Chúng ta

Người Việt Nam

Thứ ba, 10/7/2018 | 08:06 GMT+7

Bài viết về quá trình sáng tác bản Trường ca Người Việt Nam của nhạc sĩ Trương Quý Hải.

Rất ít nhạc sĩ Việt Nam dám dấn thân vào thể loại trường ca. Trong số gần 1.700 hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam chỉ có 5 nhạc sĩ dám viết trường ca, và trong số hàng ngàn nhạc sĩ còn lại, người ta cũng chỉ nhẩm được tên 5 người đã từng viết thể loại này. Đếm đi đếm lại trên google, cả nền tân nhạc Việt Nam với 80 năm tồn tại cũng chỉ có 13 tác phẩm được gọi là trường ca. Vậy mà Trương Quý Hải của chúng ta lại dám ghi danh mình vào nhóm người quý hiếm này.

Muốn biết vì sao rất ít nhạc sĩ dám viết trường ca, chúng ta hãy cùng tìm hiểu quá trình Trương Quý Hải sáng tác Người Việt Nam, bản trường ca 5 chương, dài 16 phút và được thực hiện trong 13 năm.

Năm 1993, đang trên đà thành công với hai ca khúc Hà Nội mùa vắng những cơn mưa và Khoảnh khắc, người nhạc sĩ trẻ Trương Quý Hải hừng hực muốn nối gót Văn Cao, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, sáng tác một bản trường ca. Khi đó anh nghĩ sáng tác trường ca đơn giản như viết vài ca khúc cùng chủ đề rồi ghép lại mượt mà với nhau. Và anh bắt đầu đi tìm đề tài cho bản trường ca của mình. Anh không ngờ công cuộc này đã làm anh mất đứt 5 năm cuộc đời.

Bước vào năm 1998, khi cả nhân loại bắt đầu lo sợ về sự cố thiên niên kỷ Y2K thì Trương Quý Hải lại cảm xúc về một thiên niên kỷ mới cho đất nước với hình ảnh người Việt Nam hiên ngang đạp bằng bão tố bước vào thế kỷ 21. Đó cũng chính là chủ đề anh đang tìm kiếm cho bản trường ca của mình. Như người mẹ luôn muốn đặt tên cho đứa con trước khi ra đời, anh đặt tên bản trường ca mình đang thai nghén là Người Việt Nam. Cảm hứng dâng trào, anh viết chương môt - Lời thề chỉ trong vài ngày. Dự định của anh là hoàn thành toàn bộ bản trường ca trong 2 năm và cho ra mắt đúng vào thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ.

Viết xong chương đầu tiên, Trương Quý Hải hăm hở định viết luôn chương 2, nhưng anh đã bế tắc. Một bản trường ca được cấu thành như một câu chuyện liền mạch, không ngắt nghỉ giữa các phần có chủ đề độc lập với nhau. Kết thúc chương một, anh không thể bước nối sang chương hai vì chính anh cũng chưa biết chương này anh sẽ viết về chủ đề gì. Phải mất 11 năm anh mới thoát khỏi sự bế tắc này. Có nhiều lý do anh đưa ra, nhưng lý do được coi chính đáng nhất là, từ năm 2003, anh gia nhập FPT và áp lực công việc của một Tổng thư ký Tổng hội đè nặng lên đội vai nhỏ thó của anh khiến anh không thể tập trung sáng tác.

Năm 2009, được giải thoát khỏi công tác quản lý vốn không hợp với mình, Trương Quý Hải có thêm nhiều thời gian ngồi đọc báo, uống nước chè đặc mỗi sáng. Trong một lần lim dim phê thuốc lào, anh lờ mờ đọc thấy trên trang Vietnamnet bài phóng sự về đội hùng binh Hoàng Sa. Hình ảnh những ngư dân mộc mạc, trong tay chỉ có tấm lưới, kiên gan bám biển như những người lính bảo vệ chủ quyển biển đảo quê hương làm anh xúc động. Anh đọc đi đọc lại bài phóng sự và quyết định chủ đề cho chương hai của bản trường ca. Hải đội Hoàng Sa được viết trên nền nhịp trống ngũ liên, nhịp trống cha ông ta chỉ sử dụng khi xóm làng, tổ quốc lâm nguy.

Chương ba của bản trường ca được Trương Quý Hải viết vào năm 2010, năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc. Nhìn lên bầu trời rực rỡ pháo hoa đêm 30/4, anh thấy hình ảnh đất nước thống nhất, sự đoàn viên của các gia đình ly tán, những người con xa xứ trở lại quê hương. Anh thấy cả linh hồn những người con nước Việt đã ngã xuống trên hai bờ chiến tuyến, hóa thân thành những đài hoa lửa rực sáng trên bầu trời. Người Việt Nam trên hành tinh này có thể vẫn còn nhiều khoảng cách với nhau, nhưng tất cả đều có chung một đức tin, đức tin về nòi giống Lạc Hồng đã kết nối linh hồn Việt. Chương ba - Đoàn viên được Trương Quý Hải hoàn thành trong những ngày trọng đại này.

Trương Quý Hải là người mong manh và nhạy cảm. Anh xót xa khi phải chứng kiến những bữa nhậu tràn ngập đồ ăn. Anh phẫn nộ khi đi qua những nhà hàng đặc sản thú rừng. Anh chỉ ăn rau tự trồng trên ban công nhỏ bé của mình. Mùa thu năm 2010, khi người dân cả nước long trọng kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì anh lại trăn trở. Thủ đô đã trải qua ngàn năm văn hiến mà sao vẫn ngổn ngang bộn bề. Đất nước đã hòa bình gần nửa thế kỷ mà đâu đó nỗi khổ vẫn còn dai dẳng. Môi trường bị tàn phá nặng nề. Thất thoát và lãng phí hiện diện khắp nơi. Tham nhũng và hối lộ vẫn len lỏi trong xã hội. Nhưng anh vẫn hy vọng về một tương lai tươi sáng, người Việt Nam vai sát vai kết đoàn, với đôi tay và khối óc vững vàng hồi sinh đất nước, kết nối bốn phương. Đó là nội dung chương 4 của bản trường ca mang tên Đêm trắng.

Cảm hứng cho chương năm của bản trường ca đến với Trương Quý Hải trong những ngày anh bế ru đứa con trai bé nhỏ của mình. Anh hát ru theo kiểu đàn ông, ru con mà cũng tự ru mình. Con sẽ có cả cuộc đời mênh mang với bao thăng trầm và khát vọng, như những mầm xanh sẽ nhú vươn lên đất cằn, như những chồi xanh sẽ lớn xanh tươi bất tận. Nguyện ước cho con cũng chính là nguyện ước cho cha, cho con vững bước thênh thang, cho con khí phách hiên ngang, cho con là người Việt Nam anh dũng, quật cường sức sống. Chương 5 - Cho con là người Việt Nam được Trương Quý Hải viết trên âm hưởng đại ngàn Tây Nguyên, bao la như tình cha, linh thiêng như trời đất che chở người dân nước Việt từ ngàn đời nay.

Trường ca Người Việt Nam được hoàn thành vào đúng ngày 19/8 lịch sử của năm 2010, sau gần 13 năm kể từ khi nhạc sĩ Trương Quý Hải viết những nốt nhạc đầu tiên. Bản trường ca được trình diễn lần đầu ngày 5/10/2010 - ngày khánh thành Con đường gốm sứ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, với sự trình diễn của 100 người FPT. Tiếp đó, ngày 9/10/2010, bản trường ca lại được vang lên xúc động và hào hùng bởi một dàn hợp xướng vĩ đại với 1309 cán bộ, nhân viên và sinh viên Đại học FPT. Năm 2014, Trường ca Người Việt Nam xuất hiện trong album Bình yên đất trời với sự trình diễn của NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Anh Thơ cùng dàn hợp xướng Đoàn Văn công FPT.

Trương Quý Hải tâm sự, hoàn thành được bản trường ca là cả một quá trình nghiên cứu, tìm tòi và tích lũy. Trong bản trường ca của mình, anh đã sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc đặc trưng của các vùng Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Nhưng còn một vấn đề vô cùng quan trọng và cũng là lý do khiến nhiều nhạc sĩ e ngại thể loại trường ca, đó là dàn dựng. Dàn dựng một bản trường ca đòi hỏi nhiều công sức và khá tốn kém vì cần phải huy động nhiều loại khí nhạc, nhiều ca sĩ cùng một dàn hợp xướng đủ lớn. Trương Quý Hải ngậm ngùi chia sẻ, lứa nhạc sĩ sáng tác trường ca sau này có phần thiệt thòi hơn so với các bậc tiền bối. Thời trước, một bản trường ca ra đời luôn được Dàn nhạc giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam đón nhận và dàn dựng. Còn thời nay, tác giả phải tự bỏ tiền để dàn dựng nếu muốn đứa con tinh thần của mình được cất tiếng khóc chào đời. Hải cũng nói anh là người khá may mắn vì bản trường ca của anh được FPT, và đặc biệt là TGĐ Bùi Quang Ngọc, hỗ trợ rất nhiều trong việc dàn dựng với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng như Đăng Dương, Anh Thơ, Tân Nhàn, và anh đặc biệt xúc động khi bản trường ca của mình được dàn hợp xướng, có thể nói là đông nhất Việt Nam, với 1.309 người FPT hát vang giữa đất trời Tổ quốc.

Trương Quý Hải vẫn còn một mong ước, một ngày nào đó, bản trường ca Người Việt Nam sẽ được Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dàn dựng và biểu diễn.

Không biết khi nào anh sẽ thực hiện được ước mơ này?

Lê Đình Lộc, Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT

FPT HO

Ý kiến

()