Chúng ta

Người đam mê xử lý vi phạm giao thông bằng công nghệ

Thứ ba, 31/1/2017 | 13:12 GMT+7

“Tính kỷ luật, làm việc theo luật và xử sự phải mềm dẻo”, Giám đốc phân ngành Giao thông, FPT IS, Nguyễn Toàn Thắng đã tự phác thảo về mình như vậy. Tính cách ấy là kết quả của những năm tháng gắn với các dự án về xử lý vi phạm giao thông.

Tháng 11/2016, Bộ Công an chính thức đưa Hệ thống giám sát xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào áp dụng xử phạt thí điểm. Có thể nói, đây là dự án có tính chất bước ngoặt, mở đường cho FPT trong việc xây dựng các giải pháp cho ngành giao thông. Dự kiến, sau Nội Bài - Lào Cai, hệ thống sẽ triển khai ở Quảng Ninh, Hải Phòng… Những chuỗi thành công đó đều mang đậm dấu ấn của “tổng chỉ huy” Nguyễn Toàn Thắng - người mà Chủ tịch Trương Gia Bình từng giới thiệu với các cổ đông rằng “là đại diện cho sức mạnh của FPT trong cuộc chơi công nghệ mới”.

Trước khi về FPT, anh Thắng đã có 3 năm làm chuyên gia cho Ngân hàng Thế giới (WB). Tại đây, anh bén duyên với các dự án giao thông và hé lộ mình chính là người đầu tiên tại Việt Nam đưa ra khái niệm “cưỡng chế xử lý vi phạm bằng hình ảnh”.

A-Thang-9808-1485233082.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhìn nhận rằng, anh Thắng là “đại diện cho sức mạnh của FPT trong cuộc chơi công nghệ mới”. Ảnh: Anh Tú.

Anh bảo, ban đầu làm giao thông chỉ vì nghĩa vụ nhưng rồi lại “trót yêu lúc nào không biết”. Anh trăn trở khi hằng ngày thấy số người chết vì tai nạn giao thông liên tục tăng. Nhưng làm cách nào để con số ấy giảm đi thì lại không phải là một bài toán dễ dàng. Vốn sẵn máu công nghệ trong người, anh đã nghiên cứu và nhận thấy việc dùng các giải pháp công nghệ để giảm tình trạng tai nạn giao thông đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng rất hiệu quả.

“Chạy, bơi, bắn, nhảy sào, phi lao, đánh trống thổi kèn, hát nhạc đám cưới… mình kiêm đủ cả”.

Sau khi Cục Cảnh sát giao thông muốn chuyển khoản tài trợ của WB từ kinh phí mua sắm trang thiết bị hỗ trợ cho ngành như ô che nắng, gậy chỉ đường, mô tô, ô tô tuần tra... sang thiết bị công nghệ, anh Thắng mạnh dạn đề xuất xây dựng “Hệ thống giám sát xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh”. Anh cũng là người trực tiếp xây dựng giải pháp và bảo vệ, thuyết phục WB phê duyệt điều chỉnh dự án. Sau đó, bản thiết kế kỹ thuật của anh Thắng cũng được Bộ Công an sử dụng thí điểm dự án trên đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ…

Nói về lý do gia nhập FPT, anh Thắng nhận định, đây là môi trường tốt nhất tại Việt Nam để có thể hiện thực hoá các giải pháp CNTT. Bằng chứng là chỉ sau 5 tháng anh vào FPT, dự án xây dựng “Hệ thống giám sát xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh” trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được đội giải pháp FPT IS FTS bắt tay vào triển khai. Nhưng phải mất 2 năm sau, dự án mới được Bộ Công an đưa vào áp dụng xử phạt thí điểm.

Với anh Thắng và các đồng đội, thời gian xây dựng và triển khai hệ thống là quãng thời gian nếm mật nằm gai với những khó khăn chồng chất. Đây là dự án thí điểm nên chưa có cơ chế để thực hiện, lại có quá nhiều bên tham gia, trong khi đội của anh Thắng chỉ có 3 người nên tất cả đều phải làm theo kiểu ném đá dò đường. Mặc dù khi đó mang danh Phó Giám đốc nhưng anh Thắng lại phải sắm nhiều vai khác nhau, từ chạy cơ chế, lo thủ tục, xây dựng giải pháp kiêm cả lái xe, người “demo - test” lỗi cho hệ thống... Anh tếu táo: “Chạy, bơi, bắn, nhảy sào, phi lao, đánh trống thổi kèn, hát nhạc đám cưới… mình kiêm đủ cả”.

AThang1-1530-1485233082.jpg

Anh Thắng giới thiệu giải pháp xử lý giao thông bằng hình ảnh của FPT IS trên tuyến Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Anh Tú.

Nhiều người vẫn nghĩ, làm IT là ngồi phòng điều hòa với các thiết bị công nghệ hiện đại. Nhưng họ đã nhầm, bởi trong lĩnh vực giao thông, các kỹ sư luôn phải lắp thiết bị giữa làn xe chạy vù vù trên đường cao tốc và treo leo ở độ cao gần 10 m so với mặt đường. “Tôi động viên anh em là cứ làm đi, an toàn lắm. Nhưng trong hoàn cảnh đó ai cũng run và không dám làm. Mình là sếp nên phải thị phạm dù cũng sợ. Nhưng nếu mình không dám làm thì anh em sẽ bỏ cuộc, đành nhắm mắt trèo lên xe cẩu”, anh Thắng kể và nói rằng “nếu không có đam mê với cái hệ thống này thì chắc là đầu hàng lâu rồi”.

Vừa triển khai dự án ở Nội Bài - Lào Cai, anh Thắng còn tìm cách mở rộng hơn nữa kinh doanh cho FPT IS bằng việc mang hệ thống giới thiệu các tỉnh thành khác như Quảng Ninh, Hải Phòng...  Những bài toán mới, những khó khăn một lần nữa đặt ra yêu cầu thuyền trưởng Nguyễn Toàn Thắng giải quyết. Anh kể, có lần đi công việc ở Hải Phòng từ sáng sớm tinh mơ đến gần 12h đêm mới xong và vội lái xe về Hà Nội. Giữa đường mệt quá, anh phải dừng xe và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Nói như vậy để thấy, không có sự thành công nào là không phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và sức lao động không ngừng nghỉ.

Khi những ngày cuối năm 2016 sắp kết thúc, anh chia sẻ sau hơn một năm nếm mật nằm gai tại Quảng Ninh, dự án bắt đầu có tín hiệu vui khi đã giải quyết xong vấn đề về cơ chế. Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng người đàn ông chỉn chu Nguyễn Toàn Thắng vẫn lạc quan và sẵn sàng cho một năm mới với các dự án xây dựng giải pháp mới cho ngành giao thông.

Những người làm việc với anh Thắng nhiều đều chung một nhận định: Anh nói nhiều và nói nhanh. Thậm chí nhiều người còn bảo anh chém “bạt phong chưởng”. Chỉ cần đặt nửa câu hỏi, anh đã biết bạn cần hỏi gì và trả lời chi tiết, tường tận hàng giờ đồng hồ. Anh có thể đọc vanh vách các luật, lỗi vi phạm giao thông, số trường hợp vi phạm đã được hệ thống ghi nhận từ ngày đầu đến nay… mà không cần sự hỗ trợ nào.

Khi nói chuyện thì ào ào, tếu táo nhưng anh Thắng lại là người rất cẩn thận. Chứng kiến cảnh anh viết mail cho đối tác mà như viết văn, từng dấu chấm, dấu phẩy sửa bằng được, thậm chí khi gần viết xong nhưng thấy chưa ưng lại kỳ cạch sửa toàn bộ từ đầu. Đào Hải Phương, cán bộ PR của FPT IS, đã phải thốt lên: “Cẩn trọng quá mức”. Thậm chí, anh còn không dám dùng Facebook vì… sợ lộ thông tin cá nhân.

Nói về tính kỷ luật, chắc hẳn anh là một trong những người đúng giờ nhất ở FPT. Khi anh hẹn 11h, thì trước đó 30 phút, anh đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ.

Bích Hải

Ý kiến

()