Ông Cường cũng cho hay, cáp quang ngoài biển nếu bị xô đẩy mạnh do nhiều nguyên nhân khác nhau như: động đất, mỏ neo của tàu bè đi qua làm cong cáp sẽ dẫn đến xước vỏ cáp. Trong vỏ cáp có nhiều sợi dây, bao gồm cả sợi dây cung cấp nguồn điện để hệ thống hoạt động. Nếu cáp bị hỏng, nguồn điện bị thất thoát không đủ năng lượng để "nuôi" thiết bị gây ra sự cố sụt, mất nguồn, dẫn đến mất hoặc suy giảm hệ thống liên lạc. "Đứt cáp hay bị rò nguồn điện về bản chất sự cố như nhau, đều phải cắt đoạn cáp hỏng đi để hàn nối lại", ông Cường khẳng định.
Dự kiến 13/5 mới sửa chữa xong sự cố cáp quang biển AAG. Ảnh: Plongeur. |
GĐ Trung tâm Điều hành mạng một đơn vị viễn thông thông tin, công ty điều hành mạng AAG sẽ cử 1 trong 3 đội tàu đến bờ biển Vũng Tàu tiến hành nối cáp quang biển vừa bị đứt. “Khi bị sự cố, đơn vị điều hành AAG gấp rút lên phương án để "giải cứu" cho tuyến cáp. Đơn vị quản lý ở đất liền xác định vị trí cáp bị đứt bằng cách đo điện. Một tín hiệu quang phổ Spread được phát đi, sau đó họ quan sát tín hiệu phản hồi của nó. Bằng các thuật toán và đo thời gian, họ có thể tính toán khoảng cách và xác định được vị trí gặp sự cố”.
Sau khi đã xác định được vị trí bị đứt, trong vòng 48h, Trung tâm Điều hành cáp quang AAG sẽ hoàn thành kế hoạch sửa chữa chi tiết. Việt Nam nằm ở khu vực SEAIOCMA - một trong 3 khu vùng châu Á - Thái Bình Dương theo phân chia của nhà điều hành cáp quang AAG. Khu vực này có 3 đội tàu xử lý nằm ở các điểm Phillipines, Singapore và Ấn Độ.
Thường đội tàu hay xử lý cho Việt Nam là ở Singapore. Việc cấp giấy phép (apply permission) điều tàu mất khoảng 1-2 tuần, di chuyển đến vị trí đứt mất 2-5 ngày, và xử lý nối cáp trong khoảng 7-10 ngày. Thông tin này phù hợp với nhận định của VNPT và Viettel.
Khi đến được vị trí đường dây cáp gặp sự cố, các thợ lặn sẽ có nhiệm vụ xác định chính xác đoạn cáp bị đứt. Sau đó, một cánh tay cần cẩu sẽ được thả xuống đáy biển để đưa dây cáp lên boong tàu và tiến hành nối lại.
Ở những vùng biển sâu, tàu chuyên dụng sẽ dùng máy để tời kéo bó cáp quang từ đáy biển lên mặt nước, sau đó cố định đầu cáp bị đứt bằng phao nổi. Tiếp theo, tàu nối cáp tiếp tục tìm đầu bị đứt còn lại của tuyến cáp để tiến hành nối từng sợi cáp quang trong phòng kỹ thuật đặc biệt trên tàu.
Sau khi nối hoàn tất các sợi cáp quang, bó cáp bảo vệ sẽ được bọc lại như cũ và được rải trở lại đáy biển. Tuy nhiên, quá trình rải cũng đòi hỏi phải có máy móc chuyên dụng để thổi cát dưới đáy biển, tạo thành rãnh đặt cáp quang vào và phủ lấp cát lại lên trên để giảm thiểu khả năng bị va chạm.
Các tàu trong khu vực không dành riêng cho bất kỳ tuyến cáp biển nào (lắp mới hay sửa chữa) nên tùy tình hình tàu có đang bận xử lý công việc khác hay không mà việc bắt đầu khởi hành đến vị trí xử lý sớm hay muộn sau khi đã có giấy phép. "Ngoài ra, điều kiện thời tiết cũng ảnh hưởng đến công việc. Nếu biển động trên cấp 5 tàu chuyên dụng cũng phải hoãn xử lý", vị này nói thêm.
Theo các nhà mạng, so với những lần đứt cáp trước đây, sự cố lần này tương đối phức tạp, nguyên nhân đến nay mới chỉ xác định được là lỗi suy hao, gây chập chờn nguồn phát. Tuy vậy, các đơn vị này cũng cho biết, do có chuẩn bị tốt hơn, đường truyền Internet đi quốc tế sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn, do được san tải nhiều hơn qua các tuyến dự phòng trên đất liền.
Hiện nay, AAG (Asia America Gateway) là hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km kết nối khu vực Đông Nam Á với bờ tây nước Mỹ, đi qua Thái Bình Dương và các đảo Guam và Hawaii. Số tiền đầu tư xây dựng tuyến cáp là 500 triệu USD do 19 công ty sử dụng tuyến cáp đóng góp. Có 4 công ty Việt Nam cùng tham gia đầu tư vào dự án này gồm FPT Telecom, Viettel, VNPT, SPT.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp đã nhiều lần gặp sự cố. Trong đó, đứt cáp hay xảy ra nhất tại đoạn Hong Kong đến Singapore. Các phân đoạn Hong Kong đi Philippines và Philippines đi Mỹ ổn định hơn.
Trước đó, vào 8h ngày 5/1, đã xảy ra sự cố khiến tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bị lỗi cáp trên đoạn cáp S1H, cách trạm Vũng Tàu 117 km. Lần đứt cáo đầu tiên trong năm 2015 đã được khắc phụ vào ngày 17/1 và đến 24/1, kênh truyền đã được khôi phục hoàn toàn. Trong năm 2014, tuyến cáp quang bị đứt 2 lần vào tháng 7 và tháng 9.
Nguyên Văn
Ý kiến
()