FPT Rapsody - thiên sử ca về FPT trong Hội diễn 2015. Ảnh: Bảo tàng FPT. |
Tối 13/9/1996, hội diễn văn nghệ đầu tiên của FPT được tổ chức trên sân khấu Rạp Khăn quàng đỏ trong Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Hội diễn này về sau có nhiều tên gọi như Hội diễn văn nghệ FPT, Hội diễn 13/9 và cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Hội diễn STCo. Với người FPT, chỉ cần nói hai từ “Hội diễn” thì ai cũng hiểu đó là đêm thi đấu nghệ thuật được chờ đón nhất trong năm.
Thực ra trước đó, người FPT đã nhiều lần biểu diễn trên các loại sân khấu khác nhau, từ quán bia, nhà hàng đến du thuyền, khách sạn và cả trên sân khấu cao quý của Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhưng bắt đầu từ lễ kỷ niệm thành lập FPT năm 1996, chương trình biểu diễn văn nghệ này được nâng lên thành Hội diễn STCo, tổ chức theo hình thức thi thố giữa các đơn vị và được một ban giám khảo có thành phần đa dạng chấm điểm, xếp hạng.
Hiếm có doanh nghiệp Việt Nam nào có nhiều lễ hội lâu đời như FPT. Hội diễn STCo tồn tại 20 năm liên tục. Đã có hàng nghìn lượt người FPT, không phân biệt thành phần, bước lên sân khấu. Đã có hàng trăm tiết mục đủ thể loại kịch nói, kịch câm, ca kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa ballet, múa đương đại, thơ, nhạc kịch, điện ảnh… được trình diễn. Có hội diễn hay, có hội diễn dở, nhưng vé mời năm nào cũng bị “cháy”.
Quay lại đêm hội diễn đầu tiên năm 1996. Theo anh Nguyễn Thành Nam (Hiệu trưởng FUNiX), linh hồn của các hội diễn STCo, thì hội diễn này là một “cuộc trình diễn vĩ đại” vì lần đầu tiên huy động được đông đảo người FPT tham gia với hơn 120 người (toàn FPT khi đó là 370 người). Ban tổ chức Hội diễn phải tuyên bố phá sản vì không có khả năng chi trả 50.000 đồng cho mỗi diễn viên như đã hứa. Người ta thấy cả những nghệ sĩ khiêm nhường nhất FPT như Đào Vinh, Hùng “Râu”, Thu Hà, Hương Huyền cũng bước lên sàn diễn. Vở ballet “Carmen - Hồ Thiên Nga” thực sự gây chấn động FPT khi đó.
Mai Thu Huyền (bên trái) với vai diễn ấn tượng nhất Hội diễn STCo 2002. Ảnh: Bảo tàng FPT. |
Sáng tạo nhất là Hội diễn STCo năm 2002. Sau hội diễn không mấy thành công trước đó, công ty giao nhiệm vụ cho các viện sĩ Viện Hàn lâm nghệ thuật FPT xây dựng ý tưởng cho hội diễn. Nhóm viện sĩ đưa ra ý tưởng táo bạo - mang Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du lên sân khấu STCo. Các viện sĩ đã cùng các nhà viết kịch bản, đạo diễn nổi tiếng FPT thảo luận và quyết định chia Đoạn trường tân thanh - phiên bản STCo - thành 7 phân đoạn tương ứng với phần thi của 7 nhà hát nghệ thuật.
Các viện sĩ được xuống từng đội để hỗ trợ phần kịch bản. Thậm chí, Viện Hàn lâm nghệ thuật FPT còn tổ chức buổi hội thảo về Truyện Kiều cho các nhà viết kịch bản, đạo diễn, trợ lý đạo diễn, âm thanh, ánh sáng cũng như diễn viên của các đội. Khách mời là nhà thơ Quang Huy, một học giả nổi tiếng nhiều năm nghiên cứu Truyện Kiều. Năm đó, Ban Giám khảo đã trao giải vở diễn hay nhất cho đội FPT IS và vai ấn tượng nhất là Thúy Kiều do diễn viên Mai Thu Huyền thủ vai.
Thảm họa nhất trong lịch sử là Hội diễn năm 2008. Thảm họa ập đến bất ngờ tại tiết mục thứ hai của chương trình. Phần hợp xướng chào mừng hội diễn của các học viên FPT Arena đang nghiêm trang và cảm động, bất ngờ xuất hiện hai nam diễn viên “thiếu vải” vô tư nhảy múa một cách cẩu thả khiến người xem ngượng ngùng và kinh hoảng tột độ. Ban tổ chức chưa có kinh nghiệm đối phó nên không kịp trở tay. Vài phút sau, hình ảnh của tiết mục này đã xuất hiện trên Youtube, để lại hậu quả khủng khiếp cho FPT.
Và không thể không nhắc đến những giọt nước mắt trong Hội diễn STCo. Đó là sự thiêng liêng đối với người FPT. Năm 2012, chúng ta chứng kiến các nghệ sĩ FPT Telecom biểu diễn trong sự la ó của khán giả. Như không có chuyện gì xảy ra, các diễn viên vẫn tập trung diễn xuất theo đúng kịch bản. Ngay cả khi Ban tổ chức kéo màn, tắt micro, họ vẫn kiên cường bám sân khấu với mong muốn được diễn hết tiết mục. Chỉ đến khi tấm màn sân khấu hoàn toàn ngăn cách diễn viên với khán giả, họ mới ôm nhau òa khóc nức nở vì tủi thân. Hội diễn năm sau, vẫn chính họ, đã biểu diễn trọn vẹn tiết mục xuất sắc nhất hội diễn trong tiếng vỗ tay của khán giả. Họ lại bật khóc khi đứng trên bục vinh quang vì vui sướng và hạnh phúc.
Đỉnh cao nghệ thuật là Hội diễn STCo năm 2015. Trong đêm diễn, 7 nhà hát cùng trình diễn vở đại nhạc kịch FPT Rhapsody - một thiên sử ca về FPT tử thuở hồng hoang, trải qua những ngày khốn khó, lên đường viễn chinh làm cuộc thánh chiến xuất khẩu phần mềm với một niềm tin vĩ cuồng. Bảy chương của vở nhạc kịch được diễn liên tục trên nền các vở nhạc kịch kinh điển thế giới như: Les miserables, Phantom of the opera, Notre-Dame de Paris, Carmina Burana… khiến khán giả hoang mang và ngất ngây.
Nếu như trước kia, các đội luôn tự lựa chọn cho mình một hình thức nghệ thuật phù hợp với khả năng của diễn viên, thì tại hội diễn này, tất cả đồng loạt trình diễn cùng một loại hình nghệ thuật cao cấp để khẳng định sự đa tài và toàn diện của các nghệ sĩ FPT.
Đặc trưng của Hội diễn STCo là hài hước, sáng tạo và tự sướng. Tất nhiên không phải hội diễn nào cũng thành công, không phải tiết mục nào cũng hay, nhưng người FPT vẫn luôn chờ đợi đêm hội diễn, bởi họ luôn tìm thấy ở đó những tiết mục đầy tính sáng tạo bất ngờ. Từ các tiết mục thời xa xưa như Hồ Thiên Nga, Trương Chi, Tư vấn tình yêu, Kiều đơ, Nam mô Sâu Sáng Tuyệt Thông Phong đến các tiết mục gần đây như: Trường dạy phù thủy, Ai là số 1, Cây khế, Thằng gù nhà thờ Đức bà, Lã Bố hý Điêu Thuyền… đều mang tính nghệ thuật và đầy ắp tiếng cười.
Để có 10 phút trên sân khấu, các đội đã bàn bạc, tập luyện, giận hờn, lo lắng, hồi hộp, căng thẳng suốt một tháng trời và sau đó vỡ òa sung sướng khi màn hạ. Giải thưởng có lẽ không sướng bằng đi nhậu để bàn luận tiếp về tiết mục của đội mình ngay sau đêm diễn và dư âm của nó còn kéo dài vài tuần nữa.
Nhiều người cho rằng các hội diễn gần đây đã bắt đầu khô khan, tẻ nhạt, đang dần mất đi tính sáng tạo, hài hước, không còn hấp dẫn như xưa. Họ đặt câu hỏi: “Định hướng của sân khấu STCo nên như thế nào để vẫn là món ăn tinh thần đậm đà của người FPT?” Câu trả lời là, chúng ta không thể định hướng cho tương lai của sân khấu STCo. Người FPT tầng tầng, lớp lớp, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước và họ mới chính là người quyết định tương lai của FPT, của Hội diễn STCo. Và tôi tin chắc rằng, Hội diễn STCo sẽ luôn tồn tại song hành với FPT.
Lê Đình Lộc
Ý kiến
()