Tinh thần chia sẻ tri thức, tính cầu thị, học hỏi tại EduCamp là một trong những lý do thuyết phục vị nữ giáo sư Malaysia tham gia chương trình. Bên cạnh đó, việc ĐH FPT là một trong những trường đại học đầu tiên ở Việt Nam có kế hoạch áp dụng CDIO trong đào tạo cũng là điều khiến bà quan tâm. Tại hội thảo, Giáo sư Salmiah sẽ chia sẻ về chủ đề "Hành trình CDIO tại ĐH Công nghệ Mara", quá trình khởi xướng và áp dụng CDIO nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại nơi bà đang công tác.
Giáo sư Salmiah Kasolang là người tâm huyết với CDIO ở ĐH Công nghệ MARA, Malaysia. |
“ĐH Công nghệ Mara nắm lấy CDIO như một phần của việc cải tiến liên tục. Đối với chất lượng đào tạo và chương trình kiểm định với ngành Kỹ thuật, chúng tôi làm theo đào tạo dựa theo chuẩn đầu ra (OBE). Tương lai của CDIO tươi sáng khi kết đôi cùng đào tạo dựa theo chuẩn đầu ra (OBE)”, Giáo sư Salmiah phân tích.
Theo Giáo sư, tinh thần của CDIO rất gần với tinh thần mà EduCamp hướng tới. “Việc tham gia với vai trò một diễn giả cho phép tôi phổ biến tầm quan trọng của CDIO đến một số lượng khán giả rộng rãi với những kinh nghiệm, trình độ khác nhau”.
Công tác tại khoa Cơ khí, ĐH Công nghệ Mara, Giáo sư Salmiah Kasolang giám sát tất cả chức năng của khoa trong các lĩnh vực chính gồm: Hành chính, học thuật, nghiên cứu, giao lưu sinh viên, và kết nối giữa doanh nghiệp - cộng đồng - cựu sinh viên.
FPT EduCamp là hội thảo mở được FE tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2014. Đây là cơ hội để kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FE nói riêng. Năm 2015, FPT EduCamp do FE, trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) phối hợp tổ chức, với chủ đề “Vận hành tổ chức giáo dục”.
CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive - Design - Implement - Operate, có nghĩa là hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. CDIO là một đề xướng xuất phát từ ý tưởng của các khối ngành kỹ thuật thuộc ĐH Kỹ thuật Massachusetts, Mỹ, phối hợp với các trường đại học Thụy Điển. Đây là một phương pháp luận giúp giải quyết được hai vấn đề then chốt là dạy sinh viên điều gì (Dạy cái gì?) và làm thế nào để sinh viên lĩnh hội được tri thức (Dạy như thế nào?). |
>> Đăng ký tham gia Hội thảo EduCamp 2015
Nguyễn Quỳnh - Lưu Vân
Ý kiến
()