Ngày 19/5, tại Hà Nội, Cần Thơ và TP HCM, 27 đội thi FPT Edu Hackathon 2018 đã bước vào vòng sơ loại với phần bảo vệ ý tưởng trước BGK cuộc thi. Vòng sơ loại sẽ chọn ra 14 đội có số điểm cao nhất vào vòng chung kết.
Vòng sơ loại cuộc thi diễn ra đồng thời tại 3 điểm cầu Hà Nội, TP HCM và Cần Thơ qua hệ thống video conference. |
Vòng sơ loại FPT Edu Hackathon 2018 chính thức diễn ra đồng thời tại 3 đầu cầu Hà Nội, TP HCM và Cần Thơ, được tổ chức kết hợp giữa hình thức offline và kết nối trực tuyến qua hệ thống video conference. Tại Hà Nội có 13 đội dự thi, Cần Thơ và TP HCM lần lượt có 3 và 7 đội thi tham dự. Mỗi đội sẽ có 5 phút trình bày và 10 phút trả lời hỏi đáp từ hội đồng.
Hội đồng BGK của vòng sơ loại cuộc thi bao gồm các anh: Phan Trường Lâm, ĐH FPT HN, Trưởng ban Công nghệ cuộc thi; Trần Đình Trí, ĐH FPT; Nguyễn Tuân, Viện Đào tạo Quốc tế (FAI); Nguyễn Huy Hùng, ĐH FPT HCM; Võ Hồng Khanh, ĐH FPT Cần Thơ; Doãn Trung Tùng, ĐH Greenwich (Việt Nam) và Lã Ngọc Quang, FPT Polytechnic Hà Nội.
Đội TabeASo với ý tưởng “Fparking: Một ứng dụng giúp người dùng tìm và đặt chỗ để xe gần nhất và rẻ nhất xung quanh vị trí của họ" thuyết trình trực tiếp trước BGK điểm cầu Hà Nội. |
Là đội gặp khá nhiều trở ngại vì các thành viên ở những tỉnh thành khác nhau từ Bắc vào Nam, đội chưa một lần offline mà chỉ làm việc với nhau qua Zalo nhưng Bộ tứ Codefight của FUNiX đã nỗ lực vượt qua khó khăn để bước đến vòng sơ loại. Do cả nhóm không thể tập trung ở Hà Nội nên đội trưởng Vũ Đăng Nhân đã một mình trình bày ý tưởng với BGK qua Skype khi đang trực tại trạm y tế xã Nậm Rạm, Văn Bàn, Lào Cai. Ý tưởng “Ứng dụng theo dõi quản lý các chỉ số sinh tồn từ xa (Fx04)” của nhóm nhận được sự đánh giá cao từ hội đồng BGK.
Các đội đều đến từ rất sớm và chuẩn bị kỹ càng cho phần thi của mình. |
"Đã biết trước các thành viên khác không thể đồng hành lúc bảo vệ trước hội đồng giám khảo nên tối hôm trước ngày thi cả đội đã làm việc online để chuẩn bị kỹ lưỡng nên tôi trình bày khá bình tĩnh và tự tin", Vũ Đăng Nhân, trưởng nhóm Bộ tứ Codefight, bộc bạch.
Là một trong những đội có đề tài dự thi thú vị, đội SHS của FPT Polytechnic, tự tin trình bày ý tưởng “Điều khiển thiết bị điện tử trong nhà bằng giọng nói thông qua thiết bị di động có học lệnh”. Đây là ý tưởng được đội ấp ủ đã lâu và mong muốn đưa vào triển khai thành sản phẩm thực tế. Với mong muốn thuyết phục được BGK đội còn chuẩn bị phần video demo sản phẩm thông qua trình chiếu video.
Danh sách các đội bảng A vào Chung kết. |
“Các đội dự thi đều biết cách trình bày ý tưởng và chứng minh làm sao để mình có thể hoàn thành sản phẩm trong thời gian cuộc thi. Đặc biệt, đội Bộ tứ Codefigh của FUNiX do đã đi làm nên tính thực tế rất cao. Các bạn đã có sự chuẩn bị rất kỹ và hiểu rất sâu các bài toán trong môi trường làm việc hiện tại”, anh Phan Trường Lâm, Trưởng ban Công nghệ cuộc thi, nhận định.
Tiêu chí chấm điểm cho vòng sơ loại gồm: Ý tưởng có tính sáng tạo đột phá (30%); Khả năng hoàn thiện ý tượng đến khi kết thúc cuộc thi (40%); Tính ứng dụng vào thực tiễn (20%) và Khả năng ứng dụng rộng rãi (10%).
Danh sách các đội bảng B vào vòng Chung kết. |
Từ hôm nay, 21/5, ngay sau khi kết quả được công bố, 14 đội sẽ nhận được sự tư vấn, hướng dẫn của các thầy là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ để chuẩn bị sẵn sàng cho Chung kết FPT Edu Hackathon 2018, diễn ra vào ngày 9-10/6 tới, tại Campus Hòa Lạc, Hà Nội. Trong phần thi Chung kết, các đội sẽ phải thực hành code ngay tại chương trình và thuyết trình bảo vệ sản phẩm của đội mình trước hội đồng BGK.
Tổng giá trị giải thưởng FPT Edu Hackathon 2018 lên đến 300 triệu đồng trong đó có 163 triệu đồng tiền mặt. 2 đội giải Nhất ở mỗi bảng sẽ nhận được phần thưởng trị giá 30 triệu đồng và cơ hội tham quan và học tập tại Singapore. 2 đội giải Nhì nhận 20 triệu đồng, 2 đội giải Ba nhận 10 triệu đồng, 2 đội giải Khuyến khích nhận 5 triệu đồng và 2 đội giải Khán giả bình chọn nhận 3 triệu đồng. Các giải thưởng đều đi kèm quà tặng từ BTC và các nhà tài trợ.
Hackathon là một sự kiện mà các lập trình viên, cùng những người liên quan trong ngành phát triển phần mềm như các nhà thiết kế đồ họa, thiết kế giao diện, quản lý dự án sẽ hợp tác với nhau trong thời gian ngắn để hoàn thành một dự án phần mềm. FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên của Tổ chức giáo dục FPT (FPT Edu), được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. Các thí sinh sẽ thi đấu theo đội, mỗi đội gồm 3-4 người. Cuộc thi có 2 bảng đấu với hệ thống giải thưởng riêng biệt và trải qua 3 vòng thi: vòng ý tưởng, vòng sơ loại và vòng chung kết. |
Diệu Anh
Ảnh: BTC
Ý kiến
()