Chúng ta

'Mục tiêu của Sendo.vn không chỉ là 1 tỷ USD tổng giá trị giao dịch'

Thứ sáu, 20/9/2019 | 09:38 GMT+7

Theo CEO Trần Hải Linh, Sen Đỏ mong muốn trở thành nền tảng có khả năng xử lý giao dịch trong cả 3 lĩnh vực: sản phẩm vật chất, dịch vụ kỹ thuật số và dịch vụ tài chính.

Mới đây, CEO và đồng sáng lập Sendo.vn - anh Trần Hải Linh đã trả lời phỏng vấn Kr-Asia.com về cách sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhà FPT tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.

Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng nhanh từ 20% lên 25% một năm. Sendo.vn hiện nằm trong Top 4 về lượng truy cập hằng tháng. Theo anh Linh, lượng truy cập là một trong những chỉ số quan trọng nhưng không phải duy nhất đánh giá quy mô và sự phát triển của một nền tảng TMĐT. "Đối với Sendo.vn, lượng truy cập chưa bao giờ là mục tiêu chính".

Một nền tảng TMĐT chỉ có thể trở thành người chơi thống trị khi tạo ra giá trị thực sự cho người tiêu dùng, CEO Sen Đỏ nhấn mạnh. Việc đạt được những con số ấn tượng về lượng truy cập và tổng khối lượng hàng hóa đòi hỏi phải "đốt" rất nhiều tiền. "Trong 7 năm qua, tuy luôn là một trong những sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam nhưng chúng tôi chưa bao giờ nằm trong Top 2 hoặc 3 về tỷ lệ đốt tiền. Thay vào đó, chúng tôi luôn cố gắng hiểu nhu cầu của người tiêu dùng Việt và điều này thúc đẩy sự phát triển của Sendo.vn".

Mục tiêu của Sen Đỏ là mang lại trải nghiệm tốt về hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng Việt ở mọi miền đất nước. Sàn TMĐT nhà F đã xây dựng một nền tảng mạnh mẽ để xử lý hàng trăm nghìn giao dịch mỗi ngày và phục vụ tổng cộng hơn 10 triệu khách hàng trong nước.

Interview-3-768x512-9162-1568866709.jpg

CEO Trần Hải Linh. Ảnh: NVCC.

Khác với đối thủ, chiến lược của Sen Đỏ là tập trung vào khách hàng ở tất cả vùng miền của Việt Nam chứ không chỉ thành phố lớn. Theo ước tính, 75 triệu người Việt không sống tại Hà Nội hay TP HCM. "Người tiêu dùng ở các tỉnh thành nhỏ và xa khó tiếp cận các sản phẩm chất lượng và giá cả phải chăng. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy khách hàng ở những khu vực này thường mua sắm do nhu cầu thực sự của họ thay vì mua chỉ vì sản phẩm được khuyến mại".

Khi bắt đầu năm 2012, Sendo.vn là một trong những nền tảng thương mại điện tử đầu tiên cho phép giao hàng bằng phương pháp COD (khách nhận hàng rồi mới thanh toán) thông qua bên thứ ba là công ty giao hàng Vietnam Post. Sendo.vn đã sớm hiểu rằng không thể chờ cho đến khi thanh toán điện tử phát triển đầy đủ và giao hàng nhận tiền mặt là lựa chọn tốt nhất để thuyết phục người tiêu dùng sử dụng TMĐT nhiều hơn và giành được lòng tin của khách hàng.

Đối với người mua lần đầu, họ sẽ có xu hướng không mua những sản phẩm giá trị cao như iPhone hay tivi. Vì vậy, Sendo đã chọn tập trung vào quần áo, đồ gia dụng và phụ kiện công nghệ có mức giá từ thấp đến tầm trung để đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người dùng và thu hút khách hàng mới. Quan trọng nhất là Sendo.vn không tính phí đối với người bán. Thay vào đó, họ có thể trả tiền để quảng cáo trên nền tảng của Sendo.vn hoặc các kênh có thể hướng người dùng đến nền tảng.

imgpsh-fullsize-anim-2-1175x50-2105-8222

Mục tiêu của Sendo.vn không còn chỉ là 1 tỷ USD tổng giá trị giao dịch. Ảnh: Kr-Asia.

Gần đây, Sen Đỏ ghi nhận hơn 30% giao dịch hiện nay là thanh toán trực tuyến, 70% thanh toán khi nhận hàng. Trong 3 năm qua, lượng giao dịch thực hiện thanh toán trực tuyến tăng trưởng gấp đôi mỗi năm, sau khi triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi nhắm tới phương thức này. 

Nhận thấy thói quen tiêu dùng của khách hàng trên Internet thay đổi nhanh trong những năm qua, Sendo.vn cũng đã chuyển dần ngân sách khuyến mãi sang những ưu đãi dành cho thanh toán trực tuyến. Đồng thời khi thanh toán trực tuyến, khách hàng cảm thấy có sự cam kết với món hàng đã đặt, tránh tình trạng cảm giác thỏa mãn khi đặt hàng dần nguội đi trong thời gian chờ đợi. Nhờ đó, tỷ lệ đơn hàng hoàn tất cao hơn, chi phí xử lý đơn hàng giảm xuống.

Ngoài việc cung cấp sản phẩm vật chất, Sendo.vn còn mạo hiểm cung cấp cả các dịch vụ kỹ thuật số như giải trí, du lịch và vận chuyển để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. "Trong quý III, chúng tôi sẽ triển khai một số dịch vụ giáo dục trực tuyến hợp tác với gần 20 đối tác để cung cấp quyền truy cập vào các khóa học trực tuyến. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đầu tư thêm vào nhiều dịch vụ khác, bao gồm cả dịch vụ tài chính", CEO Hải Linh thông tin.

Theo Google và Temasek, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Lĩnh vực này chiếm hơn 20% doanh số bán lẻ của Trung Quốc, 10% của Indonesia và 3% của Việt Nam. Điều đó cho thấy thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Vì vậy, người đứng đầu Sen Đỏ tin rằng sẽ có không ít bước đột phá trong thời gian tới khi người tiêu dùng có nhận thức cao hơn về TMĐT và khi các dịch vụ hỗ trợ khác như hậu cần được cải thiện. Ngoài ra, các công ty TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư để tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, và môi trường này sẽ mang lại lợi ích cho những nền tảng như Sendo.vn.

Cách đây vài tháng, Sendo.vn công bố mục tiêu đạt 1 tỷ USD tổng giá trị giao dịch (GMV) vào năm 2020. Trả lời Kr-Asia.com, anh Hải Linh cho biết giá trị thị trường ở Việt Nam là rất lớn và mục tiêu của Sendo.vn không còn là 1 tỷ USD. "Chúng tôi muốn trở thành nền tảng có thể xử lý giao dịch trong cả 3 lĩnh vực: sản phẩm vật chất, dịch vụ kỹ thuật số và dịch vụ tài chính cho cả người bán và người mua. Chúng tôi muốn tăng cả số lượng giao dịch mỗi ngày và mức độ trung thành của khách hàng".

Được thành lập năm 2012 với tư cách là một phần của công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam - tập đoàn FPT, Sendo là một trong những nền tảng thương mại điện tử nổi bật tại thị trường Việt Nam.

Sendo vận hành cả mô hình B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) và C2C (giao dịch giữa những người tiêu dùng với nhau). Hiện nền tảng này phục vụ hơn 300.000 người bán, 10 triệu người mua và đang tập trung phát triển ở phạm vi rộng hơn ngoài các thành phố lớn. Khoảng 2/3 đơn hàng của Sendo được đặt từ các tỉnh thành ngoài 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 8/2018, Sendo huy động được 51 triệu USD trong vòng gọi vốn series B do Tập đoàn SBI của Nhật Bản dẫn đầu cùng một số nhà đầu tư khác, trong đó có Tập đoàn SoftBank. Theo dữ liệu của iPrice, về lưu lượng truy cập web hằng tháng, Sendo xếp thứ 4 trong số các trang thương mại điện tử tại Việt Nam trong quý II/2019, sau Shopee, Tiki và Lazada.

Hà An

Ý kiến

()