Chúng ta

Tham vọng kết nối 5 tỷ người của Facebook có thể mất 20 năm

Thứ sáu, 23/8/2013 | 08:47 GMT+7

Mark Zuckerberg có thể muốn kết nối thêm 5 tỷ người vào Internet, nhưng các nhà phân tích cho rằng nỗ lực này mang theo nhiều vấn đề về công nghệ cũng như văn hóa, chính trị và sẽ mất nhiều năm để tháo gỡ.
> Google và giấc mơ Internet trên những quả bóng bay

Theo Computer World, Zuckerberg, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Facebook, công bố sáng sớm hôm thứ Tư rằng ông đang làm việc với một nhóm công ty công nghệ để cố gắng đẩy nhanh việc cung cấp truy cập Internet cho 2/3 dân số thế giới chưa được kết nối.

“Chúng tôi muốn tất cả mọi người ở bất cứ đâu, ví dụ một đứa trẻ ở Ấn Độ chưa bao giờ dùng máy vi tính, có thể vào cửa hàng, mua một chiếc điện thoại di động và tiếp cận với tất cả những gì chúng ta yêu thích về Internet. Họ có thể tiếp cận với y tế, liên lạc với người thân sống ở cách xa. Kết nối với Internet là quyền con người”, ông chủ Facebook nói.

d

Mark Zuckerberg mới công bố tham vọng muốn kết nối thêm 5 tỷ người vào Internet. Ảnh: Yahoo.

Nhóm nghiên cứu, bao gồm Ericsson, MediaTek, Nokia, Opera, Qualcomm và Samsung, đang tung ra một dự án có tên gọi Internet.org với mục tiêu cung cấp quyền truy cập Internet cho 5 tỷ người trên thế giới. Theo dự án, Facebook cùng các đối tác phát triển các dự án, chia sẻ kiến thức, hợp tác với chính phủ các nước… để thúc đẩy kết nối Internet bằng công nghệ di động.

Zuckerberg khẳng định trong vài năm qua, Facebook đã đầu tư 1 tỷ USD vào nỗ lực giúp người dân các nước đang phát triển kết nối với Internet. Anh bày tỏ hy vọng Facebook và các công ty công nghệ sẽ có thể đầu tư nhiều hơn nữa để thực hiện mục tiêu này.

Tuy nhiên, Facebook không cho biết phải mất bao lâu mới có thể kết nối được nhiều người như vậy, cũng như không đưa ra bất kỳ dự án nào đang được tiến hành. Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, nói rằng sáng kiến này sẽ tập trung vào phát triển công nghệ rẻ hơn, điện thoại thông minh chất lượng cao hơn và làm cho kết nối di động có giá cả phải chăng hơn, trong khi cũng đầu tư vào các công cụ, như nâng cao tốc độ mạng và khả năng nén dữ liệu, làm giảm đáng kể số lượng dữ liệu cần thiết để sử dụng hầu hết các ứng dụng và các trang web.

Dan Olds, nhà phân tích của The Gabriel Consulting Group, cho biết, sáng kiến này sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể, và ông không tin nó có thể thành hiện thực trong vòng từ 10 đến 20 năm tới. “Tôi nghĩ rằng mục tiêu này có thể thực hiện được, nhưng đây quả là một mục tiêu rất lớn, sẽ phải mất nhiều thời gian và một khoản đầu tư lớn. Họ sẽ phải đối phó với các vấn đề như cơ sở hạ tầng, chính trị và văn hóa. Có những vấn đề nghiêm trọng hơn các vấn đề về kỹ thuật, và đây mới thực sự là khó khăn cần vượt qua”.

Ezra Gottheil, một nhà phân tích đến từ Technology Business Resources, cho biết, ông dự đoán nhóm nghiên cứu sẽ mất không dưới 10 năm để mang lại quyền truy cập đến các khu vực nghèo khó, hẻo lánh hay những nơi thường có biến động chính trị. Ông cũng nói thêm rằng những gã khổng lồ tạo ra được nhiều lợi nhuận nhất từ mạng Internet như Facebook, Google và Amazon.com có thể sẽ phải hỗ trợ lẫn nhau để mở rộng kết nối toàn cầu.

d

Theo dự án, Facebook cùng các công ty Ericsson, MediaTek, Nokia, Opera, Qualcomm và Samsung sẽ phát triển các dự án, chia sẻ kiến thức, hợp tác với chính phủ các nước… để thúc đẩy kết nối Internet bằng công nghệ di động. Ảnh: Clickbooth.

“Rào cản lớn tiếp theo là con số 5 tỷ người ấy không có đủ khả năng để gánh chịu cho phí truyền thông cao hơn. Các doanh nghiệp trên Web đều được hưởng lợi từ sự kết nối này, và họ cần trợ cấp để kế hoạch này có thể được thực hiện”, Gottheil cho biết thêm.

Ông cũng lưu ý rằng những dòng điện thoại thông minh đơn giản có thể cần các ứng dụng và nội dung Internet ít rườm rà. Giá trị quan trọng để có thêm người tham gia trực tuyến là cung cấp cho họ thông tin hay cho phép họ thực hiện một giao dịch. Điều đó cũng có nghĩa là sự trở lại ở mức quy mô của văn bản với đồ họa, âm thanh và tránh xa những ứng dụng băng thông rộng phức tạp như streaming video (truyền trực tiếp sự kiện trên Internet).

Patrick Moorhead, nhà phân tích của Moor Insights & Strategy, cũng đồng tình với ý kiến của Olds và Gottheil rằng có thể phải mất 10 đến 15 năm để thực hiện dự án kết nối. “Tôi hoài nghi vì những sáng kiến kiểu này rất khó để có thể thực hiện. Hãy xem mỗi quốc gia như một dự án riêng biệt, quy mô của kế hoạch quả thựclà rất khổng lồ”, ông nói.

Nế dự án này thành công, 5 tỷ người sẽ có thể kết nối Internet thông qua Facebook. Điều đó cũng có nghĩa họ có thể sẽ sử dụng Facebook trong một thời gian rất dài và túi tiền của Facebook sẽ ngày càng dày hơn. Olds lưu ý rằng nhiều người dân ở các nước đang phát triển có thể không có nhiều tiền để chi tiêu, nhưng các nhà quảng cáo vẫn sẽ muốn lấy nhiều tiền nhất có thể từ họ.

"Các nhà quảng cáo sẽ không quảng cáo một chiếc Lexus đời mới nhất ở đây, nhưng họ có thể quảng cáo về một dịch vụ xe buýt. Với một thị trường đang phát triền và có rất ít sự cạnh tranh, cơ hội kiếm tiền dành cho tất cả mọi người tham gia. Đây là một trong những thị trường rất lớn chưa được khai thác triệt để”, ông Odds nhận định.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính hiện hơn 4,5 tỷ người trên thế giới không có cơ hội tiếp cận Internet. Ví dụ, ở Eritrea chỉ có 0,8% dân số truy cập mạng. Tỷ lệ này ở Timor-Leste là 0,9% và ở Myanmar là 1,1%. Ngay cả một quốc gia giàu có như Mỹ cũng có tới 19% dân số không truy cập mạng.

Ngoài Facebook và các công ty công nghệ trên, những tập đoàn khác cũng đang thực hiện các dự án tương tự. Theo CNN,  Google đang triển khai các khinh khí cầu với ăngten radio lên bầu khí quyển theo dự án Loon nhằm giúp tăng cường kết nối Internet. Hãng Alcatel-Lucent đang đưa công nghệ rẻ tiền lighRadio tới các ngôi làng nhỏ ở những nước nghèo.

Microsoft đã khởi động dự án cung cấp Internet và công nghệ di động ở châu Phi. Một số hãng điện thoại di động đang phát triển điện thoại thông minh (smartphone) giá cực rẻ, chỉ khoảng chưa đầy 15 USD/chiếc, để giúp người sử dụng có cơ hội kết nối với Internet.

Lan Chi

Ý kiến

()