Bloomberg dẫn phán quyết của Văn phòng Sở hữu trí tuệ Bắc Kinh nói hai mẫu điện thoại thông minh iPhone 6 và iPhone 6 Plus của Táo khuyết đã vi phạm quyền về bằng sáng chế của công ty Shenzhen Baili. Cụ thể, hai mẫu điện thoại của hãng công nghệ Mỹ có nhiều điểm giống với chiếc điện thoại 100C do Baili sản xuất.
Đây được xem là trở ngại mới nhất đối với Táo khuyết tại một trong những thị trường chủ chốt của hãng. Apple tuyên bố sẽ kháng cáo và sẽ tiếp tục bán điện thoại iPhone 6 và iPhone 6 Plus tại Bắc Kinh trong thời gian tới. Ảnh: Metro. |
Tuy phán quyết mà cơ quan chức năng ở Bắc Kinh đưa ra chỉ có hiệu lực ở thành phố này, nhưng những vụ kiện trong tương lai nhằm vào Apple có thể xem đây như tiền lệ. Ngoài ra, phán quyết cũng có thể có ảnh hưởng đáng kể tới kết quả các vụ kiện sở hữu trí tuệ khác nhằm vào Apple ở Trung Quốc.
Baili, hãng di động không được nhiều người biết đến, có trụ sở tại Thâm Quyến, đã giành được một phán quyết "như mơ": Cấm bán iPhone 6 và 6 Plus tại Bắc Kinh do vi phạm bản quyền thiết kế smartphone. Baili là một trong số những thương hiệu smartphone của Trung Quốc đang tìm cách tranh thủ sự phát triển bùng nổ của thị trường smartphone nội địa.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc, Baili xin cấp bằng sáng chế cho thiết kế bên ngoài của smartphone 100C vào tháng 1/2014 và được chấp thuận vào tháng 7. Trong khi đó, Apple chỉ xin cấp bằng sáng chế vào tháng 3/2015 và được chấp thuận vào tháng 12 cùng năm.
Văn phòng Sở hữu trí tuệ Bắc Kinh đưa ra phán quyết cấm bán iPhone 6, 6 Plus do vi phạm bản quyền sáng chế. Văn bản này được phát hành ngày 19/5. Sau đó, không rõ tại sao thông tin trên bị rò rỉ trên mạng và được báo chí Trung Quốc đăng tải cuối tuần qua.
Apple đã và đang dựa vào Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, để giữ tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, doanh thu của hãng gần đây đã chứng kiến sự suy giảm. Trong quý 1, doanh thu của Apple tại thị trường Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà phân tích Tim Long thuộc Công ty BMO Capital Markets ở New York, không cho rằng vụ việc trên có tác động lớn đến Apple. “Chúng tôi tin là đã có một số trường hợp tòa án cấp địa phương ra phán quyết gây bất lợi cho các công ty Mỹ so với các công ty bản xứ, nhưng phán quyết này sau đó lại bị tòa án cấp cao hơn bác bỏ”, ông Long viết trong một báo cáo gửi khách hàng. “Trong những năm qua, đã có nhiều phán quyết của tòa cấm bán các sản phẩm smartphone khác nhau ở nhiều quốc gia khác nhau, nhưng không một phán quyết nào trong số đó dẫn tới những ảnh hưởng thực sự lớn”.
Tuy nhiên, vụ việc này vẫn là một trở ngại mới nhất trong một loạt thách thức mà Apple gặp phải tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất ngoài Mỹ của hãng.
Hồi tháng 4 năm nay, dịch vụ sách và phim của Apple tại Trung Quốc đã bị cấm do vi phạm quy định về xuất bản. Năm 2013, truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc Apple cung cấp dịch vụ khách hàng hời hợt và chính sách bảo hành tồi, buộc CEO Tim Cook phải lên tiếng xin lỗi.
Mới tháng trước, Apple bị thua trong cuộc chiến nhằm giữ độc quyền tên gọi “iPhone” cho sản phẩm của mình sau khi một tòa án ở Bắc Kinh ra phán quyết cho phép một công ty sản xuất phụ kiện ít tên tuổi của Trung Quốc có thể sử dụng tên gọi này cho sản phẩm ví. Năm 2012, Apple phải trả 60 triệu USD cho Công ty Proview của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp tên gọi “iPad” tại Trung Quốc.
>> Những thay đổi ‘đáng đồng tiền bát gạo’ của Apple tại WWDC
Nguyên Văn
Ý kiến
()