" từ trái qua: Trọng Hùng, Hữu Lâm và Như Anh. |
Am hiểu phần cứng và sở hữu đôi bàn tay vàng, Hữu Lâm được phân công đảm nhiệm phần cứng. Trong khi, Trọng Hùng - Như Anh lập trình cho ứng dụng. Đội trưởng "Jet Lùn'' Trọng Hùng tiết lộ điều khiển nhà bằng giọng nói không quá mới nhưng cả nhóm sẽ tập trung vào đối tượng trẻ em. Ba chàng trai sử dụng công nghệ Text to Speech của FPT, riêng Speech to Text sử dụng của Google và một số nền tảng khác.
Hiện tại, "Jet Lùn'' mới hoàn thành được 50% mục tiêu đề ra nhưng ba thí sinh đều đặt quyết tâm đến đêm 9/6 sẽ tăng lên con số 80%. Theo Hữu Lâm, vấn đề khó khăn nhất của đội là việc lập trình dòng lệnh bởi cả ba mạnh về phần cứng hơn.
Trận Chung kết FPT Edu Hackathon 2018 diễn ra từ hôm nay (9/6), tại ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội. 14 đội đang làm việc khẩn trương sẵn sàng cho phần thi chính diễn ra vào chiều ngày 10/6.
Video chàng 'thợ hàn tí hon' chia sẻ về FPT Edu Hackathon 2018:
Hackathon là một sự kiện mà các lập trình viên, cùng những người liên quan trong ngành phát triển phần mềm như các nhà thiết kế đồ họa, thiết kế giao diện, quản lý dự án sẽ hợp tác với nhau trong thời gian ngắn để hoàn thành một dự án phần mềm. FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên của Tổ chức giáo dục FPT (FPT Edu), được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. Các thí sinh sẽ thi đấu theo đội, mỗi đội gồm 3-4 người. Cuộc thi có 2 bảng đấu với hệ thống giải thưởng riêng biệt và trải qua 3 vòng thi: vòng ý tưởng, vòng sơ loại và vòng chung kết. |
Thanh Tùng
Ý kiến
()