Chúng ta

Trụ vững tại đất Cảng

Thứ năm, 16/2/2012 | 14:38 GMT+7

Chất lượng dịch vụ và sự tận tâm là cách để Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) và Công ty TNHH Phân phối Công nghệ Viễn thông FPT (F9, thuộc FPT Trading), hai đơn vị có chi nhánh tại Hải Phòng, "lấy lòng" khách hàng ở đây.

FPT Telecom có mặt tại địa phương đông dân thứ ba cả nước (sau Hà Nội và TP HCM) từ năm 2007, bằng việc mở chi nhánh cung cấp dịch vụ Internet. Tiến về đất Cảng là quyết định đúng đắn của FPT Telecom bởi đây là thị trường lớn tại khu vực phía Bắc, có tiềm năng về dân số và kinh tế.

Theo Giám đốc FPT Telecom chi nhánh Hải Phòng Phạm Trung Hà, người dân thành phố này có xu hướng tiếp cận CNTT rất mạnh mẽ, do đó thị trường Internet băng rộng tại đây sẽ tiếp tục phát triển.

Bên cạnh sự phát triển thuê bao Internet, các dịch vụ giải trí, truyền hình tại khu vực này cũng rất khởi sắc, đặc biệt là dịch vụ truyền hình trực tuyến IPTV, đang “qua mặt” thị trường truyền hình thông thường. “Do đó, cơ hội phát triển của FPT Telecom tại Hải Phòng là rất lớn”, anh Hà nhìn nhận.

Nhân sự của FPT Telecom chi nhánh Hải Phòng đang là 136 người. Ảnh: FPT Telecom.

Nhân sự của FPT Telecom chi nhánh Hải Phòng đang là 136 người. Ảnh: FPT Telecom.

Thực tế, mảnh đất giàu tiềm năng như Hải Phòng luôn là đích đến của bất cứ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nào. Vì thế, tại thị trường này, FPT Telecom đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ lâu đời.

Để giành được thị phần, cách của FPT Telecom là tiếp cận khách hàng bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Trước hết là việc xây dựng lòng tin với khách hàng.

Đặc điểm của khách hàng tại thành phố Hoa phượng đỏ thường khó tính hơn khu vực khác. Để chiều lòng “thượng đế”, FPT Telecom phải liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm giữ chân khách hàng, đồng thời nâng cao uy tín tại địa phương.

“Công ty căn cứ vào đặc thù tính cách của người dân để xây dựng những chiến lược tiếp cận khách hàng trực tiếp một cách tỉ mỉ, kiên nhẫn và nhiệt tình. Đây là điểm khác biệt với một số thị trường khác”, anh Kiều Văn Khánh, Trưởng Phòng Kinh doanh FPT Telecom chi nhánh Hải Phòng, cho biết.

Với tiêu chí kinh doanh chất lượng gắn liền với sự hài lòng của khách, FPT Telecom đang dần chiếm lĩnh thị trường và đạt được niềm tin về sản phẩm, dịch vụ của người tiêu dùng. Sau 5 năm, đến nay, chi nhánh đã phát triển được 16.000 thuê bao Internet và đang là chi nhánh tỉnh có số khách hàng lớn nhất của FPT Telecom. Chi nhánh cũng đã có hạ tầng kỹ thuật, cung cấp dịch vụ cho người dân ở 5 quận và một huyện tại Hải Phòng.

Trong năm 2012, FPT Telecom Hải Phòng đặt kế hoạch phát triển thuê bao Net tăng trưởng 38% so với 2011. Doanh thu từ thị trường này dự kiến tăng 41% so với năm trước.

Đội ngũ kinh doanh của F9 Đông Bắc Bộ. Ảnh: F9.

Đội ngũ kinh doanh của F9 Đông Bắc Bộ. Ảnh: F9.

Chi nhánh cũng sẽ tăng sự hiện diện của mình tại một số huyện ngoại thành và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tại các khu vực còn lại trong thành phố.

“Đây là một kế hoạch thách thức đòi hỏi toàn bộ CBNV chi nhánh phải nỗ lực làm việc để đạt được chỉ tiêu. Chúng tôi tin tưởng bằng sự quyết tâm của Ban lãnh đạo và CBNV, Chi nhánh Hải Phòng sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra”, anh Hà khẳng định.

Hải Phòng là thành phố đông dân cư thứ ba của cả nước, sau Hà Nội và TP HCM, với gần 2 triệu dân. Hải Phòng có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam, xác định đến năm 2015 sẽ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp cùng với Quảng Ninh, đi trước cả nước 5 năm và dự kiến trước năm 2020 - muộn nhất là 2025, sẽ là thành phố thứ ba xếp loại đô thị đặc biệt. Tầm nhìn từ năm 2025 đến năm 2050 sẽ trở thành thành phố quốc tế.

Hiện tại, Hải Phòng có 7 quận nội thành, 6 huyện ngoại thành và 2 huyện đảo. Dự kiến, đến năm 2025, Hải Phòng sẽ tiến hành chia tách các huyện cũ để thành lập 5 quận mới, nâng tổng số quận lên thành 12 quận, mở rộng vùng trung tâm.

Hiện tại, số nhân sự của FPT Telecom Hải Phòng là 136 người. Đội ngũ trẻ và chất lượng này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho chi nhánh.

Xác định Hải Phòng là thị trường trọng điểm, nhất là trong giai đoạn mới, nên cuối năm 2011, Công ty TNHH Phân phối Công nghệ Viễn thông FPT (F9 - đơn vị chuyên phân phối điện thoại Nokia) cũng đã tiến hành mở chi nhánh tại đây.

Việc mở chi nhánh ở khu vực có tốc độ phát triển kinh tế, dung lượng thị trường và số lượng khách hàng tiềm năng như Hải Phòng không chỉ giúp F9 hoàn thành được các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận mà còn nhằm nâng cao chất lượng kênh phân phối để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường và phục vụ cho chiến lược dài hạn hơn trong tương lai.

Giám đốc Kinh doanh F9 Lê Xuân Thủy cho biết, nếu chỉ có kho hàng tại Hà Nội để phân phối cho toàn miền Bắc thì tốc độ giao hàng cũng như việc kiểm soát thị trường sẽ không đáp ứng tốt được tiêu chuẩn đề ra. Hiện diện tại đất Cảng sẽ giúp F9 rút ngắn thời gian giao hàng cho các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương.

Đầu năm 2012, chi nhánh F9 tại khu vực Đông Bắc Bộ sẽ hoạt động chính thức. Theo đó, Hải Phòng là thị trường trung tâm của khu vực, với hai vệ tinh là tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương.

Kế hoạch của F9 là sau khi thâm nhập thị trường sẽ mở rộng hướng kinh doanh bằng việc tiến ra 8 huyện, thay vì chỉ tập trung tại thành phố. “Đây là thị trường tiềm năng, F9 cần đi tắt đón đầu, để đảm bảo hàng hóa FPT có thể bao phủ phạm vi rộng hơn và kiểm soát thị trường tốt hơn”, anh Bùi Thành Dương, Giám đốc chi nhánh Đông Bắc Bộ của F9, đánh giá. Thời gian tới, chi nhánh sẽ nâng số đại lý của mình lên gấp 3 lần, với hệ thống hơn 100 đại lý có giao dịch thường xuyên.

Anh Dương cũng cho rằng, các chỉ tiêu F9 đặt ra đều rất khả quan, bởi Hải Phòng là thị trường lớn, lâu đời và có sức tiêu thụ tốt.

Tuy nhiên, đặc điểm của khách hàng tại khu vực này là yêu cầu cao. Mặt khác, đây cũng là thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt.

“Vùng Đông Bắc tiếp giáp với Trung Quốc cũng là nơi có giao dịch biên mậu sôi động, hàng trôi nổi nhiều cũng là một thách thức đáng kể phải để mắt tới. Bên cạnh đó, Nokia và các hãng đối thủ tiếp tục ở thế giằng co. F9 cũng không có lợi thế so sánh tuyệt đối mà phải “giành từng tấc đất” thị phần, nên dù rất lạc quan nhưng không có nghĩa là không cần thận trọng”, Trưởng Phòng Phân tích Kinh doanh F9 Trịnh Ngọc Biên nhìn nhận.

Để kinh doanh tốt đòi hỏi F9 phải có những chiến lược để ứng phó. “Công ty cũng phải đưa ra những chính sách mềm dẻo, khéo léo khi mở rộng thị trường và hệ thống khách hàng ra huyện ngoại thành, cố gắng hài hòa lợi ích giữa các bên, nếu không sẽ dễ gây xung đột kênh phân phối với các đại lý bán buôn hiện tại khi đây cũng là thị trường truyền thống của họ”, anh Dương phân tích.

Giống như FPT Telecom, cách để F9 "lấy lòng" khách hàng tại khu vực này là “luôn luôn cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng phân phối”. Bên cạnh đó, F9 cũng cần bổ sung các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ quản lý bán hàng, tài chính, nhân sự cho khách hàng nhằm đảm bảo đại lý có thể phát triển bền vững lâu dài. Theo anh Dương, đây cũng là cách để xây dựng mạng lưới khách hàng trung thành, gắn bó với FPT.

F9 dự kiến chi nhánh sẽ ”hái quả” sau hai năm, khi đó bộ máy nhân sự và hệ thống phân phối mới cũng đã đi vào ổn định và sẽ phát huy được tối đa những lợi thế sẵn có. Hiện tại, chi nhánh hoàn tất việc tuyển dụng tăng cường đội ngũ với quân số 15 người.

Lâm Thao

Ý kiến

()