Chúng ta

Cập nhật 'hot trend', hai chàng trai FPT Telecom giành giải Vàng iKhiến

Thứ ba, 26/9/2017 | 09:30 GMT+7

Ứng dụng Botchat của FPT Telecom từ ý tưởng của hai kỹ sư Nguyễn Đình Lãm và Trịnh Minh Tiến đã cập nhật xu hướng công nghệ thế giới khiến công việc được xử lý nhanh chóng và giảm áp lực lên nhân sự. 

Đang di chuyển trên đường Hùng Vương, anh Nguyễn Cung Tiến, Trưởng phòng Hạ tầng FPT Telecom Ninh Thuận, nhận được tin nhắn yêu cầu kiểm tra tình trạng nguồn của một POP. Ghé vỉa hè, thao tác ngay trên điện thoại, anh Tiến được phản hồi đầy đủ thông tin tức thì.

“Trước đây, những tác vụ tương tự, chúng tôi phải liên hệ về nhân viên trực rồi chờ thông tin”, Trưởng phòng Hạ tầng FPT Telecom Ninh Thuận giơ màn hình điện thoại cho người đối diện xem và cười tươi. “Với hệ thống Botchat, tôi và các đồng nghiệp chủ động tương tác để biết thông tin. Rất tiện lợi và nhanh chóng, tiết kiệm được nguồn lực, đặc biệt là khi có sự cố cúp điện lưới diện rộng”.

DSC-7729-JPG.jpg

Botchat của Nguyễn Đình Lãm (giữa) và Trịnh Minh Tiến (trái) đã giành điểm cao nhất từ Ban giám khảo iKhiến và được trao giải Vàng số 6 (tháng 9).

Theo Nguyễn Đình Lãm, phòng Kỹ thuật Hệ thống, Ban Phát triển và Quản lý hạ tầng (INF), là nhà mạng lớn, mỗi ngày có hàng chục sự cố liên quan đến các thiết bị trong hạ tầng FPT Telecom. Tuy nhiên, đội ngũ kỹ sư lại khá bị động khi phải đợi thông tin từ trung tâm monitor báo lỗi để tiến hành sửa chữa và kiểm tra thông tin các thiết bị đã được xử lý.

“Mỗi tối bình thường, một kỹ sư phòng Kỹ thuật Hệ thống phải gọi 5-10 cuộc trong ca trực để kiểm tra thông tin. Trung tâm Giám sát vả Đảm bảo dịch vụ (SCC) cũng có người trực nhưng rất có thể cuộc gọi kiểm tra thông tin bị bận bởi sự cố cùng thời điểm”, Lãm ví dụ. Và giải pháp của cậu cùng đồng nghiệp Trịnh Minh Tiến là xây dựng botchat làm trung gian, đáp ứng mọi nhu cầu, từ chi nhánh cho đến các trung tâm vận hành.

Đội kỹ thuật monitor trực 24/24 nhưng nhân sự mỏng và khó có thể hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời, khiến anh em kỹ thuật hiện trường gặp khó khăn khi làm việc ngoài giờ hành chính bởi POP đặt tại nhà dân.

“Botchat sẽ tự động kiểm tra thông tin và phản hồi về cho phòng ban liên quan đang xử lý sự cố, nhằm chủ động hỗ trợ và tức thời cho các đơn vị”, Lãm nói.

Câu chuyện trở về thời điểm đầu năm 2017. Khi ấy, Lãm, chàng trai sắp lấy vợ, mày mò làm botchat để quản lý chi tiêu cá nhân sao cho thật hợp lý. Cùng thời điểm, nhóm R&D của phòng Kỹ thuật Hệ thống có thêm Trịnh Minh Tiến. Bộ ba Lãm, Tiến và anh Nguyễn Viết Hiếu - Phó phòng thấy hứng thú với chú botchat kiểm soát chi tiêu và liên tưởng đến việc dùng ứng dụng này cho các nghiệp vụ mà phòng cũng như FPT Telecom đang tốn nhiều nguồn lực và cả thời gian.

lam-fpt-7342-1506351113.jpg

Từ việc xây ứng dụng botchat để quản lý chi tiêu cá nhân của Lãm, hai chàng trai của phòng Kỹ thuật Hệ thống, FPT Telecom, đã phát triển sản phẩm áp dụng cho công việc thuận tiện và nhanh chóng. Lãm tiết lộ, cuối tuần rồi gia đình hai bên đã tổ chức đám hỏi và dự kiến sẽ cưới vợ đầu năm 2018.

“Làm cái gì đó để đời đi!”, anh Hiếu khích lệ hai đồng nghiệp trẻ.

Dự định của họ là botchat được xây trên API của Telegram - ứng dụng chat OTT mở, gọn nhẹ, dễ dàng cài đặt trên điện thoại, máy tính - để kết nối và cung cấp thông tin kiểm tra đến botchat.

Theo Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt, trong trường hợp này có thể làm app hay botchat. “Các bạn đã chọn đúng bởi bot tiện hơn vì có thể mở rộng liên tục mà người dùng không phải thay đổi”, CTO FPT dành lời khen cho nhóm.

Dù học chuyên ngành kỹ sư hệ thống, thời sinh viên, Lãm và Tiến đều mày mò thêm kỹ năng lập trình. Gia nhập FPT Telecom, cùng với công việc chuyên môn, nghề tay trái được phát huy tối đa. Hai chàng trai từng tham gia xây dựng nhiều hệ thống quan trọng cho đơn vị.

Lãm và Tiến, hai thành viên của nhóm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) với công việc thường ngày là kiểm thử các thiết bị mới, đưa ra template cấu hình cho các dòng thiết bị để nhóm vận hành thực hiện, xây dựng hệ thống để monitor cho các thiết bị ở hạ tầng access. Cạnh đó, họ còn thực hiện dự án với các đội để tối ưu hoá hệ thống mạng, xử lý những lỗi lớn liên quan đến hạ tầng như: Phân tích hành vi khách hàng rời mạng, các lỗi loop hạ tầng, phân tích log liên quan đến các thiết bị... hay xây dựng tool chạy tính năng trên các thiết bị theo phương thức hàng loạt. Ngoài ra, nhóm còn nghiên cứu tính năng mới với các dòng thiết bị, công nghệ mới của các hãng cung cấp thiết bị.

Công việc chính chiếm trọn thời gian làm việc trong ngày nên với botchat, Tiến và Lãm thường làm ngoài giờ ở nhà, như một phần của đam mê.

Ban đầu, họ gặp những "núi lớn" như: Ngôn ngữ lập trình mới tiếp xúc, dữ liệu từ các nguồn chưa có… thậm chí, server cũng mới dựng luôn. “Khi đó, ban ngày tôi thường trao đổi về ý tưởng rồi đêm về lập trình”, Tiến nhớ lại. “Có gì khó là gọi điện và lên nhóm trao đổi thêm, kể cả là nửa đêm về sáng. Nhiều khi làm được tính năng mới, đăng lên nhóm chat lúc nửa đêm mà ai cũng mừng. Rồi lập trình bị lỗi, chưa sửa được, nằm xuống ngủ có khi 2h sáng lại vùng dậy sửa khi chợt lóe lên ý tưởng”.

tien-trinh-5686-1506351113.jpg

Ban đầu có chút giận yêu, nhưng rồi biết chồng chỉ đam mê công việc nên chị Phan Thị Kim Hương dần thông cảm và ủng hộ nhiệt thành. Anh Tiến và chị Hương cũng vừa chào đón bé gái đầu lòng.

Dù thừa nhận ban đầu hơi nản, nhưng những tia sáng đã giúp bộ đôi R&D INF thấy say mê. Họ quên hết mọi thứ xung quanh và chỉ dồn tâm cho botchat. “Vợ tôi hay càm ràm lúc mới yêu thì ngọt ngào lắm, giờ mới cưới đã vậy rồi. Suốt ngày cắm mặt vào cái mình thích”, Tiến nhớ lại. “Tôi cười rồi trả lời, đặc thù của công việc là có lúc sẽ rất rảnh, nhưng lúc này đang rất bận. Anh và đồng nghiệp muốn làm uốn làm cái gì đó để đời”. Dù bà xã đang nghén, rất khó chịu nhưng trước quyết tâm của chồng cũng quay sang thông cảm và ủng hộ.

Sau hai tháng lập trình liên tục, botchat chạy được nhưng gặp lỗi khá nhiều. Họ mày mò khắc phục và nâng cấp từng ngày. Sau khi mở cho các đồng nghiệp dùng thử, thấy ai cũng phản hồi sản phẩm hay và hữu ích khiến họ thêm hứng thú.

Cùng với đó, người dùng thử cũng chỉ ra vài khuyết điểm để nhóm khắc phục. PTGĐ FPT Telecom - anh Vũ Anh Tú góp ý về cách phân quyền bởi theo phương thức cũ, nhân sự nghỉ việc khó kiểm soát. Ngay lập tức, Trung tâm An ninh mạng (CSOC) bổ sung module trung gian, liên tục kiểm tra tính hợp lệ, kiểm tra phân quyền theo thời gian thực.

Để nói chuyện với botchat, kỹ sư điền account mail, mã chi nhánh đã được phân quyền trước khi nhập mã code xác thực do hệ thống gửi nhằm đảm bảo tính bảo mật. Sau khi thực hiện kết nối với botchat và cung cấp thông tin đầu vào, botchat tự động phản hồi thông tin cho các đơn vị cần hỗ trợ.

Ứng dụng được nối với các hệ thống khác trong FPT Telecom và khi có yêu cầu sẽ “gọi” đến các trung tâm này để lấy thông tin port up hay down; công suất và suy hao cáp, kiểm tra tình trạng nguồn của POP, lỗi liên quan đến IPTV, Internet.

Ưu việt hơn, khi cung cấp địa chỉ IP, botchat có thể khai thác thông tin bản đồ kết nối thiết bị có trong hạ tầng, phát hiện ra nguyên nhân gây ảnh hưởng dịch vụ của khách hàng.

Nhờ botchat, thời gian để nhận nguyên nhân sự cố giảm từ 10-15 phút xuống còn vài giây đến 1-2 phút. Nguyễn Đình Lãm dẫn chứng, trước đây, chi nhánh muốn cắt chuyển, di dời đài trạm sẽ gọi hệ thống nhờ SCC kiểm tra tình hình hiện tại, SCC kiểm tra mất 10-15 phút. Sau đó, đơn vị làm kế hoạch, xử lý sự cố. Khi hoàn thành, họ lại yêu cầu SCC thực hiện các bước tương tự. “Nhưng nay, các đơn vị hoàn toàn chủ động trong thời gian rất nhanh”, Lãm khẳng định.

DSC-7749-JPG_1506334544.jpg

Bước kế tiếp là đưa Botchat vào các trung tâm cũng như chi nhánh toàn quốc. "Xa hơn, chúng tôi tham vọng botchat sẽ lên các sản phẩm, ứng dụng của FPT Telecom hướng đến khách hàng", Lãm nói.

Là người theo sát và ủng hộ nhóm từ những ngày đầu, Phó Giám đốc INF Lê Trung cho rằng, ứng dụng và lợi ích rõ rệt của botchat đã cập nhật "hot trend" về công nghệ trên thế giới và đang được giới công nghệ toàn FPT quan tâm phát triển.

“Thấy các bạn INF hay chi nhánh đang tương tác với botchat hằng ngày, lần đầu tiên tôi cảm giác môi trường làm việc rất hiện đại, tân tiến”, anh Trung hào hứng. “Hàng loạt thông tin được trích xuất và phân tích từ kho thông tin về network hạ tầng access phản hồi trong tích tắc từ “người máy" mà trước đó phải qua vài công đoạn kiểm tra thủ công trên các hệ thống và phụ thuộc vào liên lạc, trạng thái xử lý công việc của các bạn quản lý, vận hành mạng”.

Bên cạnh giải quyết các vấn đề cơ bản của botchat, PGĐ INF cũng đánh giá rất cao việc số hoá toàn bộ kết nối network access và cách xâu chuỗi, tổ chức, logic hoá các hệ thống rời rạc của FPT Telecom như hệ thống giám sát, hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu của khách hàng, hệ thống quản trị tài nguyên port, cáp mạng, hệ thống cấu hình tự động… để có thể xử lý nhanh chóng các vấn đề phụ thuộc vào các hệ thống này.

Hiện tại, sản phẩm được ứng dụng nội bộ cho 4 trung tâm khu vực phía Nam với khoảng 45-50 người sử dụng. Dự kiến botchat sẽ sớm áp dụng cho toàn bộ chi nhánh FPT Telecom toàn quốc. “Tương lai, ngoài việc đưa botchat sử dụng dụng rộng rãi cho FPT Telecom, nhóm sẽ cố gắng đưa ngôn ngữ tự nhiên ứng dụng AI và có thể là điều khiển bằng giọng nói vào botchat”, Tiến kỳ vọng.

>> Xử lý sự cố nhanh, FPT Telecom được tặng HC Chiến công hạng Nhì

Nguyên Văn

Ý kiến

()