Chúng ta

BPO không phụ thuộc nguồn lực CNTT

Thứ năm, 15/11/2012 | 10:53 GMT+7

"Với BPO, FPT Software có thể tạo ra đột phá trong tăng trưởng mà không bị phụ thuộc vào nguồn lực CNTT của Việt Nam", anh Nguyễn Anh Quân, Ban Phát triển Kinh doanh FPT Software, khẳng định.
> Đưa Việt Nam thành điểm đến của ngành BPO

Trung tâm Gia công quy trình doanh nghiệp (Business Process Outsourcing - BPO) đầu tiên của FPT Software vừa được khai trương sáng 12/11, tại tòa nhà FPT Đà Nẵng. TGĐ FPT Software Nguyễn Thành Lâm cùng ông Masahiro Miyatake - Chủ tịch kiêm TGĐ của Hitachi Management Partner Co., (HMP) - đã cắt băng khánh thành trung tâm hợp tác BPO giữa hai bên với tên gọi Danang Offshore Center.

Lãnh đạo

Lãnh đạo Hitachi và FPT Software cắt băng khai trương trung tâm hợp tác BPO đầu tiên của hai bên tại Đà Nẵng. Ảnh: Hữu Phong.

Theo kế hoạch Trung tâm bắt đầu với 13 người, tháng 3/2013 sẽ tăng lên 24 người, cuối năm 2013 là khoảng 50 người.

Anh Vũ Văn Đông – Tân GĐ BU17, thuộc Đơn vị Phần mềm chiến lược số 17 (BU17.FSU17) cho biết: “Công việc xây dựng văn phòng và chuẩn bị cho Danang Offshore Center được thực hiện từ cuối tháng 9 và hiện tại đã sẵn sàng cho công việc theo như kế hoạch ban đầu với khách hàng. Trung tâm đi vào hoạt động thử từ ngày 9/11”.

Trong suốt quá trình chuẩn bị chỉ trong vòng 1,5 tháng, việc khó khăn nhất là thống nhất phương án về thiết kế cũng như các trang thiết bị... cho văn phòng diễn ra rất khó khăn do khách hàng thường xuyên thay đổi phương án, tuy nhiên bộ phận văn phòng đã nỗ lực hoàn thành, thậm chí đội xây dựng còn phải làm thêm giờ để kịp thời hạn khách hàng mong muốn.

Bản thân HMP giữa tháng 10 sang thăm để khảo sát về tiến độ, cơ sở hạ tầng, mạng, cũng ngạc nhiên và đánh giá cao việc chuẩn bị của FPT Software Đà Nẵng.

Đơn vị BU17.FSU17 ngoài mảng BPO cũng đảm nhận việc bảo trì, xây dựng lại các hệ thống phần mềm về nhân sự, cũng như các hệ thống khác đang được áp dụng cho toàn bộ Hitachi tại Nhật và mục tiêu sẽ áp dụng cả các công ty con của Hitachi trên toàn cầu.

Giám đốc Vũ Văn Đông tự tin: “Tôi nghĩ mảng việc phát triển phần mềm có thể đem lại tăng trưởng trước mắt, nhưng BPO sẽ giúp BU17 có được sự tăng trưởng bền vững hơn. Để đảm bảo kết quả này, BU17 cũng sẽ đầu tư nguồn lực để nắm nghiệp vụ các hệ thống chính của HMP”.

Trong năm nay, nếu việc tuyển nguồn lực cho các dự án phát triển phần mềm gặp nhiều khó khăn, thì việc tuyển dụng cho công việc BPO lại rất suôn sẻ. Như vậy có thể khẳng định nguồn lực để đáp ứng công việc này còn đang rất dồi dào.

Tuy nhiên để chuẩn bị nguồn lực tốt, FSU17 và HMP đã đưa ra lịch thảo luận định kỳ về công việc và kế hoạch nguồn lực cho Trung tâm. Dựa vào đó BU17 sẽ kết hợp với bộ phận đào tạo tân binh để đào tạo trước sau đó sẽ đưa vào Trung tâm theo như kế hoạch.

Về cơ cấu tổ chức, trong thời gian đầu, việc thống nhất, tuân thủ về quy trình với khách hàng là rất quan trọng, nên anh Đông sẽ chịu trách nhiệm chính và trực tiếp quản lý trung tâm để tạo niềm tin cũng như thảo luận về kế hoạch phát triển cho Trung tâm.

GĐ FSU17 Lê Vĩnh Thành bật mí: “BPO chia làm 3 tầng công việc đòi hỏi 3 mức khó khác nhau. Hầu hết hiện nay tại Việt Nam làm ở mức 3, mức thấp nhất – tức là Data Entry (nhập liệu). Cụ thể công việc nhập dữ liệu đơn thuần. Trung tâm Danang Offshore Center làm ở mức 2 - Nghiệp vụ Nhân sự cho HMP”.

BPO là chiến lược kinh doanh mới nằm trong nhóm New Business của FPT Software bắt đầu triển khai từ nửa cuối năm 2012. Anh Nguyễn Anh Quân, cán bộ Ban Phát triển kinh doanh FPT Software (FWB), người từng có trọng trách theo đuổi hướng kinh doanh này của FPT Software cho biết: “BPO tại Việt Nam còn rất manh mún, thậm chí chưa thành một ngành công nghiệp, những công ty có số lượng nhân viên trên 200 người có thể đếm trên đầu ngón tay".

Anh Nguyễn Anh Quân. Ảnh: Hoàng Long.

Anh Nguyễn Anh Quân. Ảnh: Hoàng Long.

"Theo như tôi được biết thì Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đang nhận trách nhiệm là cơ quan đại diện cho lĩnh vực BPO ở Việt Nam. Trong khi đó Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines đã tiến rất xa trong lĩnh vực này, với hàng triệu người lao động và doanh thu lên đến vài chục tỉ USD”, anh nói.

Theo anh Quân, khác với một dự án phần mềm, BPO gắn liền với hoạt động hằng ngày của một doanh nghiệp nên chừng nào doanh nghiệp đó còn hoạt động thì nhu cầu BPO còn tiếp tục phát triển. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam.

"Sinh sau đẻ muộn" trong lĩnh vực này, nhưng FPT vẫn có lợi thế về giá và đặc biệt là lợi thế về tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên (turn-over-rate) thấp. Ở Ấn Độ, tỷ lệ này lên đến 60%, ở mức báo động và khiến nhiều khách hàng lo ngại cho sự ổn định của các trung tâm BPO. Trong khi đó tạo ra công ăn việc làm có giá trị gia tăng cao như BPO lại có thể thu hút được rất nhiều lực lượng lao động trẻ.

Lợi thế của BPO so với Software là yếu tố nguồn lực, không đòi hỏi chuyên môn cao, có một số dịch vụ BPO chỉ cần tốt nghiệp cấp 3, biết đánh máy nhanh và không hề đòi hỏi trình độ ngoại ngữ dù làm cho nước ngoài.

Hằng năm Việt Nam có 1 triệu lao động tham gia thị trường, đây sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam đẩy mạnh BPO thành một ngành công nghiệp mũi nhọn trong thời gian tới.

Hiện tại, FPT mới làm BPO với thị trường Nhật Bản. Đây là thị trường khó tính nhất, nhưng FPT vẫn làm được nên công ty tin tưởng cũng có thể chinh phục các thị trường khác. Trong khi đó, BPO là một khái niệm rất rộng, bao trùm nhiều quy trình tác nghiệp của doanh nghiệp, từ nhân sự, tài chính đến hành chính và marketing, nên mở ra thêm nhiều cơ hội cho FPT Software.

Đánh giá về cơ hội của FPT Software trong mảng thị phần BPO tại Việt Nam, anh Quân khẳng định FPT Software có nhiều thuận lợi và lợi thế khi bước vào lĩnh vực này.

FPT Software đã và đang làm một số dịch vụ BPO như DMC của FSU11, DMS Call Center của FSU3 hay Training Services của FSU15.BU0. Công ty cũng có thể khai thác các khách hàng có sẵn trong mảng phần mềm, mở rộng sang dịch vụ BPO cho chính các khách hàng đó. Ngoài ra, BPO đòi hỏi sự hỗ trợ của hệ thống phần mềm phải luôn luôn cập nhật và tối ưu hóa, đó chính là nghề truyền thống của FPT Software từ trước đến nay.

"Với BPO, FPT Software có thể tạo ra đột phá trong tăng trưởng mà không bị phụ thuộc vào nguồn lực CNTT của Việt Nam", anh Quân quả quyết.

Hoàng Sơn

Ý kiến

()