Chia sẻ tại sự kiện công bố danh sách “50+10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018” được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) tổ chức ngày 17/9, Chủ tịch VINASA - anh Trương Gia Bình nhắc lại bài phát biểu của Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT - ông Nguyễn Mạnh Hùng tại FPT Techday 2018.
Theo đó, ông Hùng đặt ra vấn đề FPT cần phải có những ước mơ lớn hơn nữa để có thể tái sinh, phụng sự Tổ quốc. “Tôi cho rằng vấn đề này được Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT đặt ra rất đúng thời điểm và đúng với tất cả các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam”, anh Bình mở đầu.
Lễ công bố danh sách 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018. Từ trái qua: Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng Bình chọn và bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký VINASA. Ảnh: Vân Anh. |
Sau đó, người đứng đầu VINASA tự đặt câu hỏi: “CNTT Việt Nam đang ở đâu, chúng ta từng có ước mơ gì và ước mơ mới của chúng ta sẽ lớn hơn thế nào?”, rồi tự lý giải: “Trong 20 năm qua, với nỗ lực của cộng đồng CNTT, của các công ty phần mềm và dịch vụ CNTT, chúng ta đã đạt được một ước mơ ghi tên Việt Nam vào bản đồ CNTT thế giới”.
Chủ tịch VINASA dẫn chứng, nếu 20 năm trước không ai biết Việt Nam, đến nay CNTT Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến. Và nếu như các nước Âu Mỹ quan tâm đến Ấn Độ, hiện Nhật Bản quan tâm nhiều đến Trung Quốc và Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam đã được chọn là điểm đến mong ước của các doanh nghiệp xứ mặt trời mọc. “Chúng ta cũng đã có được một tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng”, anh Bình nhấn mạnh.
Với ước mơ lớn hơn của ngành CNTT Việt Nam trong chặng đường mới, anh Trương Gia Bình cho rằng, ở thời điểm này, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển như vũ bão vừa là thách thức cũng là cơ hội lớn chưa từng có cho Việt Nam. Dẫn lại lời Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT - ông Nguyễn Mạnh Hùng đã nói đến Việt Nam là một cường quốc công nghệ, Chủ tịch VINASA khẳng định hành trình tiếp theo Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc có tên trên bản đồ CNTT thế giới mà còn phải nằm trong nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới về CNTT.
Khẳng định cơ hội lớn từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, anh Trương Gia Bình cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp CNTT Việt Nam phải thật nhanh chuyển sang lĩnh vực chuyển đổi số, đẩy mạnh hơn nữa doanh số trong lĩnh vực mới mẻ này. “Chúng ta phải làm quen với những công nghệ mới. Thời gian gần đây, khi nói chuyện với các doanh nghiệp, tôi được nghe nhiều về dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, về học máy, học sâu, robotic… Điều đó cho thấy chúng ta đang có sự chuyển đổi rất quan trọng nhưng cần phải làm nhanh hơn nữa”, anh Bình nhận định.
Chủ tịch VINASA thực hiện phép so sánh nhỏ về doanh thu và nhân lực của công nghiệp CNTT Ấn Độ và Việt Nam: trong năm 2017, quy mô công nghiệp CNTT Ấn Độ khoảng 160 tỷ USD, trong khi Việt Nam là 3,2 tỷ USD. Về tốc độ tăng trưởng, theo thống kê của Bộ TT&TT, có những doanh nghiệp tăng trưởng cao nhưng mức tăng trưởng trung bình của Việt Nam tương đương với Ấn Độ là 15%. “Nếu chúng ta còn giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay, không đời nào đuổi kịp Ấn Độ”, anh bày tỏ.
Anh Bình ước tính Việt Nam có khoảng 350.000 nhân lực làm phần mềm trong tổng số khoảng 780.000 người làm trong lĩnh vực CNTT; trong khi đó, CNTT Ấn Độ có 2,8 triệu nhân lực và họ tạo ra công ăn việc làm cho 8,9 triệu người, đóng góp tới 7,7% vào GDP đất nước đông dân thứ 2 thế giới.
“Chưa đạt 1 triệu nhân lực làm phần mềm, chúng ta khó có thể nói mình là cường quốc về phần mềm”, Chủ tịch VINASA chỉ ra. “Các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam hãy chớp lấy cơ hội này, đi nhanh vào chuyển đổi số, tạo vị thế cho Việt Nam trở thành một quốc gia thông thạo về chuyển đổi số, đẩy doanh số tăng trưởng tốc độ cao hơn nữa, sao cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam trong 10 năm tới phải tăng cỡ 10 lần, thành 30 tỉ USD và vượt ngưỡng 1 triệu lập trình viên”.
>> FPT lọt Top 10 doanh nghiệp có năng lực công nghệ 4.0 tiêu biểu
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa công bố danh sách “50+10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018” và ra mắt Ấn phẩm đặc biệt giới thiệu các doanh nghiệp trong Top, diễn ra chiều 17/9 tại Hà Nội. Theo danh sách được VINASA công bố, 10 cái tên tiêu biểu có năng lực công nghệ 4.0 gồm: FPT, Viettel, VNG, Misa, Novaon, DEHA Vietnam, NashTech Vietnam, Sao Bắc Đẩu, Vnext, VNPay. "Trong đó, FPT hiện có gần 33.000 CBNV, với 13.695 kỹ sư. Đơn vị này cũng là doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực như xuất khẩu phần mềm, tích hợp hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin, phân phối sản phẩm công nghệ tại Việt Nam", VINASA đánh giá. |
Tân Phong
Ý kiến
()