Chúng ta

Sau 3 năm, nữ nhân viên quản lý cước trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo

Thứ năm, 3/5/2018 | 14:44 GMT+7

Đang có vị trí tốt ở một tập đoàn Bưu chính Viễn thông hàng đầu, chị quyết định xa chồng, cùng 2 con Nam tiến vào TP HCM lập nghiệp. Sau 3 năm, từ xuất phát điểm là nhân viên quản lý công nợ, với nỗ lực của mình chị đã trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo nhà Viễn thông. 

Sinh ra ở Hà Nội, lớn lên tại vùng đất đầy nắng và gió Quảng Bình, chị Trần Hạnh Dung tốt nghiệp loại giỏi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Năm 1997, Việt Nam bắt đầu có Internet nhưng chưa phát triển. Năm 1999, khi môn tin học bắt đầu phát triển, chị dạy cho một trung tâm tin học của Học viện Kỹ thuật Quân sự được 1 năm. Và rồi, tình yêu từ thời sinh viên đã đưa chị Trần Hạnh Dung về mảnh đất Tây Bắc.

Theo chồng lên Tuyên Quang, chị làm giáo viên môn tin học của một trường trung cấp kinh tế kỹ thuật và dạy nghề, đào tạo nghề cho thanh niên, cán bộ của tỉnh. Nhưng lửa đam mê viễn thông vẫn âm ỉ "cháy" trong người, chị đầu quân cho một công ty có tiếng trong ngành và đảm nhận mảng kỹ thuật. Sau đó, duyên lại đưa chị về cùng cơ quan với chồng, một tập đoàn Viễn thông hàng đầu Việt Nam. Chị trải qua các vị trí chăm sóc khách hàng, chuyên viên tính cước, tham gia xây dựng hệ thống tính cước, nghiệp vụ viễn thông. Trong suốt thời gian đó, chị đều tham gia công tác giảng dạy nội bộ của đơn vị.

Tốt nghiệp loại giỏi, làm cho một tập đoàn Viễn thông có tiếng có tăm, đây hẳn là cuộc sống "như mơ" mà nhiều người tính an phận sẽ dễ dàng bằng lòng.  Nhưng với chị Trần Hạnh Dung thì khác. Và một ngày, chị Hạnh Dung nói với chồng: "Em sẽ đưa hai con vào TP HCM. Em muốn thay đổi môi trường sống để phát triển công việc tốt hơn và có điều kiện cho các con học tập".

quote-1_1524991796.jpg

Giây phút ấy anh đã sốc. Anh chững lại không nói gì vì vốn tính cách lâu nay ít nói. Anh vẫn chưa thể tin được vợ lại đưa ra quyết định liều lĩnh đến thế vì bản thân anh chỉ muốn ở lại quê nhà. "Tại sao hai người lại phải ở hai nơi?", "Liệu rằng với đồng lương ít ỏi và nuôi hai con nhỏ, việc nuôi dạy con có đảm bảo", hàng loạt câu hỏi xuất hiện. Thế nhưng, là người hiền lành, ít chia sẻ, không bộc lộ nội tâm nhiều, anh cũng tôn trọng quyết định của người vợ.  

Trước lúc chị đi, trong buổi tiệc chia tay, sếp chị đã hỏi chị: “Ở cháu có một thứ rất giá trị để mang đi, cháu có biết là gì không?”. Và sau cùng sếp chị đã nói: “Thứ giá trị chính là năng lực và thái độ làm việc của cháu, điều này sẽ giúp cháu có thể sống được dù ở đâu".

Chị vững tin hơn mặc cho bao nhiêu ánh mắt nhìn vào, bao nhiêu ý kiến nghi ngại "Dung - sẽ - sớm - quay - lại - thôi". Người ta cứ nói, ngoài Bắc thì nền nếp, quy củ, trong Nam năng động, phóng khoáng. Người ta cứ nói ngoài Bắc thì yên bình, trong Nam xô bồ lắm. Chị lại là người tình cảm liệu có hòa nhập được với thế giới sôi động trong kia. "Hay thôi không đi nữa...". Chị siết chặt đôi bàn tay đặt lên tim... rồi nhìn hai đứa con còn nhỏ. Chúng chẳng hề hay biết rằng, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, cuộc sống của chúng nó sẽ thiếu vắng bàn tay cha. Còn chị, chị thương lắm."Mẹ đi đâu con đi theo đó", hai đứa nói mà chị quặn ruột. 

Cuối cùng, chị Hạnh Dung cũng đưa ra quyết định mặc cho những lời can ngăn và xì xào. 

Lúc chị quyết định vào Nam, một người bạn đang làm ở FPT nói với chị: "FPT hay lắm, ở đó coi trọng năng lực cá nhân!". Thế là chỉ nghe đồn thôi, chị Dung nộp hồ sơ xin việc. Chẳng biết thực hư thế nào, chị chỉ tin rằng thái độ, năng lực, tâm huyết và đúng định hướng sẽ giúp thay đổi cuộc sống của chị. Cũng chưa biết sẽ đi đến đâu, chị chỉ tin rằng làm bằng cái tâm của mình thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến. Và rồi chị bước đi. 

Đến FPT Telecom phỏng vấn xin vào vị trí giảng viên nội bộ, chị Trịnh Thùy Nhung, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nói làm giảng viên phải hiểu về FPT trước và khuyên chị Dung nên làm ở các đơn vị trực tiếp. Thế là chị bén duyên với Trung tâm Quản lý Cước (CUS) ở vị vị trí quản lý công nợ. 

Chị gần như xuất phát lại tự đầu ở vị trí nhân viên quản lý công nợ, với một mức thu nhập... chưa bằng nửa ở công ty cũ. Ở nhờ nhà em gái tại quận 9, hằng ngày, chị lại phải đi làm ở Gò Vấp. "Đi làm xa cũng mệt lắm rồi còn chuyện thu nhập nhưng không thể nản được", chị cười kể lại. Hơn nữa, chị có niềm tin ở chính mình.

Trong suốt thời gian làm ở FPT Telecom, nhiều người gọi chị Trần Hạnh Dung là "kẻ nghiện việc" bởi hễ có công việc chị đều nhận làm, chị không bao giờ từ chối việc gì bởi với chị, bất cứ việc gì cũng có hướng giải quyết. Thậm chí, chị còn nghĩ ra việc để làm. "Tôi luôn nghĩ mình làm nhiều sẽ hiểu nhiều, biết nhiều, và yêu công ty nhiều hơn. Nếu sợ việc thì ở nhà còn hơn", chị chia sẻ lý do. 

Luôn tìm mọi cách để hoàn thành công việc và làm tới nơi tới chốn việc lớn đến việc nhỏ, có những khi làm đến tận khuya, chị cũng cố để tìm ra 'lời giải' cho "bài toán" dang dở rồi mới đi ngủ. 

quote-2_1524997869.jpg

Đôi khi, có những yêu cầu Ban giám đốc đưa ra cần lập tức thực hiện, dù gấp đến đâu, dù là "dầu sôi lửa bỏng", chị luôn nỗ lực để hoàn thành sớm và chính điều đó mang đến cho chị khả năng linh hoạt và chịu áp lực cao. Thậm chí có người hỏi tại sao chẳng thấy bao giờ chị buồn, chị trả lời "Chị không có thời gian để buồn". 

Làm việc nhiều đôi khi đâm ra mệt mỏi và chán nản, những lúc như thế, chính suy nghĩ tích cực là liều thuốc giúp chị vượt qua mọi khó khăn. Trong mọi tình huống, chị đều nghĩ đến mặt tốt của vấn đề. "Đi làm mệt quá, sốt sẽ giúp mình giảm cân", chị cười. Cách suy nghĩ này khiến chị cảm thấy mọi điều thật thú vị và nhẹ nhàng, dù là tình huống khắc nghiệt nhất.  "Và khi làm được việc thì mình hạnh phúc tựa nhưa việc đã chinh phục được ngọn núi cao", chị nói.

Điều khiến chị luôn trăn trở là nhân sự hay "nhảy việc". Chị đúc rút rằng, làm việc quan trọng nhất là tạo một môi trường để nhân viên cảm thấy có động lực làm việc và yêu thích mới gắn bó. Các quy định đưa ra nhằm để các thành viên  làm việc có kỷ luật, tuy nhiên không nên quá cứng nhắc, vì người trẻ quá áp lực cũng dễ buông. Chị luôn tâm niệm là quản lý phải đối xử với nhân viên bằng sự chân thành, yêu thương, định hướng như cách mà mình muốn nhân viên đối xử với khách hàng.

Lúc chị rời CS để về phụ trách công việc đào tạo, nhân viên đã gửi cho chị rất nhiều dòng tin nhắn và e-mail tâm sự, lưu luyến khiến chị bịn rịn mãi không thôi. "Tôi tự thấy mình không phải quá giỏi nhưng là người thương và hiểu nhân viên. Thương không có nghĩa là che giấu lỗi của các bạn mà chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu cho các bạn và khuyên các bạn cần làm gì để phát triển". 

Quote-3_1524992121.jpg

Vì thế, chị luôn có một suy nghĩ, thành công của bản thân mình là thành công của tập thể. Làm việc hiệu quả không chỉ cần cù, chăm chỉ mà còn phải sáng tạo. Chính sự sáng tạo không mệt mỏi giúp chị làm nhân viên ở CUS.HO 6 tháng thì được đề xuất lên làm Phó phòng nghiệp vụ CUS.HO phía Nam.

Khi ở CUS.HO, xuất phát từ thực tế các CUSx quản lý nhân viên thu cước khá khó khăn, không kiểm soát được thời gian và năng suất làm việc. Nếu nhân viên thu cước không chuyên cần thì ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ cho công ty. Thế là chị đề xuất và xây dựng công cụ để quản lý, kiểm soát thời gian, hiệu quả làm việc của nhân viên thu cước. Và sáng kiến đó đã đạt giải Khuyến khích Sáng tạo Fel 20 năm.

Một lần, chị Dung bị một Trưởng CUSx phàn nàn tại sao viết e-mail hay dùng chữ "đề nghị" mà không phải là "nhờ". Chị "xanh mặt", hoang mang không hiểu chuyện gì. Anh Trần Vân Nam, lúc ấy là Phó giám đốc Trung tâm, đã chỉ ra rằng văn hóa miền Nam khác miền Bắc, dùng từ "đề nghị" thì bình thường với người miền Bắc nhưng rất nặng nề đối với với người miền Nam. Chị rút ra rằng, cần linh hoạt và hòa nhập để dùng từ sao cho mọi người dễ nghe nhất. 

Ngày nhận tin được bổ nhiệm vị trí Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo nội bộ, chị thành thật rằng có chút áp lực. Câu đầu tiên xuất hiện trong chị là “Mình phải làm gì đây?”. Chị không nghĩ đến việc từ chối bởi chị thích thử thách và muốn biết năng lực mình đến mức nào. Chị mất ngủ hai đêm trằn trọc, suy nghĩ bởi làm đào tạo không phải việc đơn giản.

Áp lực với chị không phải là bằng mọi cách để mọi người hiểu mình ngay mà làm sao mọi người có thể đồng lòng vì công việc chung. "Áp lực, thử thách cũng là cơ hội. Nếu vào một môi trường mà mọi thứ sắp đặt sẵn cho mình ngồi thì chẳng có gì thú vị nữa", chị khẳng định. 

quote-5.jpg

Đào tạo với chị Trần Hạnh Dung không đơn thuần là một nghề mà là một mối lương duyên dai dẳng bởi: Tại sao ngay sau khi ra trường chị chọn đi dạy? Tại sao lần đầu đi phỏng vấn ở FPT Telecom chị đã ứng tuyển vào Trung tâm Đào Tạo nội bộ? Không thành, tại sao khi làm ở bộ phận Chăm sóc khách hàng, chị cũng đau đáu những dự án về đào tạo, xây dựng các tài liệu nghiệp vụ, định hướng về chăm sóc khách hàng? 

Chị chia sẻ, muốn mọi người làm tốt không đơn thuần chỉ kêu gọi "các em làm tốt đi", mà cần định hướng và huấn luyện, hãy để nhân viên thực hành và trải nghiệm, không chỉ ngày một ngày hai mà cần có thời gian. 

Chị đang ấp ủ dự án đào tạo cho nhân viên chăm sóc khách hàng ở tỉnh sao cho các nhân viên chăm sóc khách hàng thực sự chuyên nghiệp và làm việc từ tâm. Theo chị, công tác đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, bộ phận. Chẳng hạn, Trung tâm đào tạo phối hợp với Trung tâm chăm sóc khách hàng để vừa đào tạo vừa kỹ năng, vừa đào tạo nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tế. Và làm sao nhiệt huyết và dư âm của khóa học sẽ kéo dài mãi. Đồng thời, có sự đánh giá, phản hồi thường xuyên ở ngành dọc để có kế hoạch tái đào tạo. Đào tạo cần bám sát nhu cầu từ các đơn vị và làm sao cho các khóa đào tạo luôn thiết thực và sau khóa học phải có hiệu quả.

Bước ra khỏi công việc, chị Trần Hạnh Dung cũng là một người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác. Với chị, con được đặt lên trên hết, hơn nữa có mẹ và em gái sống trong TP HCM, khỏa lấp mọi sự lạc lõng của người phụ nữ sống không có người chồng bên cạnh.

Đến bây giờ, chị vẫn không thể quên những ngày đầu tiên vào Nam, khó khăn và mệt mỏi đến nhường nào. Những lời động viên, vô hình, nhưng tạo động lực để chị Dung vững vàng trước mọi thử thách. Em gái bảo:“Nếu chị về trễ thì em sẽ đưa đón con cho chị". Còn mẹ thì lúc nào cũng thỏ thẻ vào tai: “Con cố gắng lên, mẹ tin con sẽ làm được!”.

Đối với con, chị luôn tự hào vì mình đã tạo tấm gương cho con. Chị hay tâm sự như người bạn, giải thích phân tích chứ không bao giờ đánh con. Biết mẹ bận bịu, con chị hai đứa đều tự lập, học giỏi, thậm chí tự tập xe đạp đi học để mẹ khỏi vướng bận. “Mẹ chăm làm thì sao con không chăm học”, con nói với chị.

Để cân bằng công việc và cuộc sống, chị tìm đến âm nhạc, những giai điệu mang âm hưởng dân ca, quê hương. Ở công ty, nhiều người biết đến một chị Trần Hạnh Dung mê việc nhưng cũng là một Hạnh Dung yêu ca hát. Tham gia phong trào đoàn thể và quản lý từ thời tiểu học lên đến tận đại học, cho đến bây giờ, tuy đã đi làm nhưng những câu lạc bộ luôn là nơi chị học hỏi kinh nghiệm, mở rộng các mối quan hệ và nâng cao kỹ năng giao tiếp. 

"Chưa bao giờ nghĩ sẽ đi đến đích nào nhưng tôi luôn tâm niệm sẽ làm bằng tất cả tâm huyết, tìm tòi và lấp đầy những khoảng trống còn thiếu", chị nói về kim chỉ nam trên con đường đi của mình ở Viễn thông FPT.

Xuân Phương

Ý kiến

()