Chương trình có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; Các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF, ADB...; Các trường đại học, viện nghiên cứu; các hiệp hội doanh nghiệp; các quỹ Đầu tư và nhóm startup như Dragon Capital, FPT Ventures, IDG, Cyber Agent, Unitus Impact, 500 startups, IMJ, IPP...
Chia sẻ tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, khởi nghiệp là cuộc chơi của những người dũng cảm và tiên phong. Chính phủ mong muốn các startup trong nước cần mạnh dạn, đổi mới sáng tạo hơn và trong cuộc chơi đó cần chấp nhận rủi ro, cùng chia sẻ và hợp tác để vượt qua các thách thức.
Theo ông Huệ, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để cộng đồng startup phát triển. Dù số lượng quỹ đầu tư còn ít nhưng không ngừng tăng lên. Trong 8 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng cả nước có thêm 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Riêng tại Hà Nội qua 8 tháng có 15.000 doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng nhận định, khởi nghiệp là cuộc chơi của những người dũng cảm và tiên phong. |
Trong sự phát triển đó, Phó Thủ tướng lưu ý, cộng đồng startup khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cần gắn liền với đổi mới sáng tạo, với phát triển công nghệ cao và đặc biệt là tính đến hiệu quả kinh doanh, thương mại hóa được ý tưởng. "Nếu như trước đây khởi nghiệp được nhắc đến trong phạm vi hẹp như chỉ là câu chuyện giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường, nhưng nay khởi nghiệp đã được hiểu rộng hơn. Tinh thần khởi nghiệp là không ngừng, kể cả các doanh nghiệp lớn hoạt động lâu năm như FPT cũng luôn phải nghĩ ra ý tưởng mới, sản phẩm mới để mang lại cơ hội thành công", ông nói.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, một vấn đề quan trọng trong văn hóa khởi nghiệp là phải sẵn sàng chấp nhận thất bại và chấp nhận rủi ro vì đây là hình thức đầu tư mạo hiểm. Thậm chí 5 phần thắng 5 phần thua đã là may mắn.
Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khi chia sẻ bên lề về cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Người đứng đầu tập đoàn nhìn nhận, Nhà nước cần "phải hiểu, phải học cách bị mất tiền". Bởi đây vốn là trò chơi mạo hiểm và tỷ lệ thua thiệt 9/10 vụ là bình thường, là luật mà các nhà đầu tư cần nắm rõ.
Đánh giá về thị trường khởi nghiệp với những diễn biến tích cực, song anh Bình cho thắng thắn cho hay, nhiều chỉ số Việt Nam vẫn bị bỏ xa thế giới như số lượng quỹ mạo hiểm chưa vượt qua con số 20 và quy mô đầu tư vẫn dừng ở vài chục triệu khi ở nước ngoài, con số này đã lên tới hằng tỷ USD.
Chủ tịch FPT cho rằng, startup là để thương mại hóa chứ không phải là tiến tới giá trị trường tồn cứ làm mãi. |
Với việc thành lập FPT Venture và tham gia vào Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), sứ mệnh của FPT là đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Song, để lan tỏa được tinh thân khởi nghiệp cần có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hơn nữa.
Một vấn đề được Chủ tịch FPT đưa ra là, startup dùng để thương mại hóa chứ không phải là tiến tới giá trị trường tồn cứ làm mãi. Từ đó, anh khẳng định vai trò của các doanh nghiệp lớn thành công khi ở vào vị trí của người mua, chứ không ở vị trí hỗ trợ.
"Không phải ngẫu nhiên mà Isaral trở thành quốc gia khởi nghiệp. Đó là do hàng loạt cơ chế chính sách đã được nước này thực thi nhiều năm liền. Ngay cả giai đoạn mạo hiểm nhất, các ý tưởng đã được cấp 50.000 USD để triển khai, rồi hỗ trợ từ 500 tới 800.000 USD cho tới khi thành công. Như vậy, 85% mạo hiểm của giai đoạn mạo hiểm đã được Nhà nước đứng ra gánh vác. Lợi ích to lớn mà Isarel thu về đó là: cả thế giới đổ về đây để săn tìm, mua bán công nghệ. Isarel trở thành quốc gia xuất khẩu starup thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ", người đứng đầu FPT chia sẻ.
Đề xuất cho bài toán của Việt Nam, anh Bình cho rằng, cần phải thay đổi về luật đầu tư mạo hiểm. Cần có sự linh hoạt trong việc góp vốn, rút vốn chứ không nên đồng nhất với luật đầu tư. Đồng thời, Việt Nam cũng cần thay đổi suy nghĩ về khởi nghiệp. Thất bại khi starup là rất bình thường. Song điều quan trọng là làm sao để thúc đẩy các bạn trẻ tiếp tục khởi nghiệp sau thất bại.
Tại Hội thảo, đại diện Bộ KHCN, Bộ KH&ĐT, UBND TP Hà Nội cũng đã trình bày bức tranh tổng quát về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; các định hướng về chính sách phát triển khởi nghiệp và thu hút đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của TP Hà Nội. Đại diễn các quỹ đầu tư cũng đưa ra những đánh giá chi tiết về thực trạng hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm quốc tế tại Việt Nam.
Lễ ký kết chương trình hợp tác giữa Vườn ươm Thành phố Hà Nội, Chương trình tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam VIISA và các đối tác Israel. |
Giám đốc FPT Venture Trần Hữu Đức cho hay, Việt Nam đang có làn sóng lớn các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp. Các vấn đề cần cải thiện trong quá trình startup là thiếu vốn để biến từ ý tưởng thành mô hình kinh doanh; làm sao có nhận thức khởi nghiệp toàn cầu và làm sao tận dụng được nguồn nhân lực trẻ, với nhiều du học sinh cũng như sở hữu công nghệ cốt lõi.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn ở Israel, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar, cho biết: Chìa khoá thành công của Israel là sự kinh doanh năng động, sự hỗ trợ mạnh mẽ của các quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm tạo ra sức sáng tạo mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh của đất nước. “Việt Nam hiện đã thu hút được sự quan tâm nhất định với các quỹ đầu tư quốc tế trong vấn đề khởi nghiệp. Với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua, chúng tôi tin rằng sẽ sớm có các cơ chế mới hỗ trợ cho sự phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp và tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển hơn”, bà chia sẻ.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mong muốn các startup, nhà đầu tư... chủ động đề xuất chính sách cho Chính phủ. Đồng thời đặt mục tiêu đưa Hà Nội trở thành nơi thí điểm cơ chế chính sách để thủ đô trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo này của FPT, Đại sứ Isarel và UBND TP, ông Huệ hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều tọa đàm về khởi nghiệp tại Việt Nam.
Thanh Nga
Ý kiến
()