Chúng ta

‘Bảng quang báo hữu ích hơn la bàn’

Thứ sáu, 4/1/2013 | 15:23 GMT+7

“Nhờ có bảng cảnh báo mà tôi tránh được vụ kẹt xe ở ngã tư Bảy Hiền để tham dự cuộc họp đúng giờ. Từ khi bảng này cập nhật thông tin, tôi không lãng phí thời gian và xăng xe để đi đường vòng nữa, cứ chính tâm thẳng tiến”, anh Phạm Ngọc Hải, công tác tại Kho Bạc quận 8, TP HCM, hồ hởi.
> FTS thí điểm chống kẹt xe

Di chuyển trên đường Trường Chinh, anh Hải thấy bảng quang báo giao thông thể hiện tình trạng ùn xe ở bùng binh Lăng Cha Cả, cách đó khoảng 5 km, bằng dòng chữ màu đỏ. Thay vì rẽ đường Cộng Hòa như mọi ngày, anh chạy thẳng để vào đường Âu Cơ rồi về Kho Bạc thành phố trên đường Nguyễn Huệ trước khi cuộc họp bắt đầu 15 phút.

Anh Hải kể, đây là cuộc họp quan trọng của ngành nên việc đi trễ là điều cấm kỵ: “Trước đây, nếu có họp, tôi toàn phải đi từ An Sương qua quốc lộ 1 rồi vòng vào đại lộ Võ Văn Kiệt cho chắc ăn, dù xa hơn cả chục cây số”.

Theo anh, bảng quang báo còn hữu ích hơn cả la bàn, bởi “vật bất ly thân của người đi biển cũng mới dừng lại ở việc chỉ hướng, còn bảng quang báo làm được hơn thế khi chỉ cả đường đi phù hợp nhất”, anh Hải ví von.

d

Vị trí đặt bảng phù hợp và dòng chữ cảnh báo ngắn gọn khiến bảng quang báo dễ dàng thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông.

Từ nhà đến chỗ làm phải vượt qua những con đường “nổi tiếng” về kẹt xe như Trường Chinh, Cộng Hòa, Cách mạng Tháng 8… nên anh Hải chọn cách đi làm sớm để tránh tắc đường. Tuy nhiên, do vợ đang mang bầu, việc đi lại khá khó khăn nên mỗi sáng anh thường tranh thủ chở vợ đi chợ rồi mới đến cơ quan. “Gần đây, tôi hay đi muộn nên cũng bị sếp nhắc nhở”, anh tâm sự.

Trong khi đó, theo anh Trần Thanh Minh, tài xế hãng taxi A.P. chuyên tuyến sân bay về trung tâm thành phố, nhìn bảng quang báo tiện hơn theo dõi các đài đang có chương trình giao thông trên sóng FM như VOV (Đài tiếng nói Việt Nam), VOH (Đài tiếng nói nhân dân TP HCM).

“Bảng quang báo giúp mình theo dõi trực tiếp tuyến đường đang và sẽ đi, trong khi các đài phát qua sóng FM diện thông báo quá rộng. Muốn hỏi tình trạng của con đường cụ thể thường phải chờ lâu, đôi khi không liên lạc được hoặc thông tin cập nhật chậm”, anh Minh so sánh.

Anh Minh cho biết, tuần trước, có vị khách từ Hà Nội vào và yêu cầu về quận 1 thật nhanh vì có cuộc họp quan trọng nhưng chuyến bay bị trễ. Hết đường Trường Sơn, thấy bảng báo giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ đang đông xe nên anh vòng sang đường Lê Văn Sỹ. “Tuy xa hơn khoảng 2 km nhưng mình còn về trước thời gian ông ấy yêu cầu. Lúc thanh toán, vị khách đã cảm ơn và gửi mình một khoản tiền thưởng kha khá”, anh thích thú.

d

Bên cạnh việc chạy chữ, bảng quang báo còn hiển thị đồ họa để người dân dễ theo dõi.

Gần 10 năm chạy chuyên tuyến sân bay nên anh và các đồng nghiệp biết rõ mọi đường ngang ngõ tắt về thành phố nhưng ít khi nào đi vì sợ khách nghĩ mình chạy lòng vòng để kiếm thêm. “Nay có bảng quang báo, nếu gặp sự cố, mình và các đồng nghiệp sẽ chỉ cho khách hàng biết và thông báo các tuyến thay thế để họ lựa chọn”, anh Minh dự tính.

Ngày nào cũng qua lại tuyến đường từ Tân Sơn Nhất về quận 1 đến 5-6 lần nên anh Minh rất tò mò về 6 chiếc bảng chạy những dòng chữ và hình ảnh hướng dẫn. Trong một lần xem báo, anh mới biết đây là bảng quang báo giúp người tham gia giao thông chọn đường phù hợp để tránh kẹt xe sắp được thành phố triển khai. “Sau khi biết rõ cách thức vận hành, mình sướng quá nên gọi điện thoại thông báo cho các đồng nghiệp trong đội biết. Giờ ai cũng thích thú nhìn bảng để chọn đường”, anh hào hứng.

Nhà có vựa dưa hấu nên anh Phạm Văn Cường, huyện Thủ Thừa, Long An, thường chở hàng đi bỏ mối tại Vũng Tàu theo hướng đại lộ Võ Văn Kiệt vượt hầm sông Sài Gòn rồi qua phà Cát Lái về phố biển.

“Một buổi sáng, thấy bảng đầu hầm sông Sài Gòn hiển thị giao lộ Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ bên phía quận 2 bị kẹt xe nên tôi kịp chuyển hướng ngay khi qua hầm. Khi đã qua phà Cát Lái thì đồng nghiệp đi trước gọi điện báo vẫn đang nằm chờ trong dòng xe kẹt cứng”, anh Cường kể lại.

Theo anh, do hình thức triển khai còn mới nên nhiều người tham gia giao thông chưa biết về sự tiện lợi của bảng quang báo. “Cũng may bữa trước tôi nghe VOV Giao thông giới thiệu nên tò mò quan sát và thực hiện theo”.

Anh Phạm Thành Lâm, Quản trị dự án, đi các điểm đặt bảng quang báo để kiểm tra thực tế.

Anh Phạm Thành Lâm, Quản trị dự án, đi các điểm đặt bảng quang báo để kiểm tra thực tế.

Tham gia điều tiết giao thông tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Thanh Tùng, đội CSGT Bàn Cờ, cho rằng, khó khăn nhất của anh và các đồng đội là khi thành phố có khách quý đến thăm, bởi các anh phải căng mình ra điều tiết để đảm bảo đường thông thoáng cho việc dẫn đoàn.

“Giờ cao điểm, các giao lộ luôn chực chờ kẹt xe trong khi dòng người không ngừng đổ về. Mỗi khi trực dẫn đoàn khách Trung ương hay quốc tế ghé thăm, chúng tôi cứ căng như dây đàn”, anh Tùng chia sẻ.

Là tuyến đường chính từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố, trục Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi được Ban quản lý dự án lắp đặt đến 4 bảng quang báo với định hướng xây dựng tuyến đường công nghệ để chào đón khách trong và ngoài nước khi đến TP HCM. Cạnh đó là 2 bảng xung quanh công viên Hoàng Văn Thụ, cách sân bay khoảng 1 km.

“Trung tâm Sài Gòn có rất nhiều đường nhỏ nhưng do thói quen, người dân thường chọn đi đường chính. Nếu các đơn vị đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông đến người dân về tính hữu ích của bảng quang báo thì tình trạng kẹt xe của thành phố sẽ cơ bản được giải quyết”, anh Tùng nhận định.

Theo anh Phạm Thành Lâm, Quản trị dự án Công ty TNHH Giải pháp công nghệ cao FPT (FPT High Technology Solutions - FTS), bảng quang báo chính thức thử nghiệm từ tối ngày 23/12/2012, đến chiều ngày 25/12 đã biên tập được gần 200 tin, chủ yếu là tin đông xe, trong đó khu vực Trường Chinh và Cộng Hòa chiếm hơn 70% số tin.

“Do mới thử nghiệm nên chúng tôi chưa nhận được nhiều phản hồi từ phía người dân. Tuy nhiên, FTS sẽ chủ động cập nhật thư viện tin để nội dung đến với người dân phong phú hơn như tin triều cường, ngập lụt, tai nạn, thay đổi lộ trình tương ứng”, anh Lâm tiết lộ.

Trong khi chờ bảng quang báo thử nghiệm và triển khai diện rộng, những người như anh Phạm Ngọc Hải ở Kho Bạc sẽ không phải tất tả trước khi đi làm nữa. “Mỗi sáng, tôi sẽ có thêm thời gian đưa vợ đi chợ mua đồ tươi về bồi dưỡng cho em bé. Hy vọng bảng quang báo sẽ được triển khai tại các thành phố lớn để người dân không còn vật vã mỗi khi ra đường”, anh kỳ vọng.

Bảng quang báo giao thông là sản phẩm hợp tác giữa Sở GTVT TP HCM, FTS và Kênh VOV giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam) nhằm hướng dẫn người dân chọn hướng lưu thông phù hợp nhất để tránh kẹt xe. Trong đó, công nghệ VMS ITIS (Variable Message Signs Integrated Traffic Information System - Bảng quang báo tích hợp hệ thống thông tin giao thông) được các kỹ sư và chuyên gia của FTS nghiên cứu và phát triển dựa trên thực tế giao thông tại Việt Nam.

Trong giai đoạn thí điểm (từ ngày 23/12/2012 đến hết tháng 4/2013), thời gian cung cấp thông tin giao thông trên hệ thống quang báo điện tử sẽ theo khung giờ cao điểm của Kênh VOV giao thông 91 MHZ từ thứ Hai đến thứ Sáu: từ 6h30 đến 9h, 10h30 đến 12h và 16h30 đến 19h. Riêng thứ Bảy và Chủ nhật, thông tin được cung cấp từ 17h đến 18h.

Các bảng quang báo điện tử tại các đầu mối giao thông chính trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Kiệt, ngã ba Lăng Cha Cả…

Nguyên Văn

Ý kiến

()