Chúng ta

Bốn xu hướng công nghệ quan trọng cho tương lai

Thứ tư, 9/1/2013 | 10:59 GMT+7

Bốn từ được các chuyên gia trong ngành công nghiệp công nghệ cao nhắc đến nhiều nhất hiện nay là: Big Data, điện toán đám mây, truyền thông xã hội và mang thiết bị cá nhân đi làm.
> Công nghệ thông minh cho năm 2013

2013 đã bắt đầu, một năm mới với những thách thức mới. Hãy xem các chuyên gia nói gì về bốn công nghệ chủ chốt đóng vai trò lớn trong năm nay.

Big Data

“Big Data cho phép các doanh nghiệp Malaysia phản ứng nhanh nhạy hơn với thị trường”, ông Lacerda, giám đốc điều hành Microsoft Malaysia, chia sẻ.

Big Data là một trong những từ thông dụng được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2012 và sẽ còn được nhắc nhiều trong năm 2013. Đây là một tập hợp các dữ liệu phức tạp. Nếu biết khai thác một cách thích đáng, nó có thể giúp các công ty hiểu rõ hơn về khách hàng của mình.

d

Big Data là một trong những từ thông dụng được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2012 và sẽ còn được nhắc nhiều trong năm 2013. Ảnh minh họa.

Theo ông Carlos Lacerda, với sự bùng nổ theo cấp số nhân về cơ sở dữ liệu, đặc biệt từ các nguồn phi cấu trúc như mạng xã hội, khiến cho nhu cầu khai thác tất cả các thông tin xung quanh chúng ta cho tầm nhìn chiến lược và lợi thế kinh doanh ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, việc khai thác dữ liệu từ Big Data vẫn còn rất nhiều thách thức.

“Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng khi 90% dữ liệu là phi cấu trúc”, ông KT Ong, Tổng giám đốc Dell Malaysia, cho biết.

Còn theo ông Prakash Mallya, quản lý bán hàng và tiếp thị, Intel Malaysia: “Với quá nhiều dữ liệu phi cấu trúc, đặc biệt từ các trang mạng xã hội, vấn đề quản lý thông tin đời tư của người sử dụng cần được đặt lên hàng đầu”.

Dữ liệu phi cấu trúc được biết đến dưới nhiều định dạng khác nhau như văn bản, video, hình ảnh…, khiến việc nghiên cứu ngày càng trở nên khó khăn hơn, tuy nhiên nó lại giúp tiết lộ các mối quan hệ qua lại mà không thể xác định bằng các hình thức khác.

Các tổ chức có thể quản lý và phân tích dữ liệu sẽ có những hiểu biết sâu sắc hơn và phong phú hơn trong ngành nghề kinh doanh và các khách hàng tiềm năng của mình.

Theo nhận định của các chuyên gia, đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân (The Personal Data Protection Act, PDPA) ra đời sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cách khai thác dữ liệu từ Big Data.

Điện toán đám mây

Điện toán đám mây không còn là một khái niệm quá xa vời, nhưng vẫn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ. Các công ty lớn đã bắt đầu chi tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây, nhưng vẫn còn rất nhiều những ngần ngại về công nghệ này.

“Bảo mật và quản trị dữ liệu tiếp tục là những mối bận tâm khiến các tổ chức ngần ngại nhảy lên ‘đám mây’”, ông Roger Ling, giám đốc nghiên cứu IDC, cho biết.

Ông Roger Ling nhận định, để đảm bảo an toàn, nhiều người sẽ bắt đầu với một cơ sở hạ tầng điện toán đám mây cá nhân trước.

d

Điện toán đám mây cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm chi phí mua bán, cài đặt và bảo trì máy tính. Ảnh minh họa.

Theo Tổng giám đốc Dell Malaysia, các tổ chức phải nhận ra rằng họ có nguy cơ bị tụt lại phía sau nếu chờ đợi quá lâu mới đi theo hướng công nghệ này.

“Việc thực thi đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân sẽ phần nào dập tắt những nỗi lo lắng còn tồn tại. Nhưng điều cần thiết nhất hiện nay chính là bộ luật cho phép khống chế những nội dung được lưu trữ trong các đám mây”, KT Ong nhấn mạnh.

Điện toán đám mây giúp các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tăng lực bằng cách cho phép họ cơ hội đến gần hơn với một cơ sợ hạ tầng CNTT có khả năng mở rộng và ít phức tạp hơn cùng nguồn thông tin phong phú với chi phí thấp hơn. Đây chính là một thuận lợi lớn dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Điện toán đám mây cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm chi phí mua bán, cài đặt và bảo trì máy tính. Khách hàng chỉ phải trả tiền cho các dịch vụ công nghệ mà họ sử dụng, đồng thời chủ động tăng, giảm quy mô công nghệ cho phù hợp với khả năng gần như ngay lập tức, nếu muốn”, ông Lacerda khẳng định.

Ông Laurence Si, quản lý vùng của VMware Malaysia, cho biết, các tổ chức, doanh nghiệp xem điện toán đám mây như một phương tiện để được nhiều hơn với ít chi phí hơn và là nơi để giải phóng nguồn tài nguyên cũng như nguồn cung cấp các phát minh, sáng tạo mới.

“Điều này cho phép các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, dễ dàng thâm nhập vào các thị trường mới, cũng như tăng năng suất lao động của đội ngũ nhân viên”, Laurence Si hào hứng.

Truyền thông xã hội

Một xu hướng nữa cũng giành được rất nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp trong năm 2012 chính là việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội phục vụ cho công việc kinh doanh.

“Ngày càng có nhiều công ty tìm cách tận dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin và tăng khả năng cộng tác trong môi trường làm việc”, ông Lacerda cho biết.

Nghiên cứu mới nhất của Microsoft - IDC đã chỉ ra rằng, 82% các công ty ở châu Á đang xem xét xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội trong vòng 18 tháng tới.

d

Ngày càng có nhiều công ty tìm cách tận dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin và tăng khả năng cộng tác trong môi trường làm việc. Ảnh minh họa.

Đây là một xu thế vận động tất yếu do lực lượng lao động trẻ ngày càng gia tăng, nhanh chóng tiếp nhận các tiện ích của truyền thông xã hội cùng truyền thống kinh doanh dựa trên các mối quan hệ. Các công ty như Dell đã được hưởng rất nhiều lợi ích từ phương tiện truyền thông xã hội.

“Kể từ khi giới thiệu DellCares @ vào năm 2010, chúng tôi đã có thể kết nối trực tiếp với khách hàng và nhận được những phản hồi từ họ. Dell Malaysia đã biến một phần lớn những người từng chỉ trích thành đội ngũ những người quảng bá, ủng hộ”, Tổng giám đốc Dell Malaysia, hồ hởi.

Ông KT Ong cho rằng, các phương tiện truyền thông xã hội sẽ đóng vai trò quan trọng với các doanh nghiệp như mở rộng sự hiện diện của công ty, thu thập thông tin trực tiếp từ khách hàng.

Trái với Lacerda, ông Roger Ling, giám đốc nghiên cứu IDC, lại có những nhận định thận trọng hơn về xu hướng này.

“Không có gì nghi ngờ rằng phương tiện truyền thông xã hội đã làm thay đổi hình thức giao tiếp kinh doanh giữa doanh nghiệp với khách hàng, tuy nhiên doanh nghiệp cần phải nhìn nhận nó với một cái nhìn chi tiết hơn”, Roger Ling lưu ý.

Theo giám đốc nghiên cứu IDC, các tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để phân tích tâm lý và nhận phản hồi của người tiêu dùng. “Tuy nhiên, với cách thực hiện chỉ đứng từ đằng xa nên họ không có được một cái nhìn toàn cảnh về ý kiến khách hàng”.

Roger Ling cho biết, mỗi chiến dịch đều đem lại thông tin cũng như sự hiểu biết sâu sắc hơn, nhưng không nhất thiết phải mang chúng theo sang chiến dịch kế tiếp hoặc chia sẻ giữa các bộ phận với nhau.

“Các tổ chức, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng họ không mắc phải những lỗi lầm như vậy nếu muốn thu lợi nhuận từ các phương tiện truyền thông xã hội”, Roger Ling chia sẻ.

BYOD - Mang thiết bị cá nhân đi làm

Nếu có một xu hướng mà các tổ chức, doanh nghiệp không thể bỏ qua, thì đó chính là BYOD (Bring You Own Device). “Không có gì là ngạc nhiên khi các nhân viên ngày nay mong đợi và đòi hỏi sự tự do được sử dụng các thiết bị của riêng họ để đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc vào bất kỳ thời điểm nào và ở bất cứ đâu”, ông Lecerda nói.

Quản lý cơ sở hạ tầng CNTT theo phương cách truyền thống tại hầu hết các doanh nghiệp chỉ đem lại sự rườm rà, hạn chế và thiếu linh hoạt. Một trong những thách thức mà các GĐ CNTT phải đối mặt là giải quyết những mong đợi của lực lượng lao động hiện đại, đồng thời vẫn đảm bảo được các yêu cầu bảo mật cũng như khả năng quản lý của doanh nghiệp.

d

BYOD sẽ tác động đến cách doanh nghiệp đánh giá khả năng thu lợi. Ảnh minh họa.

Theo ông Uday Marty, Giám đốc điều hành Intel Đông Nam Á, sự lưỡng lự của các doanh nghiệp với BYOD xuất phát từ sự thiếu các quản trị viên CNTT có đủ khả năng quản lý các thiết bị như vậy. Cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp không được trang bị đầy đủ để quản lý theo xu hướng này.

“Theo khảo sát của chúng tôi, khoảng 31% các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp cấu hình cũng như sự hỗ trợ đầy đủ cho các thiết bị cá nhân. Số khác chỉ cung cấp cấu hình cơ bản, hay chỉ cho phép truy cập một phần hoặc thậm chí cấm tất cả các thiết bị cá nhân”, Uday Marty tiết lộ.

Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành Intel Đông Nam Á, các doanh nghiệp sẽ sớm tìm thấy một cơ sở vững chắc trong BYOD, vì họ nhận ra những lợi thế cạnh tranh không nhỏ từ đây.

“BYOD sẽ tác động đến cách doanh nghiệp đánh giá khả năng thu lợi. Theo khảo sát của chúng tôi, trong năm 2012, một trong những vấn đề cấp thiết hàng đầu cho sự phát triển doanh nghiệp chính là cắt giảm chi phí và tăng tính hiệu quả. Chính vì những lý do này mà các doanh nghiệp đã chuyển từ xu hướng tồn tại mà không có BYOD sang phát triển cùng nó”, ông Roger Ling, giám đốc nghiên cứu IDC, kết luận.

Nguyên Văn (theo TechCentral)

Ý kiến

()